Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Vì sao trẻ hay ốm khi mới đến trường?

Vì sao trẻ hay ốm khi mới đến trường?

 

TS. BS. Lê Minh Hương, Trưởng Khoa Miễn dịch – dị ứng – Khớp

Ngày đầu tiên đi học với biết bao niềm hân hoan háo hức xen lẫn sự hồi hộp và lo âu không chỉ là tâm lý của mỗi trẻ mà còn là tâm lý của các bậc cha mẹ. Đến trường, trẻ được tiếp xúc với môi trường mới, có nhiều bạn bè thầy cô và mọi người xung quanh đều mới lạ do đó có nhiều vấn đề cha mẹ cần lưu ý cho trẻ như sau:

a

Nguy cơ khởi phát các đợt cấp của các bệnh mãn:
– Mùa thu là thời điểm thời tiết hay có sự biến đổi, là mùa của các dịch bệnh như cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp dễ gây khởi phát các đợt cấp của các bệnh mạn tính như hen, viêm đa khớp thanh thiếu niên, viêm mũi dị ứng, mề đay. Các bậc cha mẹ nên lưu ý các chế độ điều trị dự phòng và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để tránh tái phát bệnh nền . Nên cho trẻ khám định kỳ và tư vấn với bác sỹ về chế độ phòng tránh cho trẻ trong giai đoạn chuyển mùa này.

Một số rối loạn tâm lý:

–  Do chưa được chuẩn bị tâm lý tốt, trẻ sợ bạn bè trêu chọc, tâm lý sợ xa mẹ…nên một số trẻ lần đầu tiên đi học có biểu hiện sợ hãi như khóc, phản kháng, không chịu đến trường. Có trẻ thể hiện thành những triệu chứng rối loạn ăn uống hoặc rối loạn giấc ngủ. Những trẻ lo lắng quá sẽ có biểu hiện thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, thậm chí thường xuyên rối loạn tiểu tiện. Để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, sự lo lắng các bậc cha mẹ nên dành thời gian chuẩn bị tâm lý cho trẻ, nhẹ nhàng giải thích cho trẻ biết sự cần thiết phải đến trường. Khuyến khích tính độc lập và tự tin của trẻ, giúp trẻ giao tiếp với bạn bè, tạo được sự an tâm cho trẻ sẽ hạn chế những rối loạn tâm lý giúp trẻ mau chóng hoà hợp với môi trường học đường. <br />
Nguy cơ các bệnh nhiễm trùng:

– Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp ở trẻ mới đi học và xảy ra ở bé gái nhiều hơn. Nguyên nhân thường do chưa quen nơi vệ sinh công cộng, trẻ thường nín tiểu, uống ít nước, không vệ sinh sạch sẽ sau khi tiểu tiện. Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu nhiều khi không rõ ràng dễ bị bỏ qua như sốt kéo dài, biếng ăn hay chỉ là không tăng cân. Nếu để ý sẽ thấy trẻ có tình trạng tiểu ít đi, màu sắc nước tiểu thay đổi hoặc có biểu hiện tiểu ngắt quãng, tiểu lắt nhắt, hay tiểu són trong quần kéo dài. Khi phát hiện các dấu hiệu này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.

– Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp: Bao gồm viêm hô hấp trên và viêm phế quản phổi. Viêm họng do siêu vi, hay kết hợp với viêm kết mạc rất hay gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây thành dịch. Bệnh bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu sốt trong vài ngày, kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, ho nhẹ, có khi kèm theo đau họng, nuốt khó, nuốt đau… Trẻ vẫn chơi bình thường, hầu hết các trường hợp viêm họng do siêu vi đều tự khỏi trong vòng 4 – 5 ngày nếu không có bội nhiễm vi khuẩn. Biến chứng của viêm hô hấp trên là viêm phổi. Trẻ thường sốt cao, trên 38,5 độ C, ho đờm, thở nhanh, khó thở. Trẻ bị bệnh viêm phổi thường mệt mỏi, kém chơi. Những trẻ này phải được khám và xử trí tại cơ sở y tế. Nếu chăm sóc bệnh tại nhà cần lưu ý theo dõi nhịp thở, kiểu thở và biểu hiện khó thở là dấu hiệu bệnh trở nặng. Khi có một trong các dấu hiệu sốt rất cao, mệt nhiều hoặc thở mệt, thở bất thường cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện. Khi trẻ sốt nhẹ, cho trẻ mặc quần áo mỏng và thoáng. Khi trẻ ho, khò khè, vỗ lưng giúp tống xuất đờm ra ngoài, trẻ sẽ giảm và hết ho. Vệ sinh thông mũi cho trẻ, dạy trẻ che miệng khi ho, khi hắt hơi, nhảy mũi và không khạc nhổ bừa bãi. Tránh để trẻ tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh. Cho trẻ uống nhiều nước. Tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Cách ly trẻ để tránh lây lan. Tiêm chủng đầy đủ.

– Bệnh nhiễm siêu vi: có đặc điểm nổi bật là sốt đột ngột, nhiệt độ cơ thể lên đến 39 độ hoặc hơn. Sốt liên tục, sốt theo cơn, khi dùng thuốc hạ nhiệt thì thân nhiệt cũng chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tăng. Kèm theo sốt, nhiều trẻ còn phát ban, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Các triệu chứng nhiễm siêu vi thường xuất hiện cấp tính, sau 3 – 5 ngày trẻ hết sốt, từ từ khoẻ lại. Phòng ngừa: giữ ấm cho trẻ trong những ngày thay đổi thời tiết, không cho trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ. Giữ môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.

– Nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa: Tiêu chảy do virut hoặc vi khuẩn, ngộ độc thức ăn khi ăn phải các thức ăn bị ô nhiễm, dị ứng thức ăn với những thức ăn mà trẻ không hợp…



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em