Trang chủ » Tài liệu chuyên môn » Thông tư 43 /2013/ TT-BYT “Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật”

Thông tư 43 /2013/ TT-BYT “Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật”

  THÔNG TƯ

Quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật

 đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

 

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 08 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.   Thông tư này quy định tuyến chuyên môn kỹ thuật, danh mục kỹ thuật, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2.   Thông tư này áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân trong toàn quốc, trừ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Quốc phòng quản lý.  

Điều 2. Nguyên tắc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là Phân tuyến kỹ thuật) là phân loại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành các tuyến chuyên môn kỹ thuật quy định tại Điều 81 của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

2. Căn cứ vào yêu cầu về phạm vi hoạt động chuyên môn, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và năng lực thực hiện kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật.

3. Việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật không làm hạn chế sự phát triển kỹ thuật của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 3. Các tuyến chuyên môn kỹ thuật

                1. Tuyến trung ương (sau đây gọi là tuyến 1) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

a) Bệnh viện hạng đặc biệt;

b) Bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Y tế;

c) Bệnh viện hạng I trực thuộc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Y tế) hoặc thuộc các Bộ, ngành khác được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật;

2. Tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tuyến 2)  bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

a) Bệnh viện xếp hạng II trở xuống trực thuộc Bộ Y tế ;

b) Bệnh viện hạng I, hạng II trực thuộc Sở Y tế hoặc thuộc các Bộ, ngành khác, trừ các bệnh viện được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này;

3. Tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi là tuyến 3) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

a) Bệnh viện hạng III, hạng IV, bệnh viện chưa xếp hạng, trung tâm y tế huyện có chức năng khám bệnh, chữa bệnh ở những địa phương chưa có bệnh viện huyện, bệnh xá công an tỉnh;

b) Phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, nhà hộ sinh.

4. Tuyến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là tuyến 4) bao gồm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau đây:

a) Trạm y tế xã, phường, thị trấn;

b) Trạm xá, trạm y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức;

c) Phòng khám bác sỹ gia đình.

5. Phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân:

a) Căn cứ năng lực thực hiện kỹ thuật, phạm vi hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế hoặc Sở Y tế) cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định (bằng văn bản) tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân phù hợp với quy định của Thông tư này.

Điều 4. Danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là Danh mục kỹ thuật) bao gồm 28 chuyên khoa, chuyên ngành được kết cấu theo bảng sau đây:

a) Cột 1: Ghi số thứ tự từ 01 đến hết danh mục kỹ thuật.

b) Cột 2: Ghi tên các chuyên mục kỹ thuật, tên các kỹ thuật.

c) Cột 3: Phân tuyến kỹ thuật trong đó chia 4 cột nhỏ:

– Cột 3A: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến 1.

– Cột 3B: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến 2.

– Cột 3C: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến 3.

– Cột 3D: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến 4.

2. Danh mục kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư này là kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện tại Việt Nam. Một kỹ thuật có thể được nhiều chuyên khoa, chuyên ngành thực hiện, nhưng trong Thông tư này được sắp xếp ở chuyên khoa, chuyên ngành phù hợp nhất.

3. Danh mục kỹ thuật phân theo tuyến chuyên môn kỹ thuật thể hiện mặt bằng kỹ thuật y tế ở mỗi tuyến chuyên môn kỹ thuật. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện được đa số kỹ thuật theo tuyến chuyên môn kỹ thuật tương ứng.

4. Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật, thực hiện các kỹ thuật của tuyến trên. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên hạn chế thực hiện các kỹ thuật mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới đã thực hiện được.

Điều 5. Xây dựng danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Trên cơ sở Danh mục kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ vào các điều kiện sau đây để xây dựng Danh mục kỹ thuật thực hiện tại cơ sở mình trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Thông tư này xem xét, phê duyệt:

a) Phạm vi hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức, quy mô hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và trình độ chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 6. Thẩm quyền phê duyệt Danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

 1. Bộ trưởng Bộ Y tế:

a) Phê duyệt lần đầu và phê duyệt bổ sung Danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của các Bộ, ngành khác và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân do Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động;

b) Phê duyệt Danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

2. Giám đốc Sở Y tế:

a) Phê duyệt Danh mục kỹ thuật lần đầu và Danh mục kỹ thuật bổ sung của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ, ngành khác trên địa bàn và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động, trừ các cơ sở khám, chữa bệnh quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.

b) Trường hợp Danh mục kỹ thuật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Giám đốc Sở Y tế nhưng Sở Y tế chưa đủ khả năng thẩm định về chuyên môn thì đề nghị Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt.

Điều 7. Hồ sơ đề nghị phê duyệt Danh mục kỹ thuật lần đầu

1. Công văn đề nghị.

2. Biên bản họp Hội đồng chuyên môn kỹ thuật theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

3. Danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt bao gồm:

a) Các kỹ thuật mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện; đang tổ chức triển khai thực hiện theo tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở mình;

b) Các kỹ thuật của tuyến trên mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện; đang tổ chức triển khai thực hiện;

c) Hồ sơ mô tả năng lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị y tế; hiệu quả kinh tế – xã hội và phương án triển khai thực hiện kỹ thuật.

Bảng danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt phải được trình bày theo đúng kết cấu (viết đúng chuyên khoa, số thứ tự kỹ thuật, tên kỹ thuật) của Danh mục kỹ thuật quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị phê duyệt Danh mục kỹ thuật bổ sung

1. Công văn đề nghị.

2. Biên bản họp Hội đồng chuyên môn kỹ thuật theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

3. Danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt bổ sung gồm:

a) Các kỹ thuật quy định cho tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần bổ sung;

b) Các kỹ thuật của tuyến trên cần bổ sung mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã có đủ điều kiện thực hiện được;

c) Hồ sơ mô tả năng lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị y tế; hiệu quả kinh tế – xã hội và phương án triển khai thực hiện kỹ thuật.

Bảng danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt bổ sung phải được trình bày theo đúng kết cấu (viết đúng chuyên khoa, số thứ tự kỹ thuật, tên kỹ thuật) của Danh mục kỹ thuật quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

Điều 9. Thủ tục phê duyệt Danh mục kỹ thuật

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 của Thông tư này về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế hoặc Sở Y tế theo thẩm quyền. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Công an gửi 01 bộ hồ sơ về Cục Y tế – Bộ Công an; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Giao thông vận tải gửi 01 bộ hồ sơ về Cục Y tế – Bộ Giao thông vận tải.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện (căn cứ vào ngày ghi trên sổ công văn đến) cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải xem xét xác định hồ sơ hợp lệ hoặc chưa hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể tài liệu bổ sung và các nội dung phải sửa đổi, bổ sung. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo nội dung của văn bản thông báo và gửi hồ sơ bổ sung về cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã bổ sung hồ sơ nhưng không đúng với yêu cầu thì phải tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại Khoản này cho đến khi hồ sơ đạt yêu cầu.

3. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (căn cứ vào ngày ghi trên sổ công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ), cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tổ chức thẩm định và ban hành quyết định phê duyệt Danh mục kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Việc thẩm định được tiến hành trên hồ sơ, trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thành lập Hội đồng chuyên môn để thẩm định một phần hoặc toàn bộ danh mục kỹ thuật tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sau khi thẩm định, Cục Y tế – Bộ Công an, Cục Y tế – Bộ Giao thông vận tải gửi kết quả thẩm định của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý gồm công văn, biên bản thẩm định và danh mục kỹ thuật đã thẩm định về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế hoặc Sở Y tế để đề nghị phê duyệt theo thẩm quyền quy định tại Điều 6 Thông tư này.

4. Đối với các kỹ thuật vượt quá năng lực thẩm định của cơ quan tiếp nhận hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi hồ sơ về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế để tổ chức thẩm định, phê duyệt.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới để thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều 81 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và theo phân công, chỉ đạo của Bộ Y tế.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực có trình độ chuyên môn để thực hiện danh mục kỹ thuật đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thông báo công khai bằng hình thức phù hợp về danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để cơ quan, đơn vị và người dân biết.

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp

Danh mục kỹ thuật thực hiện tại đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 23/2005/QĐ-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy định Phân tuyến kỹ thuật và Danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnhtrước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện cho đến khi có điều chỉnh bổ sung.

 

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2014.

2. Quyết định số 23/2005/QĐ-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy định Phân tuyến kỹ thuật và Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét, giải quyết./.   

 

Nơi nhận:                                                                      

– Văn phòng Quốc hội;

– Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ);

– Bộ trưởng Bộ Y tế (để báo cáo)

– Các Thứ trưởng Bộ Y tế;

– Bộ, cơ quan ngang Bộ;

– BHXH Việt Nam; 

– UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ TW;                                   

– Các Vụ, Cục, Tổng cục, VP Bộ, Thanh tra Bộ thuộc BYT;

– Sở Y tế, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Các đơn vị trực thuộc BYT;

– Y tế các Bộ, ngành;

– Cổng TTĐT của Bộ Y tế,

– Trang TTĐT Cục QLKCB;

– Lưu: VT, PC, KCB.         

Tải các phụ lục đi kèm tại đây:
Phu luc.zip
TT 43.2013.TT-BYT ngay 11.12.2013.doc

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Thị Xuyên



Chuyên mục: Tài liệu chuyên môn

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em