Trang chủ » Góc tri ân - Những câu chuyện » Những chia sẻ của một người mẹ có con mắc bệnh nặng khi mới 20 ngày tuổi

Những chia sẻ của một người mẹ có con mắc bệnh nặng khi mới 20 ngày tuổi

Thời gian mà tôi đồng hành cùng cháu trong bốn mươi ngày điều trị tại viện, có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được. Vào viện là cảnh các bà mẹ mới sinh con được vài ngày tuổi, khi vết mổ, vết rách tầng sinh môn còn chưa cắt chỉ, sữa mẹ chưa về. Gương mặt hốc hác, buồn tủi, lo âu và luôn trực khóc khi nghĩ về bệnh tình của con, lúc nào cũng mong ngóng bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm của con và câu nguyện cho con luôn được bình an, may mắn...

Kính gửi: Ban Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương. Đồng kính gửi đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ công nhân viên của bệnh viện.

Tên tôi là: Vũ Thị Việt Thanh

Trú tại phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Là mẹ của cháu Bùi Vũ Quốc Anh, sinh ngày 28/8/2017.

Ngày hôm nay, tôi viết lá thư này muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc, chân thành nhất đến Ban Lãnh đạo, các y, bác sĩ của Bệnh viện. Bác sĩ Tú, bác sĩ Nga, cùng các cô điều dưỡng trong khoa Sơ sinh và bác sĩ Nguyễn Thu Hà – khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bé Nguyễn Quốc Anh là con thứ hai của tôi. Cháu chào đời khỏe mạnh, được 3.2kg bằng phương pháp sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Khi được hai mươi ngày tuổi, cháu sốt cao trên 39 độ. Gia đình tôi đưa cháu ra viện Nhi Trung ương khám, qua thăm khám và dựa vào kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt virus, nên kê đơn thuốc và về nhà theo dõi. Sau hai ngày dùng thuốc không đỡ, cháu vẫn sốt cao và không thể hạ được, gia đình tôi đưa cháu trở lại viện. Cháu nhập viện vào khoa Sơ sinh và được bác sĩ Tú thăm khám, chẩn đoán mắc bệnh viêm màng não mủ.

Trong lúc vào khoa Sơ sinh, cháu sốt cao trên 40 độ, người li bì, mệt mỏi. Bản thân tôi vừa lo lắng cho bệnh tật của con, vừa khóc, vừa lóng ngóng, mất bình tĩnh khi chỉ có một mình được vào chăm con. Như hiểu được nỗi lòng của người bệnh, các cô điều dưỡng luôn túc trực, bên cạnh động viên, an ủi và hướng dẫn rất cẩn thận từ hạ sốt, cho con căn, đặt con nằm… Mỗi cử chỉ cao đẹp cho đi như tiếp thêm sức mạnh để không chỉ riêng tôi mà tất cả các bà mẹ có con điều trị tại khoa có thêm nghị lực, tinh thần vững vàng và có thêm kinh nghiệm để chăm sóc các con.

Sau hai mươi ngày điều trị, bệnh tình của con tôi có thuyên giảm, cháu đáp ứng thuốc rất chậm, vẫn sốt và kèm theo đi ngoài. Kết quả chụp MRI và điện não đồ đều trong giới hạn bình thường. Hai mươi ngày tiếp theo cháu được bác sĩ Nga điều trị tiếp, thật may mắn khi các kết quả xét nghiệm dịch não tủy ngày càng giảm, cháu đã cắt được sốt và ra viện với sức khỏe ổn định.

Thời gian mà tôi đồng hành cùng cháu trong bốn mươi ngày điều trị tại viện, có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được.

Vào viện là cảnh các bà mẹ mới sinh con được vài ngày tuổi, khi vết mổ, vết rách tầng sinh môn còn chưa cắt chỉ, sữa mẹ chưa về. Gương mặt hốc hác, buồn tủi, lo âu và luôn trực khóc khi nghĩ về bệnh tình của con, lúc nào cũng mong ngóng bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm của con và câu nguyện cho con luôn được bình an, may mắn.

Những bữa cơm mua sẵn không phải dành cho người ở cữ, đến lúc ăn cơm đã nguội ngắt và cũng đã quá bữa. Có những hôm người nhà mua phải cơm sống, các mẹ vẫn cứ cố ăn… Nhưng những điều đấy chưa bao giờ thấy các mẹ màng tới, vẫn cố gắng hết mình để chăm con thật tốt, cảm thấy vui lắm khi thông báo tình hình bệnh tình của con ngày một tốt lên.

Các mẹ ấy yếu đuối khi con phải đi lấy ven, khi con không ăn sữa được, khi được mọi người động viên giữ gìn sức khỏe, khi bác sĩ chia sẻ về bệnh của con ngày một xấu đi.

Quãng thời gian đó con tôi điều trị tại phòng 316, căn phòng lúc nào cũng đông bệnh nhân. Cháu Quốc Anh là người phải tiêm kháng sinh nhiều nhất, kết thúc một ngày tiêm vào khoảng một, hai giờ sáng ngày hôm sau. Cháu tiêm nhiều đến nỗi không còn ven nào lành lặn. Mỗi lần cháu lấy ven, lấy dịch não tủy mà tôi không thể cầm được nước mắt, chỉ mong giá như tôi có thể chịu thay đau cho cháu, để cháu không phải khóc lặng cả người, không gào thét, không còn co rúm lại vì sợ.

Hầu như các mẹ ở đây đều chăm con một mình cả ngày lẫn đêm, có mẹ chia sẻ rằng: “Chỉ ước một ngày được nằm ngủ duỗi thẳng chân trong nửa tiếng”. Như thấu hiểu được sự vất vả và cảm thông cho các mẹ có con điều trị tại khoa, mẹ cháu vẫn nhớ các cô như cô Ngoan, cô Vân Anh, cô Kiên, cô Thúy, cô Nhung, cô Huyền và các cô điều dưỡng khác trong khoa Sơ sinh luôn nhẹ nhàng, hết lòng giúp đỡ, những gì có thể làm giúp được các cô, các bác làm hết.

Có những hôm con quấy đêm mệt quá, các mẹ ngủ quên cả giờ bác sĩ đến khám. Các cô điều dưỡng đo nhiệt độ, chăm sóc bé khi đến giờ tiêm, bác sĩ khám thì không nỡ đánh thức mẹ bé dành, dành cho mẹ một chút thời gian nghỉ ngơi để lấy lại sức chiến đấu cùng con. Và tôi, vẫn nhớ mãi ánh mắt của bác sĩ Nga, khi chị thăm, khám bệnh cho các con. Ánh mắt ấy ấm áp vô cùng, như thể truyền sức mạnh và niềm tin rằng: “Các con yên tâm, bác sẽ chữa khỏi bệnh cho các con”.

Và thật sự cảm ơn, bao nhiêu tâm huyết của tất cả mọi người, cuối cùng sau 40 ngày điều trị cháu đã khỏi bệnh.

Khi về nhà, vì thời gian cùng con chinh chiến khá lâu và áp lực về căn bệnh nguy hiểm mà cháu từng mắc phải khiến tôi phải suy nghĩ liên tục. Áp lực đầu tiên khiến tôi mất sữa, mất ngủ triền miên, mỗi ngày chỉ ngủ được 2 tiếng cộng lại. Và tôi bị đau đầu dữ dội trong một tuần, mặc dù sau đấy tôi có đi khám và chụp cắt lớp CT không vấn đề gì. Ngày ngày, chăm sóc con và theo dõi sự phát triển của con, nhiều khi cảm thấy cảm xúc của tôi bị rối loạn, tôi có thể nổi nóng, quát tháo ấm ĩ khi nghĩ đến bất cứ ai, bất cứ thứ gì có thể làm ảnh hưởng đến con.

Lúc cháu Quốc Anh tròn 4 tháng tuổi, gia đình tôi đưa bé đi kiêm tra thính lực và sự phát triển của bé tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngày hôm đấy tôi cảm thấy stress vô cùng. Trong lòng nhen nhóm một sự thù hận, tôi nghĩ lại tất cả từ trước đến nay ai là người có thể gây bệnh cho con tôi, thì ngày hôm đấy đi khám về tôi sẽ ra tay với người đó.

Tình trạng đưa con đi khám của tôi khi ấy không ổn chút nào. Tôi mất bình tĩnh và muốn nhanh chóng được nhận kết quả khám từ bác sĩ. “Mọi sự tốt đẹp, cháu Quốc Anh phát triển bình thường”. Đến lúc đấy tôi mới vỡ òa cảm xúc.

Từ trước đến nay, tôi sinh con, rồi con bị bệnh, không có ai chịu lắng nghe, chia sẻ tâm trạng cùng tôi. Chỉ đến khi gặp bác sĩ Nguyễn Thu Hà – người bác sĩ rất có tâm – là người trực tiếp khám cho con tôi, đồng thời cũng là người phát hiện ra tình trạng của tôi khi ấy thật sự cần sự giúp đỡ của một bác sĩ tâm lý. Chị sẵn sàng nghe tất cả mọi nỗi niềm gây ức chế cho tôi bấy lâu nay, chị cho tôi lời khuyên, giải tỏa mọi lo lắng và tìm cho tôi một bác sĩ tâm thần cùng đồng hành điều trị cho tôi. Thật may mắn vì đã gặp bác sĩ Hà. Ngày hôm đấy đi khám về tôi chỉ làm gẫy một cánh cổng sắt, thay vì ra tay với người mà tôi muốn sát hại. Nếu không thì giờ tôi đang ở một nơi khác không còn ở nhà chăm sóc và theo dõi sự phát triển của các con nữa.

Thời gian trôi qua giúp tôi tĩnh tâm hơn. Sau khoảng một tháng điều trị tâm lý, tôi cảm thấy mọi thứ xung quang bắt đầu vào với quỹ đạo như trước đây, cuộc sống vui vẻ, thoải mái hơn.

Cháu Quốc Anh bây giờ được hơn 6 tháng tuổi. Cháu trộm vía khỏe mạnh, hoạt bát, bắt đầu trườn, bò, ngồi và rất hay cười. Vậy là bao nhiêu lo lắng về bệnh của con đã được giải tỏa đi phần nào. Gia đình tôi hạnh phúc lắm. Và tôi biết khi cháu Quốc Anh phát triển tốt về thể chất và trí lực như này, các bác sĩ và các cô điều dưỡng khoa Sơ sinh sẽ rất mừng.

Cuối thư, tôi xin cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện Nhi Trung ương. Hy vọng rằng các em điều trị tại đây sẽ mau khỏi bệnh, các bà mẹ có con bị bệnh không bị áp lực. Một lần nữa, tôi kính chúc các thầy thuốc, anh chị điều dưỡng luôn mạnh khỏe, tâm huyết với nghề, luôn hạnh phúc và gặp nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Thay mặt gia đình, xin cảm ơn.

Yên Bái, ngày 4/3/2018

Mẹ cháu Bùi Vũ Quốc Anh

Vũ Thị Việt Thanh

Chuyên mục: Góc tri ân - Những câu chuyện

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em