Ngày 27/9, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức sinh hoạt mạng lưới dinh dưỡng tháng 9/2022. Đây là hoạt động được tổ chức thường quy hàng tháng nhằm triển khai các hoạt động đào tạo, cập nhật kiến thức về dinh dưỡng cho thành viên mạng lưới dinh dưỡng bệnh viện, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới dinh dưỡng và chất lượng chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
Dự và chủ trì buổi sinh hoạt có TS. BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; TS. BS Lưu Thị Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương; ThS. Bùi Thị Thủy – Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương; cùng các thành viên mạng lưới dinh dưỡng là các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế của Khoa/ Phòng/ Trung tâm trong Bệnh viện.
Phát biểu tại buổi sinh hoạt, TS. BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng: “Việc duy trì sinh hoạt mạng lưới dinh dưỡng là một trong những hoạt động đặc biệt quan trọng. Đồng thời, TS. BS Cao Việt Tùng nhấn mạnh: đối với bệnh nhân nội trú tại bệnh viện thì dinh dưỡng rất quan trọng, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh, giảm thời gian nằm viện, vì thế, Bệnh viện cần cập nhật liên tục các kiến thức cho thành viên mạng lưới dinh dưỡng”.
Dinh dưỡng là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể sống và phát triển, là nền tảng của sức khỏe. Đặc biệt, khi đang điều trị bệnh nội trú thì vai trò của dinh dưỡng lại càng quan trọng. “Dinh dưỡng là thuốc, thuốc là dinh dưỡng”, dinh dưỡng làm tăng hiệu quả điều trị, ngăn ngừa bệnh tái phát. Khi có chế độ dinh dưỡng tốt, hợp lý sẽ giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe, giảm thời gian nằm viện và chi phí điều trị.
Báo cáo về hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tháng 8/2022, TS. BS Lưu Thị Mỹ Thục – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Sau một thời gian mạng lưới dinh dưỡng đi vào hoạt động, đã có nhiều Khoa, Phòng của bệnh viện làm rất tốt việc chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhi. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, số lượng bệnh nhi được ăn chế độ ăn bệnh lý phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh tật đã tăng đáng kể. Trong quá trình triển khai mạng lưới, khi có vướng mắc trong triển khai hoạt động dinh dưỡng và tư vấn cho bệnh nhi thì các nhân viên y tế của khoa phòng thường xuyên và chủ động đặt câu hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhi để các Khoa có thể chăm sóc tốt nhất, kịp thời nhất cho bệnh nhân”.
Với mong muốn đảm bảo cung cấp suất ăn tại các khoa điều trị đạt hiệu quả, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp chặt chẽ giữa các khoa/ phòng, áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hiệu quả trong toàn bệnh viện. Khi bác sĩ khám cho người bệnh và chỉ định suất ăn theo tình trạng bệnh, các cán bộ Khoa Dinh dưỡng sẽ lên thực đơn, tính hàm lượng dinh dưỡng và chuẩn bị suất ăn phù hợp nhất. Sau khi chế biến thức ăn, Khoa Dinh dưỡng sẽ chuyển các suất ăn tới các khoa phòng và được mạng lưới dinh dưỡng là các điều dưỡng phân chia tới từng bệnh nhi.
Việc cung cấp suất ăn cho người bệnh không chỉ quyết định tới việc cung cấp dinh dưỡng phù hợp với điều trị bệnh lý, mà còn góp phần hạn chế nguồn rác sinh hoạt, đảm bảo an ninh trật tự và cảnh quan của bệnh viện thêm sạch sẽ, gọn gàng.
ThS. Bùi Thị Thủy – Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương có những ý kiến đóng góp tại buổi sinh hoạt
Cũng tại buổi sinh hoạt, TS. BS Lưu Thị Mỹ Thục cung cấp thông tin về “Vai trò của Omega 3 và sức khỏe”. Omega 3 là một trong những loại thực phẩm chức năng rất cần thiết mà bạn nên bổ sung cho cơ thể bởi con người không thể tự tổng hợp và tạo ra Omega 3 được. Omega-3 rất cần thiết cho sức khỏe của bé, giúp giải quyết vấn đề về da, tim, đau khớp… , cải thiện thị lực, tăng cường trí nhớ, phát triển tư duy,… Vì thế, TS. BS Thục khuyến nghị cần bổ sung omega 3 vào chế độ dinh dưỡng của bệnh nhi để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn. Hàm lượng omega 3 trong một số thực phẩm, một số loại dầu ăn và cách sử dụng thế nào cho phù hợp cũng được TS. BS Thục chia sẻ với các thành viên trong mạng lưới dinh dưỡng.
Buổi sinh hoạt cũng là dịp để các thành viên trong mạng lưới dinh dưỡng đã trao đổi, nhìn nhận thực trạng, tìm ra vướng mắc, khó khăn để cùng giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới dinh dưỡng và chất lượng chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu