Ấy là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ hỉ, nộ, ái ố. Là nơi sáng đèn quanh năm. Là nơi thấm đẫm tình người. Là nơi chứng kiến niềm vui, nỗi buồn, cả nỗi sinh ly tử biệt…Ấy là phòng Cấp cứu của các bệnh viện, nơi “tuyến đầu” tiếp nhận, xử lý và sàng lọc bệnh nhân. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, các phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã tổ chức một vệt trắng đêm cùng các y, bác sĩ tại phòng Cấp cứu của một số bệnh viện. Những mong, để bạn đọc hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của những người đang ngày đêm giành lại mạng sống cho biết bao người.
0 giờ
0 giờ, trước cửa khoa Cấp cứu- Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, vẫn là những gương mặt lo lắng, những lời năn nỉ xin qua cửa của người nhà bệnh nhân với lực lượng bảo vệ, thậm chí là cả những lời to tiếng: “Giờ con tôi đang cấp cứu trong kia, sao tôi là bố lại không thể vào? – một người đàn ông trung niên với gương mặt khắc khổ, đầy giận dữ. “Anh bình tĩnh, giờ thăm đã hết. Đã có mẹ ở lại với cháu rồi! Phòng Cấp cứu rất cần không gian, không phận sự mong anh thông cảm!”, một nhân viên bảo vệ trẻ măng, kiên nhẫn giải thích.
Câu chuyện về sự nóng giận ấy vẫn tiếp tục đến tận khi một bác sĩ bước ra, thông báo tình trạng của cháu nhỏ đã trong tầm kiểm soát và yêu cầu người nhà giữ trật tự tại khu sảnh chờ. Bác sĩ đó là Phạm Ngọc Toàn, bác sĩ trực chính của đêm hôm nay.
Bác sĩ Toàn đang khám cấp cứu một bệnh nhi. Ảnh: Hà My
Đưa chúng tôi khẩu trang y tế, áo, mũ tiệt trùng và giải thích ngắn gọn về một số quy định của phòng Cấp cứu, bác sĩ Toàn nhanh chóng quay trở lại với công việc.
Để tránh “gây rối” cho các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ, tôi đứng nép mình vào một góc trống của phòng Cấp cứu, lặng lẽ tiếp nhận những hình ảnh đang xảy ra. 4 bác sĩ trực, 8 điều dưỡng viên, 6 dãy giường ngay ngắn không một chỗ trống, 28 bệnh nhi và 28 ông bố bà mẹ với những nỗi lo không thể giấu trên khuôn mặt, tất cả như một thước phim quay chậm: gấp gáp nhưng không hỗn loạn, sống động nhưng chẳng ồn ào!
Đúng lúc ấy, một chiếc băng- ca được đẩy vào, trên giường là một cô bé chỉ khoảng 4 tuổi với tình trạng cổ và gáy sưng to do ngã từ cầu thang xuống và tiếp đất bằng cổ. Bác sĩ Toàn nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhận và hội chẩn cùng hai bác sĩ nội trú khác. Cẩn thận nâng lưng bệnh nhi, bác sĩ Toàn gắn vào thiết bị nẹp cố định cổ. Mẹ em bé, chị Nhung (Hà Nội), đứng lặng người nơi cuối giường, ánh mắt vẫn chưa thôi hoảng hốt.
0 giờ, không gian khu vực cấp cứu ngoại khoa, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chợt ồn ào bởi tiếng còi hú xe cấp cứu ngày càng gần, tiếng những bước chân vội vã, dồn dập, tiếng y lệnh của bác sĩ, tiếng kêu của máy móc y tế… Lẫn trong đó, đâu đó vọng lại cả tiếng khóc khi nức nở, khi thút thít. Nét lo âu, sợ hãi hiện rõ trên gương mặt những người nhà người bệnh. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt căng thẳng của các y, bác sĩ… Không gian như nghẹn lại.
Chưa đến 10 phút, 5 lượt xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến, chẳng cần ai nhắc hay phân công, dường như tất cả các y, bác sĩ và nhân viên có mặt ở đây đều biết họ cần phải làm gì. Sau câu hỏi: “Bệnh nhân bị làm sao?” những chiếc băng ca chở người bệnh nhanh chóng được đưa vào phòng Cấp cứu. Sau cánh cửa là những ánh mắt với theo của người nhà bệnh nhân. Có người chọn tìm một chỗ để ngồi đợi, có người đi đi lại lại trước cửa phòng Cấp cứu… Thỉnh thoảng, ánh mắt họ chạm nhau, đồng cảm. Bởi tất cả họ đều có chung một mong ước là được bác sĩ gọi tới và thông báo, người thân của họ đã an toàn…
Một bệnh nhân nam khoảng ngoài 50 tuổi được chuyển đến từ một bệnh viện khác trong tình trạng hôn mê do chấn thương sọ não, đã ngưng tim, ngưng thở và giãn đồng tử. Các y, bác sĩ và điều dưỡng phòng Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhanh chóng tập trung cấp cứu cho bệnh nhân. Người gắn các máy móc, người ép tim, người hút đờm dãi, đặt nội khí quản, người bóp bóng giúp thở… Sau phút căng thẳng tột độ, màn hình hiển thị nhịp tim và huyết áp của bệnh nhân. Tất cả thở phào, như trút một gánh nặng. Tình trạng của bệnh nhân đã tạm thời được kiểm soát. Bác sĩ tiếp tục khám, kiểm tra cho bệnh nhân và chỉ định làm thêm những xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết. Ngoài cửa phòng, 2 cô gái trẻ, một cô ôm bọc đồ, một cô tay giữ chặt túi sữa tươi, mỗi người đứng gọn vào một bên cửa, lặng lẽ khóc, mắt không ngừng nhìn người bố đang nằm trên băng-ca vừa có lại nhịp thở.
0 giờ, lượng bệnh nhân chuyển vào Khoa Cấp cứu ban đầu Bệnh viện 103, Học viện Quân y tăng vọt. Các giường đã chật kín bệnh nhân. Tiếng vật vã, đau đớn ê ẩm khắp phòng. Thỉnh thoảng trong đám ồn ào lại có tiếng khóc sụt sịt khiến bầu không khí càng trở nên căng thẳng, u ám.
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ được các y, bác sĩ cấp cứu, truyền thuốc, bệnh nhân Nguyễn Văn Nam ở Thanh Trì, Hà Nội, vẫn trong trạng thái mê man. Chị Nguyễn Thị Tâm, chị gái bệnh nhân cho biết, buổi trưa ngày 14-2, anh Nam đi ăn cỗ ở nhà người thân, do uống rượu say nên trên đường về nhà bị tai nạn giao thông: “Hai vợ chồng Nam ly hôn. Các con đi học, đi làm xa cả. Nghe nó bị tai nạn, tôi sợ quá, đưa vội vào viện, không kịp mang theo giấy tờ, may nhờ các bác sĩ ở đây linh động, kịp thời cứu giúp, chăm sóc nên đã qua cơn nguy kịch”.
Khi chúng tôi đang nói chuyện với chị Tâm, y tá Nguyễn Thị Thanh Hiền đang nhẹ nhàng lau vết thương trên mặt, trán bệnh nhân Nam. Bị tiêm vào ven khuỷu tay, bệnh nhân Nam bất giác co người giãy giụa kêu đau. Chị Tâm giật mình quay lại giữ người em trai, ngân ngấn nước mắt. Chị Hiền động viên: “Mũi tiêm này không đau. Cố gắng lên anh!” Lời chị Hiền như để trấn an anh Nam và chị Tâm. Trước khi rời giường bệnh, chị Hiền còn cẩn thận nhắc: “Bây giờ anh ấy còn say rượu, chị nên nhẹ nhàng, tránh để anh ấy hoang mang gây chấn động mạnh”. Cách đó không xa, Đại tá, bác sĩ Phạm Văn Tiến, Trưởng khoa Cấp cứu ban đầu, đang thăm khám cho bệnh nhân Trần Ánh Dương ở Hà Đông, Hà Nội. Anh Dương cũng bị tai nạn giao thông, chấn động thần kinh, tổn thương phần mềm phải băng bó trắng toát quanh đầu, nửa mặt.
Một ca cấp cứu trong đêm đến Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Liên Việt
0 giờ, khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai vẫn đèn đuốc sáng choang. Với các thầy thuốc ở đây, ranh giới giữa ngày và đêm dường như không phân biệt được bởi lúc nào họ cũng tất bật, luôn tay chân và đầu phải “căng” ra và luôn tỉnh táo… Đêm nay, bác sĩ Ngô Đức Hùng trực chính. Ca trực của anh bắt đầu từ 5 giờ chiều đến 8 giờ sáng ngày hôm sau. Trong vai trò “nhạc trưởng”, bác sĩ Hùng có nhiệm vụ điều khiển toàn bộ tua trực hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp với nhau. Từng bệnh án cứ độ mươi phút đến rồi lại đi. Mỗi bệnh án có không dưới 20 chữ ký. Khoa Cấp cứu A9 là nơi nhiều bệnh nhân được cứu sống, nhưng cũng là nơi không ít bệnh nhân tới rồi ra đi mãi mãi. Tại đây tập trung nhiều dạng bệnh lý nhất, với đủ mọi cảm xúc vui, buồn, mừng, giận, mệt mỏi, chán chường, sợ hãi, xót xa, tự ái… Ngày tháng qua đi, môi trường khắc nghiệt ấy đã vô tình khiến nhiều người đánh mất đi nụ cười vốn có. Cũng bởi một lẽ, bác sĩ luôn phải có cái đầu lạnh, không để cảm xúc chi phối thì mới có thể tỉnh táo xử lý mọi tình huống một cách chuẩn xác.
v.v…
Những người chống lại tử thần
Một bác sĩ làm việc lâu năm ở phòng Cấp cứu một bệnh viện lớn có lần đã tâm sự với tôi: “Phòng Cấp cứu của mỗi bệnh viện luôn là lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Lằn ranh ấy vô cùng mong manh! Nhiều trường hợp, chỉ một giây thao tác chậm, một sơ sẩy nhỏ của bác sĩ, có thể dẫn tới hậu quả xấu nhất”.
Vâng, giữa lằn ranh mong mảnh ấy, hàng ngày, hàng đêm vẫn có hàng nghìn y, bác sĩ đang chống lại tử thần, giành giật lại mạng sống cho bệnh nhân.
Khoa Cấp cứu – Chống độc của Bệnh viện Nhi Trung ương trung bình một ngày tiếp nhận khoảng 100 đến 150 bệnh nhân có độ tuổi dưới 16. Trong đó, riêng ca trực tối luôn đông bệnh nhân hơn ban ngày. Nguyên nhân bởi đây là bệnh viện tuyến Trung ương, những trường hợp chuyển tuyến thường làm thủ tục chuyển viện vào buổi chiều, nên sau quá trình di chuyển sẽ đến đây vào khoảng chiều tối và đêm. Trong không gian rộng khoảng 200 mét vuông của phòng Cấp cứu, âm thanh đặc trưng và ám ảnh nhất có lẽ luôn là những tiếng khóc không ngừng của các bệnh nhi. “Phần lớn các cháu bé tiếp nhận tại khoa có độ tuổi dưới 5, nên chỉ cần vào phòng cấp cứu, bạn sẽ hiểu được ngay điều khó khăn nhất là bệnh nhân nhỏ tuổi chỉ biết khóc, không thể diễn đạt bệnh tình! Việc khám chữa bệnh hoàn toàn dựa trên năng lực và cảm nhận của người bác sĩ. Sự quan sát và cảm nhận là điều chúng tôi phải học suốt đời!” – bác sĩ Toàn chia sẻ.
“Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”, chính vì lẽ đó nên không thể áp dụng phác đồ của người lớn, không thể kê đơn thuốc một cách khái quát. Một điểm khác biệt rất lớn giữa việc điều trị cho trẻ nhỏ và người trưởng thành là diễn biến bệnh. Nguyễn Trọng Thành, bác sĩ nội trú của Khoa Cấp cứu – Chống độc, cho biết: “Trong nghề chúng tôi thường có câu: Nhanh như diễn biến của nhi! Nói vậy để thấy mọi sự biến chuyển bệnh lý ở trẻ em diễn ra rất gang tấc, nếu không sâu sát và bám bệnh nhân thì sẽ trở tay không kịp.” Vì vậy, mỗi đêm, luôn có ít nhất 2 đến 3 lần các bác sĩ cùng nhau hội chẩn tất cả các ca bệnh để chọn ra phương hướng điều trị thích hợp nhất.
Trong phút rảnh rỗi hiếm hoi, tôi hỏi bác sĩ Toàn: “Điều gì khiến anh cảm thấy khó khăn khi làm việc tại đây?” Câu trả lời của anh là công tác tâm lý! Khoa Cấp cứu- Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân hoàn toàn là trẻ em– đối tượng luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của mỗi gia đình- nên nhiều khi chỉ là tình trạng bệnh sốt cao, co giật cũng khiến cho người nhà bệnh nhi lo lắng, sốt ruột và mất bình tĩnh. Chính vì vậy, bác sĩ trực chính khi cần thiết luôn là người trung gian đứng ra giải toả mâu thuẫn. Ngoài việc lấy bệnh nhân là trung tâm trong mọi diễn biến, các bác sĩ còn phải thường xuyên đứng ở góc độ những ông bố bà mẹ để làm công tác tâm lý tư tưởng. “Tại đây, một phòng cấp cứu đơn giản, thực sự là một xã hội thu nhỏ. Nên chúng tôi hay có câu là vừa phân loại bệnh nhân, vừa phải phân loại người nhà bệnh nhân! ” – bác sĩ Toàn cười nhẹ.
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn đã công tác tại Khoa Cấp cứu – Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương hơn 8 năm. Chia sẻ về việc chọn khoa Cấp cứu để làm việc, bác sĩ Toàn nói, đó là do tính cách của bản thân. Anh cho rằng, việc tiếp nhận một ca bệnh đang nguy kịch, đứng giữa sự sống và cái chết, bản thân anh sẽ luôn phải nỗ lực không ngừng nghỉ để xử lý, can thiệp nhưng khi thành công sẽ đem lại rất những bài học mới.
Quá nửa đêm, số lượng bệnh nhân ở khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, bắt đầu ổn định. Bác sĩ Hùng mới có chút thời gian bộc bạch. Người bác sĩ sinh năm 1981 đến nay vẫn chưa lập gia đình. Học đại học 6 năm, chờ thi nội trú 1 năm, học tiếp 3 năm tổng là 10 năm. Cuộc sống không chờ đợi ai, những người bạn đồng trang lứa với anh học ngành khác nay đã khá ổn định. Anh thì vẫn “đầu bù tóc rối”, ra đường chân xỏ dép nhựa, áo phông quần bò…Bác sĩ Hùng chia sẻ, làm cấp cứu có đặc trưng phải tiếp xúc với nhiều loại bệnh, áp lực bệnh nhân đông, phải linh hoạt, nhanh nhậy và chính xác, không được phép sai lầm. Mặt khác, trong tình trạng quá tải bệnh viện thế này, nếu không chẩn đoán đúng, xử trí nhanh, bệnh nhân ùn lại thì sẽ gây nên cảnh “vỡ” khoa. Bệnh nhân ngày càng tăng trong khi số lượng bác sĩ của khoa gần như không thay đổi, đôi lúc mệt đến mức “oải”, tưởng như muốn bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại, mình không làm thì ai làm.
Công việc căng thẳng, cà phê và nước chè là thứ giúp các bác sĩ tỉnh táo để làm việc. Những bác sĩ nội trú, học viên, sinh viên cũng vất vả không kém vì liên tục phải bám sát, theo dõi bệnh nhân. Nửa đêm về sáng, khi khối lượng công việc đã giảm, các y, bác sĩ tranh thủ vơ vội đĩa cơm suất nguội ngắt nhai rệu rã. “Khi đi làm tôi mới hiểu tại sao bác sĩ chữ xấu. Đêm đói, run tay mà lại viết nhiều, viết gấp thì khó mà đẹp được. Có một ông anh, tôi thường gọi chữ ông ấy là những con giun mắc chứng động kinh” – bác sĩ Hùng tươi cười đùa. “Tuy nhiên chữ xấu nhưng phải đọc được và không để “chữ tác đánh chữ tộ” thì nguy hiểm”.
Các ngành nghề khác có thể sai lầm và sửa lỗi, nhưng nghề y thì khác. Sai lầm sẽ phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí bằng sinh mạng của bệnh nhân, cùng đó là chính sự nghiệp của y, bác sĩ. Ở khoa Cấp cứu, áp lực đó tăng lên gấp bội mà lại ít có năng lượng để tái tạo sức lao động. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt về ngoại khoa. Nơi đây phần lớn tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân chấn thương ngoại khoa nặng. Vì thế, bác sĩ chỉ chậm trễ vài giây thôi thì có thể sẽ không cứu được người bệnh. “Ở các khoa, khi bệnh nhân xảy ra sự cố, các y, bác sĩ đều có thể xử lý cấp cứu được. Nhưng ở đây, trường hợp cấp cứu diễn ra thường xuyên và nhiều hơn rất nhiều nên có thể nói, áp lực công việc cũng cao hơn.” – anh Nguyễn Ngọc Thực, điều dưỡng trưởng khu vực cấp cứu, khoa Khám bệnh nói.
Hơn 2 giờ, lượng bệnh nhân Khoa Cấp cứu ban đầu Bệnh viện 103 chuyển đi vãn dần, Bác sĩ Tiến nói với chúng tôi: “Đã muộn, mời nhà báo ăn bữa cơm với anh em chúng tôi”. Mỗi ca trực đêm ở Phòng cấp cứu Bệnh viên 103 có 5 người, gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và một y tá. Nói với chúng tôi rồi anh Tiến quay sang nói với đồng nghiệp: “Chúng ta chia ra, ăn làm hai ca. Một ca trực. Mọi người ăn nhanh, sẵn sàng đón bệnh nhân mới vào cấp cứu”.
Đúng như lời của anh Tiến, chúng tôi chưa kịp ăn hết một xuất cơm hộp thì liên tục bệnh nhân vào cấp cứu. Có thêm vài trường hợp bị tai nạn giao thông bị gẫy xương, dập nát bàn tay; ngộ độc thức ăn, dị ứng thời tiết. Bệnh nhân Vũ Tuấn C ở Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội, được người nhà vội vàng cõng chạy vào cấp cứu trong tình trạng khó thở, nôn mửa. Bác sĩ Tiến vội bỏ dở bát cơm chạy ra thăm khám. Sau khi nắp đặt ống thở ô xy để bệnh nhân giãn phế quản, tiêm thuốc kháng sinh giảm phù nề, kháng viêm, anh Tiến hỏi thăm người nhà bệnh nhân thì được biết, từ hai hôm trước bệnh nhân bị viêm họng. Đến hôm nay thì lên cơn co giật, khó thở. Sau nửa giờ cấp cứu, bệnh nhân vẫn tiếp tục khạc nhổ đờm, thỉnh thoảng lên cơn co thắt, nôn mửa dữ dội. Anh Tiến chỉ đạo các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm máu, nước tiểu. Lúc này chị Nguyễn Thị H, vợ anh C tiến gần anh Tiến nói nhỏ: “Bác sĩ ơi, em có việc muốn nhờ!”. “Chị cứ nói đi”. Anh Tiến trả lời. “Nhưng chuyện này khó nói, em gặp riêng bác sĩ được không?” . “Ở đây toàn là bác sĩ có chuyện gì chị cứ nói đi”. Anh Tiến thẳng thắn. Nhưng thấy chị H, nước mắt ngắn, nước mắt dài, như kìm nén điều gì đó khổ tâm, khó nói, anh Tiến cùng chị H đi đến nơi vắng người. Chị H đau khổ giãi bày: “Chồng em bị nghiện ma túy, lên cơn vật thuốc. Gia đình lo lắng anh ấy bị nhiễm HIV. Bác sĩ không làm xét nghiệm được không?”. “Nếu không xét nghiệm, có chuyện gì xảy ra, gia đình phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Anh ấy đang trong cơn nguy kịch, nếu gia đình tin tưởng chúng tôi sẽ làm mọi việc tốt nhất để cứu người bệnh”. Nghe anh Tiến nói vậy, chị H lặng người, đồng ý để các bác sĩ tiến hành cấp cứu. Anh Tiến trực tiếp lấy máu cho bệnh nhân. Anh ân cần cầm cánh tay bệnh nhân C nghiêng qua, nghiêng lại quan sát giọt máu đọng. Sau khi tiến hành các thủ thuật cấp cứu cho bệnh nhân ổn định, anh Tiến lại cùng chị Hiền cấp cứu thêm cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông dập nát bàn tay trái, một bệnh nhân gẫy xương chân.
Nhìn các bệnh nhân máu loang nổ, xương tay, chân bị gãy gập, dập nát, chúng tôi không khỏi rùng mình. Tôi hỏi chị Hiền: “Là phụ nữ, thường xuyên chứng kiến những cảnh như vậy chị có cảm giác sợ hãi không?”. “Hơn 8 năm làm việc ở phòng Cấp cứu, tôi đã quen với những việc đó. Có những ca còn nặng nề hơn, người, chân tay bị dập nát, lòi cả lục phủ ngũ tạng ra ngoài. Mình mà sự thì làm sao cứu chữa được cho người bệnh. Những cảnh đau thương thì không sợ nhưng đáng lo ngại nhất là hành vi côn đồ của người nhà nạn nhân”.
Chị Hiền nhớ lại: “Có một tình huống tôi nhớ mãi. Lúc đó 2 giờ sáng, chúng tôi cấp cứu một thanh niên trong tình trạng nguy kịch, đánh nhau bị dao đâm xuyên ngực. Sau khi sơ cứu, tôi đang lấy thông tin bệnh nhân, bỗng một thanh niên luồn vào phòng chờ dí con dao bầu vào sườn tôi gầm ghè “Mày có thích lấy tên không?”. Lúc đó trong phòng có một mình tôi. Là phụ nữ tôi rất sợ hãi nhưng cố gắng thật bình tĩnh, giải thích, chúng tôi là bác sĩ, nhưng cũng là những người lính, đặt mục đích cứu người là quan trọng nhất. Giờ bệnh nhân đã ổn định, cần lấy thông tin để chuyển vào chuyên khoa. Nghe như vậy, thanh niên đó mới dịu”.
Gần 2 giờ sáng bệnh nhân C được chuyển lên phòng chuyên khoa. Phòng Cấp cứu chỉ còn một bệnh nhân rối loạn tiêu hóa nằm lại. Chúng tôi vào phòng trực uống chén nước trà nóng. Anh Tiến kéo tay áo lên gỡ miếng gạc ở ven tay. Thấy vậy tôi hỏi: “Anh đang điều trị bệnh à?”. “Không. Hôm nay Viện thiếu máu truyền cho bệnh nhân nên tôi tranh thủ đi hiến 250 ml. Chắc do người mệt nên phải lấy ven ở hai tay mới đủ”.
Trời gần về sáng, sương lạnh lùa vào trong phòng cấp cứu làm chúng tôi lạnh buốt cả tay chân. 5 giờ không có thêm ca cấp cứu nào, anh Tiến vào máy vi tính nhẹ nhàng nói với chúng tôi: “Hôm nay có tổng cộng 180 ca cấp cứu, đêm không có ca nào quá nặng. Vậy là một đêm bình yên”. Anh Tiến thốt lên từ “bình yên” như trút hết được nét mệt mỏi căng thẳng trên nét mặt. Trời mờ sáng, chúng tôi trở về sau một đêm trắng cùng trực với các bác sĩ Khoa Cấp cứu ban đầu Bệnh viện 103.
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần