Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là rối loạn thường gặp ở trẻ em, ảnh hưởng đến đời sống, học tập và tương lai của trẻ. Nhằm giúp nhân viên y tế và bậc phụ huynh có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời và hiệu quả, ngày 10/12, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức buổi hội thảo với chuyên đề: “Tối ưu hóa điều trị tăng động giảm chú ý – hành trình giúp trẻ vươn tới thành công”.
Mỗi năm, khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 3000 lượt trẻ khám rối loạn tăng động giảm chú ý, chiếm gần 20% tổng lượt khám. Tăng động giảm chú ý là một rối loạn mạn tính, cần được cải thiện từ từ, không thể tiến bộ trong thời gian ngắn. Mỗi trẻ cần có phương pháp can thiệp khác nhau, vì mỗi trẻ là một cá nhân riêng biệt, không trẻ nào giống trẻ nào, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và cha mẹ.
Hội thảo có sự tham gia của PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Chủ tọa), BS.CKII Thành Ngọc Minh – Trưởng Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương và 03 báo cáo viên đến từ các bệnh viện trẻ em hàng đầu cả nước,
- TS Đinh Thạc – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1;
- BS. CKII Thái Thị Thanh Thủy – Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2;
- ThS. BS Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đặc biệt, buổi hội thảo còn thu hút sự tham dự của gần 200 các nhà chuyên môn làm việc trong lĩnh vực tâm thần học trẻ em, bao gồm các bác sĩ và các chuyên viên tâm lý, một số giáo viên giáo dục đặc biệt.
Tại Hội thảo, các bài trình bày tập trung vào cập nhật những hướng dẫn điều trị mới trên thế giới, thích ứng với điều kiện Việt Nam, thông qua các phương pháp như: Liệu pháp hành vi nhận thức; Huấn luyện nếp sống và các kỹ năng xã hội; quan tâm đến trẻ; Bài tập tăng cường vận động hợp lý; Trò chơi trị liệu phù hợp.
Điều đặc biệt của Hội thảo là nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hỗ trợ gia đình trong các hoạt động rèn luyện, trợ giúp trẻ tăng động giảm chú ý, giúp trẻ đạt hiệu quả tốt hơn trong học tập, biết quản lý hành vi cảm xúc, tham gia tích cực các hoạt động tại trường lớp. Đại dịch Covid – 19 ảnh hưởng sâu sắc tới mọi gia đình, trong đó có nhiều tác động tiêu cực đến trẻ tăng động giảm chú ý. Những hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ có thể giúp cha mẹ hướng dẫn trẻ học online hiệu quả, xây dựng kỷ luật, giúp trẻ thích ứng tốt với điều kiện đặc thù của đại dịch.
Hội thảo đã có phần thảo luận sôi nổi và tích cực, gồm những ý kiến, chia sẻ chuyên môn đa dạng nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, góp phần mở ra cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai cho trẻ.
Trà My – Phòng truyền thông & CSKH
Ảnh: Lê Hiếu