Trang chủ » Y học thường thức » Nguy cơ đuối nước khi sử dụng bể bơi phao tại nhà cho trẻ em

Nguy cơ đuối nước khi sử dụng bể bơi phao tại nhà cho trẻ em

Ngày 8/7/2021, các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bé trai 11 tháng tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do bị đuối nước khi chơi bể bơi phao tại nhà.

Bé trai là Nguyễn Minh Hoàng (11 tháng tuổi, ở Hà Nội) cùng anh trai 3 tuổi được gia đình cho chơi bể bơi phao tại nhà với mực nước sâu khoảng 50cm. Sau khoảng 10 phút không có sự giám sát, gia đình phát hiện trẻ nằm úp mặt xuống đáy bể bơi phao. Trẻ có biểu hiện tím tái khi được vớt lên. Sau khi được sơ cứu tại chỗ, trẻ được đưa đến Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, sốt, co giật. Vì tình trạng bệnh diễn biến nặng, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Tại thời điểm nhập viện tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ sốt 38.5, lơ mơ, suy hô hấp phải thở oxy mask. Sau khi tiến hành cấp cứu và làm các xét nghiệm trẻ được chẩn đoán viêm phổi do đuối nước trong bể bơi phao tại nhà. Trẻ được chuyển đến Trung tâm Hô hấp- Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau một tuần điều trị và chăm sóc đặc biệt, sức khỏe trẻ ổn định, được ra viện.

Một trường hợp bệnh nhi tại khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Diệu Anh)

Theo Ths.Bs Nguyễn Đăng Quyệt – Trưởng Khoa Hô hấp 2- Trung tâm Hô hấp, thời gian qua, Trung tâm đã tiếp nhận, điều trị cho một số trường hợp trẻ bị viêm phổi do đuối nước khi tắm ở ao, hồ, bể bơi, thậm chí đuối nước do xô, chậu, bồn tắm, bể bơi phao hoặc vật dụng chứa nước ở gia đình.

Đuối nước là một trong những tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra tại gia đình và ngoài cộng đồng. Nếu không phát hiện kịp thời, trẻ bị chìm lâu trong nước hoặc nguồn nước bẩn, ngoài hậu quả viêm phổi do đuối nước, trẻ có thể bị suy hô hấp nặng, nhiễm khuẩn nặng, phù phổi cấp, rối loạn điện giải và di chứng thần kinh nếu não bị thiếu oxy kéo dài, thậm chí trẻ có thể tử vong.

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, trẻ em vẫn chưa được đến trường, nhiều gia đình sử dụng bể bơi phao tại nhà để giúp trẻ vui chơi, giải nhiệt. “Để có thể giúp bé vui chơi mà vẫn đảm bảo an toàn, người trông trẻ cần giám sát chặt chẽ, không được rời mắt khỏi trẻ để làm công việc khác. Bên cạnh đó, gia đình cần trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức cơ bản nhất để tự bảo vệ mình khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên. Đối với trẻ lớn, cần được giáo dục tại trường học và gia đình về các nguy cơ tai nạn thương tích, cách phòng tránh và các bước xử lý khi tai nạn thương tích xảy ra” – Ths. Bs Nguyễn Đăng Quyệt khuyến cáo.

*Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Khánh Chi – Vy Hiếu

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em