Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Ứng dụng van Heimlich điều trị thành công cho hai bệnh nhi tràn khí màng phổi kéo dài

Ứng dụng van Heimlich điều trị thành công cho hai bệnh nhi tràn khí màng phổi kéo dài

Van Heimlich được ứng dụng phục vụ trong y tế từ khá lâu nhưng chủ yếu áp dụng điều trị cho người lớn. Mới đây, các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Nhi Trung ương đã ứng dụng van Heimlich điều trị thành công cho hai bệnh nhi bị tràn khí màng phổi tái diễn kéo dài. Với kĩ thuật này, trẻ có thể sinh hoạt và học tập bình thường, giúp trẻ cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hình ảnh ứng dụng van Heimlich cho bệnh nhi bị tràn khí màng phổi tái diễn kéo dài (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

ThS.BS Nguyễn Minh Khôi – Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Tràn khí màng phổi là tình trạng khoang màng phổi bị tích tụ khí làm nhu mô phổi bị xẹp thụ động, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của cơ thể.

Kỹ thuật dẫn lưu màng phổi là thủ thuật nhằm giải phóng màng phổi khỏi sự đè ép do khí hoặc dịch, đưa khoang màng phổi về trạng thái ban đầu là một khoang ảo, áp lực âm. Thông thường, ống dẫn lưu đặt vào lồng ngực bệnh nhân phải kết nối với một hệ thống kín, một chiều và vô khuẩn. Đây là một hệ thống kích thước lớn, phức tạp và khó chăm sóc. Với những bệnh nhân tràn khí màng phổi tái diễn, việc mang hệ thống dẫn lưu màng phổi trong thời gian dài gây tăng nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Ứng dụng van Heimlich phần nào giải quyết được vấn đề trên.

Bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng kỹ thuật này là bé trai 1,5 tháng tuổi, bị đa dị tật bẩm sinh: Não úng thủy, thận phải duy nhất, thoát vị cơ hoành… Sau khi được phẫu thuật thoát vị cơ hoành, trẻ nhiễm trùng đường hô hấp do virus, dẫn đến tình trạng tràn khí màng phổi tái diễn kéo dài, phải đặt ống dẫn lưu màng phổi cỡ lớn tại khoa Hồi sức trong thời gian dài. Hệ thống dẫn lưu màng phổi ống lớn kết nối với một hệ thống bình chứa khiến trẻ chỉ có thể được chăm sóc tại bệnh viện, đồng thời đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh nền kèm theo.

Hình ảnh van Heimlich (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)

Các bác sĩ đã quyết định ứng dụng van Heimlich cho bệnh nhân. Đây là loại van có kích thước nhỏ gọn, cấu tạo đơn giản, là van mở ở thì thở ra, đóng lại ở thì hít vào, chỉ cho phép khí đi theo một chiều từ khoang màng phổi ra ngoài. Kết quả đem lại tương đối khả quan. Sau 6 tháng, tình trạng sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt, phổi đã ngừng tràn khí và hiện trẻ đã được rút van.

Trường hợp thứ hai là bé gái N.T.H.A ( 8 tuổi, ở Hải Dương) bị viêm phổi do nhiễm Andenosvirus, điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ khi mới 6 tháng tuổi. Từ đó đến nay, trẻ thường xuyên bị viêm phổi tái diễn và phải nhập viện điều trị nhiều lần. Từ đầu năm 2019 đến tháng 1/2021, trẻ nhập viện điều trị 2 lần do viêm phổi tái phát dẫn đến tràn khí màng phổi kéo dài và phải đặt ống dẫn lưu. Tuy nhiên, tình trạng tràn khi màng phổi không thuyên giảm. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt một bên thùy phổi phải cho bệnh nhi, đặt hệ thống dẫn lưu màng phổi nhưng tình trạng tràn khí vẫn còn tiếp diễn. Ngày 5/3/2021, qua hội chẩn chuyên khoa, trẻ được các bác sĩ chỉ định tiến hành đặt van Heimlich. Sau khi đặt van, tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định, trẻ không còn tình trạng tràn khí màng phổi, ngày 15/7/2021 trẻ được rút van Heimlich.

Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, việc ứng dụng van Heimlich có nhiều ưu điểm ưu điểm nổi trội so với các kỹ thuật khác:

  • Thứ nhất, van Heimlich can thiệp tối thiểu lên người bệnh, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Giá thành rẻ, mỗi van chỉ khoảng từ 500.000-600.000 đồng.
  • Thứ hai, thời gian phẫu thuật tương đối ngắn, chỉ mất 3-5 phút, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, không cần gây mê, không cần thực hiện mổ phức tạp, hạn chế tối đa nguy cơ tai biến cho trẻ. Bên cạnh đó, van Heimlich được thiết kế nhỏ gọn, đường vào của van rất nhỏ, kích thước tương đương với lỗ kim, do vậy nguy cơ nhiễm trùng của bệnh nhân rất thấp.
  • Thứ ba, người bệnh có thể mang van di chuyển được, dễ dàng trong việc chăm sóc tại nhà trong thời gian dài. Sau khi đặt van, người bệnh có thể sinh hoạt và học tập bình thường. Khi bệnh tái phát, nếu cần thiết cũng có thể đặt lại dễ dàng, nhanh chóng.

Bác sĩ Khôi khuyến cáo, trong quá trình sử dụng van Heimlich, cha mẹ nên lưu ý vệ sinh chân kết nối giữa van và thành ngực và vị trí các mối nối bằng dung dịch Betadin ít nhất 2-3 lần/tuần. Van có thể đặt đến khi nào trẻ hết tràn khí thì có thể rút, tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả tối ưu, nên thay ống xông 3 tháng/lần.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên thường xuyên kiểm tra và theo dõi việc lưu thông của van có đạt hay không. Trường hợp có khí trong khoang màng phổi mà khí tắc, van không di động, bệnh nhân có biểu hiện của suy hô hấp như khó thở, thở nhanh, nông, rút lõm lồng ngực,…chứng tỏ có khí trong khoang màng phổi nhưng van hoạt động không hiệu quả. Khi đó, gia đình cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để kịp thời điều chỉnh hoặc đặt lại van khác nếu cần thiết.

Vy Hiếu – Thu Trà – Phòng Truyền thông và Chăm sóc khách hàng

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em