Đã gần 1 tuần nay, bé Nam, con chị Thúy Nga (ở Tây hồ, Hà Nội) bị lên mụn ở đùi, cánh tay, lúc đầu như phỏng nước, sau vỡ ra và nổi nhiểu mụn như rôm ở xung quanh khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu. Ông bà người thì đoán bị rôm, người lại bảo thủy đậu. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ da liễu chẩn đoán cháu bị bệnh chốc khiến chị Nga rất bất ngờ, chị cứ nghĩ chốc là những mụn mủ chỉ xuất hiện ở đầu.
Ths.Bs Phạm Thị Mai Hương – chuyên khoa Da liễu, bệnh viện Nhi Trung ương – cho biết mỗi ngày phòng khám Da liễu thuộc khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận hơn 100 trẻ đến khám, trong đó khoảng 10% là chốc (tỉ lệ này thay đổi theo mùa).
Chốc là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ em
Chốc là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác, vì vậy bệnh còn được gọi là “chốc lây”.
Chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% là các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trên thực tế các bậc phụ huynh rất hay nhầm lẫn giữa bệnh chốc và bệnh thủy đậu. Nếu được chẩn đoán sớm và xử trí đúng, bệnh chốc lở cải thiện nhanh, khỏi và không để lại sẹo; trường hợp ngược lại bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
1. Biểu hiện
Chốc được phân loại theo hình thái thương tổn: chốc có bọng nước và chốc không có bọng nước.
A. Chốc có bọng nước điển hình
– Nguyên nhân: thường do tụ cầu gây ra.
– Thương tổn cơ bản:
• Khởi đầu là dát đỏ kích thước từ 0,5-1cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó.
• Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao.
• Vài giờ hoặc vài ngày sau các bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc màu nâu nhạt giống màu mật ong.
• Thương tổn khỏi không để lại sẹo.
– Vị trí thường gặp: ở mặt, vùng da hở, hoặc bất kì chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại.
– Biểu hiện toàn thân: viêm hạch lân cận, sốt rất hiếm gặp trừ khi chốc lan tỏa hoặc có biến chứng.
– Bệnh nhân có thể ngứa – gãi làm thương tổn lan rộng chàm hóa, lan sang vùng da khác.
B. Chốc không có bọng nuớc điển hình
– Nguyên nhân: thường do liên cầu tan huyết nhóm A.
– Thương tổn ban đầu: mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Bờ thương tổn thường có ít vảy da trông giống như bệnh nấm da. Vảy tiết phía trên có màu vàng mật ong hoặc nâu sáng, với một quầng đỏ nhỏ bao quanh. Một số trường hợp có thể thấy các thương tổn vệ tinh ở xung quanh.
– Vị trí: hay gặp ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tứ chi.
– Hình thái này thường gặp trên những trẻ bị viêm da cơ địa, ghẻ, hoặc một bệnh da nào đó kèm theo bội nhiễm, hầu như không gặp thương tổn ở niêm mạc.
– Bệnh thường khỏi sau 2-3 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài, nhất là khi cơ thể có nhiễm ký sinh trùng, bị chàm hay thời tiết nóng, ẩm ướt.
2. Xử trí trước khi đưa trẻ đến bệnh viện
– Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, có thể dùng nước thuốc tím pha loãng 1/10.000, hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như nước chè xanh làm khô se thương tổn.
– Cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc sát trùng như betadine hoặc dung dịch thuốc màu như xanh methylen…Dùng một vài ngày không thấy cải thiện hoặc bệnh có xu hướng nặng lên thì nên gặp bác sĩ đế được tư vấn, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra .
– Chốc lở dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa, trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này, rồi lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể. Bởi vậy, khi trẻ bị chốc, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tạm nghỉ ở nhà để kiểm soát tốt hơn sự lan rộng của bệnh trên cơ thể trẻ và ngăn ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, động thái này cũng giúp hạn chế bệnh lây sang các bạn khác.
3. Điều trị
– Trường hợp nhẹ hoặc thương tổn khu trú: làm sạch tổn thương bằng dung dịch NaCl 0, 9% hay thuốc tím 1/10.000.
– Dùng mỡ/kem kháng sinh như axit fusidic ngày 2 lần (Fucidin, Foban) hoặc mupirocin (Bactroban).
– Khi thương tổn lan rộng, nặng, dai dẳng và có nguy cơ biến chứng viêm cầu thận cấp: Dùng kháng sinh toàn thân. Có thể dùng kháng sinh nhóm β-lactam, cephalosporin, macrolid, penicillin bán tổng hợp (ví dụ Augmentin, Erythromycin, Cefixim…)
– Dùng kháng Histamin nếu có ngứa: Phenergan, Loratadin…
– Nếu chốc kháng thuốc phải điều trị theo kháng sinh đồ.
– Nếu có biến chứng phải chú trọng điều trị các biến chứng.
4. Biến chứng
Chốc lở thông thường không nguy hiểm, nhưng đôi khi có thể dẫn đến biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng:
1. Biến chứng tại chỗ:
– Chàm hóa: chốc tái đi tái lại xuất hiện nhiều mụn nước mới, ngứa.
– Chốc loét: thường gặp trên trẻ em, người già bị suy dinh dưỡng nặng hay người suy giảm miễn dịch, thương tổn ăn sâu, khi khỏi để lại sẹo ảnh hưởng thẩm mỹ (chốc thông thường không để lại sẹo).
2. Biến chứng toàn thân:
– Nhiễm trùng huyết: thường gặp trên cơ thể có sức đề kháng yếu, chủ yếu do tụ cầu.
– Viêm cầu thận cấp: thời gian từ chốc đến viêm cầu thận cấp thường là 3 tuần.
– Ngoài ra có thể gặp: viêm quầng, viêm mô bào sâu, viêm phổi, viêm hạch, viêm xương…
5. Phòng ngừa và hạn chế bệnh lan rộng
– Biện pháp tốt nhất là luôn để cơ thể trẻ được thoáng mát: nơi ở rộng rãi, quần áo vải bông mỏng thoáng, thấm mồ hôi, tránh để hở da nhiều làm phát sinh bệnh và lây lan.
– Bảo vệ da không bị xây xát. Cha mẹ nên dạy trẻ chơi ở chỗ sạch, tránh bụi, tránh chơi gần các vật cứng nhọn, hạn chế chơi gần vật nuôi, tránh côn trùng.
– Giữ cho da trẻ sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên, tắm cho trẻ bằng nước sạch, tránh làm xây xát. Thay và giặt sạch quần áo mỗi ngày, cắt tóc, cắt móng tay.
– Uống đủ nước, nước trái cây và ăn rau xanh.
– Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, để côn trùng đốt.
– Điều trị sớm và tích cực, tránh chà xát, gãi nhiều gây biến chứng.
*Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Ths.Bs Mai Hương – Khánh Chi