Cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Văn Quan (Lạng Sơn) thăm khám cho trẻ mắc bệnh tay – chân – miệng.
Năm 2013, tình hình dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm ở nước ta có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực đang có những diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng trở lại như cúm A(H7N9), cúm A(H5N1)… Ðể công tác phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và người dân trong công tác này thời gian tới.
Năm 2013, trên thế giới, nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương tình hình dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến hết sức phức tạp. Ðiển hình như, từ tháng 3 đến tháng 12- 2013, trên thế giới ghi nhận 164 trường hợp mắc cúm A(H7N9), trong đó có 51 trường hợp tử vong. Ðối với cúm A(H5N1) ghi nhận thêm 39 trường hợp mắc, 25 trường hợp chết, chủ yếu tại các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Cam-pu-chia. Riêng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính (MERS- CoV), có triệu chứng giống SARS được ghi nhận đầu tiên tại A-rập Xê-út sau đó lan ra 11 quốc gia, với 165 trường hợp mắc, trong đó có 71 trường hợp chết…
Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy: Năm 2013, cả nước có ba trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Ðồng Tháp và Long An, Bình Phước, trong đó có hai trường hợp chết. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 126 trường hợp mắc, 64 trường hợp tử vong. Bệnh sốt xuất huyết, năm 2013 cả nước ghi nhận gần 70 nghìn trường hợp mắc tại 49 tỉnh, thành phố, trong đó có 40 trường hợp chết, số mắc/100 nghìn dân là 75,03, giảm so với năm 2012 là 23,7%. Việt Nam hiện nay có 11 bệnh được tiêm vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sau 25 năm Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005; bệnh ho gà giảm 937 lần; bệnh bạch hầu giảm 585 lần; bệnh sởi giảm 573 lần… Trong năm 2013, đa số các chỉ tiêu về tiêm chủng đã được thực hiện đúng tiến độ như tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm chủng vắc-xin uốn ván; tỷ lệ trẻ tiêm vắc-xin thương hàn, uống OPV… Tuy nhiên, việc tạm ngưng sử dụng vắc-xin Quin-va-xem từ tháng 5 đến tháng 11-2013 và dừng hai lô vắc-xin viêm gan B đã gây ảnh hưởng tới chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt 82,8%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (87,4%); tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh đạt 53% thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (68,6%)…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong công tác phòng, chống dịch năm 2013, ngành y tế đã triển khai đồng bộ công tác giám sát dịch tễ, giám sát côn trùng, giám sát yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm các ca mắc, điều trị kịp thời. Duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến từ trung ương đến các địa phương, nhất là phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh. Ðối với công tác quản lý điều trị người bệnh, ngành y tế thường xuyên chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong hệ thống điều trị từ T.Ư đến các địa phương tăng cường công tác điều trị phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh. Ðồng thời bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương, nhất là đối với công tác phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao như cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), MERS-CoV…
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch bệnh vẫn còn gặp một số khó khăn như: Hiện nay, tình hình các bệnh truyền nhiễm vẫn có những diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, nhất là các dịch, bệnh nguy hiểm mới phát sinh, mới nổi như cúm A(H5N1), (H7N9), MERS-CoV có tỷ lệ chết cao và có nguy cơ xâm nhập, bùng phát tại Việt Nam. Vấn đề biến đổi khí hậu, thời tiết biến động bất thường, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số, giao lưu đi lại của người dân ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, nhận thức và thực hành vệ sinh cá nhân phòng bệnh của người dân ở cộng đồng tuy có thay đổi nhưng chuyển biến vẫn còn chậm. Tại một số địa phương, các cấp chính quyền chưa thật sự chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, việc phối hợp giữa ngành y tế và các ban, ngành đoàn thể của địa phương thiếu chặt chẽ. Kinh phí cho công tác chủ động phòng, chống dịch chưa được quan tâm đúng mức, chỉ khi xảy ra dịch bệnh mới đáp ứng nguồn kinh phí dẫn đến tình trạng thụ động, hiệu quả phòng, chống dịch chưa cao…
Ðể chủ động công tác phòng, chống dịch, bệnh thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng: UBND các tỉnh, thành phố cần sớm xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch, bệnh ngay từ đầu năm nhằm đáp ứng phòng, chống dịch bệnh thường xuyên và trong các tình huống khẩn cấp. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là các trung tâm y tế tuyến huyện; xây dựng các kế hoạch phát triển ngành y tế dự phòng theo đặc thù của từng địa phương để phát huy năng lực của cán bộ đủ năng lực phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh khi có dịch xảy ra cần thực hiện, xác định, công bố và tổ chức các biện pháp khống chế dịch bệnh một cách kịp thời theo đúng thẩm quyền được quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế đề nghị Chính phủ, Quốc hội tăng kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, bệnh và chương trình mục tiêu y tế quốc gia; nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn về tài chính, có những cơ chế, chính sách riêng mang tính đặc thù trong đầu tư, sử dụng kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm việc sử dụng kinh phí kịp thời, hiệu quả, cũng như có chế độ đãi ngộ cho cán bộ tham gia công tác điều tra, xử lý ổ dịch. Ðẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về nguy cơ, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là lợi ích của công tác tiêm chủng phòng bệnh tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số để cho người dân hiểu, thay đổi hành vi và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh…
TRUNG TUYẾN
(Theo http://www.nhandan.com.vn/)