Hen là vấn đề sức khỏe toàn cầu, xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, nhất là đối với trẻ em, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ, thậm chí có thể gây tử vong. Tái khám định kỳ đầy đủ, tuân thủ phác đồ dự phòng có thể làm ngăn ngừa cơn hen cấp, giảm tỉ lệ nhập viện cũng như nguy cơ tử vong, giúp trẻ có thể sinh hoạt, học tập bình thường. Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều gia đình không sử dụng thuốc điều trị dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, lạm dụng thuốc cắt cơn hen cấp khiến tình trạng hen ở nhiều trẻ ngày càng trở nên nặng nề.
Hưởng ứng ngày Hen thế giới 2023, cùng nâng cao nhận thức và lên kế hoạch hành động để kiểm soát bệnh hen trẻ em
Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính đường thở phổ biến nhất ở trẻ em. Hen được định nghĩa bởi bệnh sử có các triệu chứng hô hấp như khò khè, khó thở và nặng ngực. Các triệu chứng này thay đổi theo thời gian cũng như cường độ, thường xảy ra vào ban đêm hoặc gần sáng, có thể giảm triệu chứng tự nhiên nhưng nhiều trường hợp cần sử dụng thuốc.
Ngày Hen toàn cầu là sự kiện được tổ chức vào ngày thứ ba tuần đầu của tháng 5 hàng năm, bắt đầu từ năm 1998 và dần trở thành một trong những sự kiện lớn về sức khỏe, đã được tổ chức ở hơn 35 quốc gia trên toàn thế giới. Nhằm nâng cao kiến thức của gia đình trẻ mắc bệnh hen và đề cao tầm quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm, kiểm soát bệnh hen trong cộng đồng và các biện pháp dự phòng, kiểm soát hen đúng cách, mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương đều có các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Hen toàn cầu.
Bệnh hen phế quản ở trẻ em thường liên quan tới cơ địa dị ứng. Nếu trong gia đình, cha và hoặc mẹ bị hen thì trẻ có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh hen. Những trẻ bị chàm, có cơ địa dị ứng (viêm kết mạc dị ứng, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, dị ứng thức ăn …) cũng là “đối tượng” hàng đầu của bệnh hen. Phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa dị ứng và hô hấp khi trẻ có cơn hen điển hình: bắt đầu với hắt hơi, ngứa mũi và thở rít, nặng ngực, thậm chí là khó thở. Ngoài ra, trẻ bị ho, khó thở, đau tức ngực tái đi tái lại nhiều lần sau khi vận động mạnh, khi tiếp xúc với dị nguyên hô hấp (bụi mạt nhà, lông động vật, nấm mốc…), khi thay đổi thời tiết… cũng là những dấu hiệu cần nghĩ đến bệnh hen trẻ em.
Mỗi trường hợp hen có bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, vì vậy phụ huynh cần phối hợp với bác sĩ lập một kế hoạch điều trị hen dành riêng cho con mình. Các chuyên gia khuyến nghị các kế hoạch hành động về bệnh hen của trẻ sẽ giúp kiểm soát tốt bệnh hen suyễn và giảm nguy cơ cơn hen cấp. Kế hoạch này sẽ có thông tin về các tác nhân gây khởi phát cơn hen cấp và hướng dẫn dùng thuốc, nhận biết và xử trí khi bệnh hen xấu đi. Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương là 1 cơ sở y tế Nhi khoa thực hiện được đo chức năng hô hấp cho cả trẻ nhỏ hơn và trẻ lớn trên 5 tuổi để chẩn đoán xác định bệnh, đánh giá mức độ, theo dõi diễn biến bệnh và thực hiện các test về dị nguyên hô hấp, nhằm tư vấn kiểm soát môi trường hiệu quả cũng như đưa ra các kế hoạch, giải pháp điều trị cụ thể cho các bệnh nhi hen.
Kiểm soát cơn hen không hoàn toàn, có thể khiến bệnh trầm trọng hơn
Hen ở trẻ em chủ yếu thuộc tuýp hen dị ứng, thường đáp ứng tốt với các thuốc điều trị dự phòng như corticosteroid dạng hít (ICS) hoặc corticosteroid dạng hít phối hợp với thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (ICS-LABA). Vì vậy, việc xác định chính xác bệnh và điều trị dự phòng đầy đủ sẽ kiểm soát tốt nền viêm mãn tính của đường thở, giúp chức năng hô hấp của trẻ trở về bình thường, không ảnh hưởng đến các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày như: ăn uống, học tập, vui chơi, thể dục thể thao… Ngược lại, nếu trẻ không được điều trị dự phòng đầy đủ, đúng cách, sẽ thường xuyên bị lên cơn hen cấp, làm tăng tỷ lệ nhập viện và phải nghỉ học ở trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và gây tái cấu trúc đường thở.
Nhiều phụ huynh không điều trị theo chỉ định của bác sĩ mà chỉ dùng thuốc cắt cơn khi trẻ khó thở, khiến bệnh của con ngày càng trầm trọng hơn. Bởi lẽ, thuốc cắt cơn (thuốc giảm triệu chứng, thuốc cắt triệu chứng) là nhóm thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn được chỉ định để giảm nhanh các triệu chứng hen, nhưng việc sử dụng thuốc cắt cơn thường xuyên không giải quyết gốc rễ nền viêm của bệnh, mà còn là một trong các yếu tố nguy cơ khiến các cơn hen cấp xuất hiện nhiều hơn và cho thấy khả năng kiểm soát bệnh kém.
Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá về chức năng hô hấp, đánh giá tình trạng kiểm soát hen, điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn, đồng thời nghe chuyên gia y tế tư vấn cho gia đình những căn nguyên thường gặp gây cơn hen cấp. Tùy theo khả năng cải thiện triệu chứng, bác sĩ sẽ điều chỉnh loại thuốc cũng như liều lượng thuốc cho người bệnh. Những trẻ đáp ứng thuốc tốt, kiểm soát hoàn toàn sẽ được bác sĩ giảm dần số lượng thuốc dự phòng hàng ngày. Trường hợp bệnh có chuyển biến nặng hơn, bác sĩ sẽ cùng gia đình tìm hiểu nguyên nhân khởi phát các đợt cấp, điều chỉnh hoặc thay đổi thuốc điều trị khác phù hợp.
Cha mẹ hãy cùng bác sĩ và nhân viên y tế nỗ lực hành động để kiểm soát tốt bệnh hen hoàn toàn, góp phần giảm gánh nặng chi phí điều trị bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ.
Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu