Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Trẻ bị bỏng không bôi mỡ trăn để tránh gây hậu quả nặng hơn – Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu đúng tại nhà

Trẻ bị bỏng không bôi mỡ trăn để tránh gây hậu quả nặng hơn – Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu đúng tại nhà

Bỏng nước canh là một trong những tai nạn bỏng phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên việc sơ cứu ban đầu chậm trễ và không đúng cách vẫn thường xảy ra. Điều này không chỉ kéo dài thời gian điều trị mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như chất lượng sống của trẻ.

Sơ cứu bỏng sai cách – Nguyên nhân khiến tình trạng bỏng nặng thêm

Mới đây, các y bác sĩ Đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho bé gái (12 tháng tuổi, ở Bắc Ninh) bị bỏng nước canh. Gia đình cho biết, trẻ bị ngã vào bát nước canh nóng khi gia đình đang chuẩn bị ăn tối, dẫn đến bị bỏng vùng đầu, vai và cánh tay phải. Ngay sau đó, gia đình hốt hoảng và đưa trẻ đến thầy lang gần nhà để chữa trị, tại đây trẻ được bôi mỡ trăn lên vết bỏng, kết quả là tình trạng bỏng của trẻ nặng hơn.

Ngày thứ hai sau bỏng, trẻ bị sốt và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám, điều trị. Tại Đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình, qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán bị bỏng nước canh độ II, III (10%) vùng đầu, vai, cánh tay phải. Trẻ được lập kế hoạch kiểm tra, chăm sóc thay băng vết thương hàng ngày. Đồng thời, các y bác sĩ cũng tư vấn chế độ dinh dưỡng giúp trẻ nâng cao thể trạng, hồi phục nhanh. Hiện tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định và đã được ra viện.

Thời điểm nhập viện, mỡ trăn vẫn đang được bôi trên người của trẻ

Trẻ được các y bác sĩ tắm rửa và chăm sóc vết thương hàng ngày

ThS.BSCKII Phùng Công Sáng – Phụ trách Đơn vị Bỏng, Phó Trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bỏng nước canh tương tự như bỏng nước sôi là loại bỏng nhiệt xảy ra khi tiếp xúc với canh nóng trên 500C. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cao hơn so với bỏng nước sôi. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, những vết bỏng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Mức độ nguy hiểm của vết thương do bỏng nước canh phụ thuộc vào các yếu tố như: nhiệt độ; khoảng thời gian da tiếp xúc; diện tích vết thương bị bỏng canh và vị trí của vết bỏng,…Do đó, nếu không được xử trí nhanh và đúng cách ngay từ đầu khi bị bỏng, vùng da bị tổn thương có nguy cơ bỏng sâu thêm và nhiễm trùng.

“Đối với trường hợp bệnh nhi trên, khi bôi mỡ trăn lên vết bỏng trẻ sẽ có cảm giác dễ chịu hơn đối với vùng bỏng nông.  Còn đối với vùng bỏng sâu, việc bôi mỡ trăn lại không có tác dụng cho điều trị giai đoạn sớm mà còn có nguy cơ gây nhiễm trùng, tăng độ sâu của bỏng, làm tình trạng của trẻ nặng lên” – ThS.BSCKII Phùng Công Sáng cho hay.

Bác sĩ hướng dẫn sơ cứu bỏng tại nhà

Sơ cứu bỏng nước canh cũng tương tự như các loại bỏng nhiệt khác. Mục tiêu của việc sơ cứu ban đầu nhằm giảm đau, giữ vệ sinh và ngăn ngừa nhiễm trùng. Vì vậy, khi trẻ bị bỏng nước canh, trước tiên cha mẹ cần cách ly trẻ tránh xa tác nhân gây bỏng, cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) của trẻ vào trong nước sạch, mát (từ 16 đến 20 độ C, tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng). Nếu trẻ bị bỏng vùng mặt thì dùng khăn ướt mềm đắp lên. Nếu diện tích bỏng rộng, cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng (tuyệt đối không dùng đá lạnh để tránh gây bỏng lạnh). Không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá,… lên vùng da bị bỏng vì dễ nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu trẻ bị bỏng, cần đưa ngay trẻ cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Sau khi bị bỏng cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) của trẻ vào trong nước sạch, mát. (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)

Để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả và hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý những điểm sau:

  • Không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện,…

Không nên để trẻ lại gần khu vực bếp, đặc biệt khi đang nấu nướng. (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)

  • Đồ ăn, uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm quẹt,… phải để nơi an toàn và tránh xa tầm tay của trẻ.
  • Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

CNĐD Nguyễn Thị Thanh Khương – Khoa Chỉnh hình
Phòng Thông tin điện tử – Viện ĐT&NCSKTE

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em