Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Nhận thức đúng để phát hiện sớm và trợ giúp kịp thời cho trẻ tự kỷ

Nhận thức đúng để phát hiện sớm và trợ giúp kịp thời cho trẻ tự kỷ

Truyền thông giáo dục sức khỏe, cung cấp kiến thức cơ bản về tự kỷ cho các phụ huynh là giải pháp quan trọng, nhằm phát hiện sớm trẻ tự kỷ trong cộng đồng

Theo chuyên trang tự kỷ của Liên hiệp quốc, “tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại”. Do đó, tự kỷ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực phát triển của trẻ như trí tuệ, nhận thức.

Hình 1: Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội

Tự kỷ là một phổ rộng, từ rất nặng đến rất nhẹ, không rõ nguyên nhân và không thể phòng ngừa; chỉ có phát hiện sớm, can thiệp sớm để giúp trẻ sớm hòa nhập. Nhưng ở nhiều nơi, mọi người còn chưa biết nhiều về tự kỷ nên đã bỏ lỡ cơ hội phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ. Hiện tại chưa có nhiều bệnh viện có thể chẩn đoán được tự kỷ, nhất là các bệnh viện địa phương.

Khó khăn về giao tiếp và tương tác xã hội chính là những rào cản lớn khiến trẻ tự kỷ không thể truyền đạt mong muốn của mình với người khác hoặc không hiểu hết những điều diễn ra xung quanh. Ngược lại, cha mẹ, thầy cô cũng không dễ để nắm bắt hết mong muốn của trẻ. Do đó, trẻ có thể luôn ở trong trạng thái bất an, lo sợ. Chính vì vậy, vai trò của các y bác sĩ, giáo viên và các nhân viên xã hội cần được đề cao trong việc hỗ trợ cha mẹ thực hành giáo dục, hỗ trợ kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ, đồng thời hỗ trợ cha mẹ xây dựng và thực hiện kế hoạch tương lai theo từng giai đoạn.

Cơ hội vàng của trẻ mắc chứng tự kỷ là phát hiện sớm và trị liệu vào giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi. Nhiều ví dụ đã chứng minh, cha mẹ kiên trì, đồng hành “lao tâm khổ tứ” trị liệu cùng con, trẻ mắc chứng tự kỷ được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ có nhiều cơ hội hòa nhập vào cuộc sống như bao trẻ em khác.

Điều trị tự kỷ đòi hỏi thời gian lâu dài, kiên trì, kiên nhẫn và quan trọng nhất cha mẹ là người can thiệp chính cho con mình. Có nhiều cha mẹ bỏ cuộc giữa chừng, khi trẻ có hành vi bất thường quay lại điều trị thì rất khó. Có trẻ cha mẹ phát hiện sớm nhưng không tìm được nguồn hướng dẫn điều trị, khi 12 tuổi thì đã trở nên tăng động, gào thét, đập đầu vào tường, nhổ nước bọt phì phì. Hoặc rất nhiều phụ huynh tưởng con ổn rồi nhưng đến tuổi dậy thì con lại nặng thêm hoặc thụt lùi.

Hình 2: Bệnh viện Trung ương đào tạo liên tục các lớp cho bệnh viện tuyến dưới
về kiến thức trẻ tự kỷ

Hình 3: Bệnh viện Nhi Trung ương đã có những buổi tập huấn Sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán, can thiệp trẻ có rối loạn phổ tự kỷ tại các bệnh viện địa phương

Tại Việt Nam, ở các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và can thiệp trẻ tự kỷ. 50% trẻ tự kỷ không có ngôn ngữ, vì vậy cha mẹ cần quan sát con thường xuyên, khi thấy con có những biểu hiện bất thường phải đưa tới khám tại chuyên khoa Tâm thần, nhằm phát hiện và can thiệp sớm. Sự đồng hành của cha mẹ, bác sĩ, giáo viên và nhân viên công tác xã hội là rất quan trọng để trẻ không phải đơn độc trong cuộc chiến khó khăn và lâu dài ở phía trước, quyết định đến kết quả thành công của việc điều trị trẻ tự kỷ.

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em