Trang chủ » Báo chí viết về chúng tôi » Xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, chất lượng, hiệu quả và phát triển

Xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, chất lượng, hiệu quả và phát triển

 

 

123

Bác sĩ Hội Thầy thuốc trẻ Lào Cai khám và đo huyết áp cho người bệnh. Ảnh: PHƯƠNG HIÊN

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, do vậy, những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, ngành y tế đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế cũng như nhu cầu ngày càng cao của nhân dân thì nền y tế nước nhà cần có bước thay đổi đột phá từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân lực đến cơ chế hoạt động.

Đến nay, mạng lưới y tế được xây dựng và phát triển rộng khắp trên toàn quốc, với đội ngũ gần 500 nghìn cán bộ y tế từ trung ương đến tận thôn, bản có đủ khả năng triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh, cũng như kịp thời ứng phó với các vấn đề sức khỏe liên quan đến thiên tai, thảm họa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đang được đổi mới, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã, thí điểm thực hiện quản lý một số bệnh mạn tính như hen, tăng huyết áp, đái đường tại cộng đồng, góp phần giảm tải cho tuyến trên, khoảng 80% số trạm y tế xã đã thực hiện khám, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam được cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt trên 73 tuổi, cao hơn nhiều so với những nước có cùng trình độ phát triển, được Liên hợp quốc công nhận là điểm sáng trong việc đạt các Mục tiêu Thiên niên kỷ và là một trong bảy nước đứng đầu về giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em.

Chúng ta đã thực hiện được các kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, thụ tinh ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, kỹ thuật ghép tạng, mổ tách song sinh, ghép thành công tế bào gốc đồng loại cho bệnh nhân bị ung thư máu, ứng dụng Robot định vị trong phẫu thuật cột sống và phẫu thuật nội soi nhi khoa,… sản xuất được 10 trong 11 loại vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng; kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền và y học hiện đại, xây dựng được mạng lưới y học cổ truyền rộng khắp cả nước. Sau một thời gian ngắn đạt được kết quả ngoạn mục về thực hiện BHYT với hơn 70% số dân tham gia BHYT (năm 2013) và đang hướng tới BHYT toàn dân. Cơ chế tài chính y tế, giá dịch vụ y tế từng bước được đổi mới, chuyển dần việc đầu tư ngân sách Nhà nước trực tiếp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người thụ hưởng chính sách thông qua hệ thống BHYT. Việt Nam cũng đạt được mức sinh thay thế trước kế hoạch đề ra và đã lùi thời điểm dân số đạt 90 triệu người được khoảng 11 năm…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành y tế cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là trong nhiều năm liền, không đầu tư xây dựng mới thêm bệnh viện tuyến trung ương, đến năm 2013, Chính phủ mới quyết định đầu tư 20 nghìn tỷ đồng để xây mới năm bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; từ cuối năm 2008, Chính phủ mới dùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới một số bệnh viện tuyến tỉnh ở những vùng khó khăn và bệnh viện tuyến huyện. Nhưng do khó khăn, nên nguồn vốn không được cấp đầy đủ so với nhu cầu, phải giãn tiến độ thực hiện. Do đó, số giường bệnh hiện nay thấp hơn nhiều so với các nước (đạt 22,5 giường bệnh/10 nghìn dân, trong khi đó theo quy định cần 39 giường bệnh/10 nghìn dân), dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng ở bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh. Một bộ phận nhỏ cán bộ y tế do không giữ được phẩm chất đạo đức người thầy thuốc, chạy theo cơ chế thị trường, đã vi phạm quy chế chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra những sai sót ảnh hưởng tới người bệnh. Lương và phụ cấp cho cán bộ y tế quá thấp, đứng thứ 17 trong tổng số 18 bộ, ngành. Giá dịch vụ thấp, và không được điều chỉnh trong thời gian dài (17 năm), hiện nay dù đã điều chỉnh 3/7 yếu tố cấu thành giá nhưng vẫn chưa được tính đúng, tính đủ. Nguồn nhân lực y tế phân bố không đều, chủ yếu dồn ở tuyến trên, nhiều bác sĩ sau khi tốt nghiệp chỉ muốn công tác ở những thành phố lớn dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ y tế giỏi ở cơ sở. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho y tế không đủ nên phải thực hiện xã hội hóa, điều này dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng việc sử dụng kỹ thuật cao không cần thiết.

Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ cần ”Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển”. Đây là quan điểm chỉ đạo và đường lối phát triển của ngành y tế trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong những năm qua cũng như thời gian tới. Để thực hiện chủ trương đó, toàn ngành y tế đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để tạo điều kiện cho mọi người dân ở các vùng miền khác nhau trên cả nước, có mức thu nhập khác nhau, đều có khả năng tiếp cận và hưởng các dịch vụ y tế cơ bản như nhau. Từng bước nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, giúp cho người dân có thể tiếp cận và hưởng thụ dịch vụ y tế cơ bản ngay tại nơi sinh sống. Tích cực triển khai Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 -2015 và 2020, để bảo đảm mọi người dân có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và có khả năng chi trả phí khám, chữa bệnh.

Toàn ngành sẽ triển khai quyết liệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 nhằm đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại – chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh. Thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, với 14 bệnh viện hạt nhân có nhiệm vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ với kỹ thuật cao cho 45 bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh để các bệnh viện tuyến tỉnh tự thực hiện được các kỹ thuật cao mà không phải chuyển lên tuyến trung ương. Triển khai Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2012-2020. Từng bước chuẩn hóa việc đánh giá chất lượng bệnh viện phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế. Cải cách quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện, nhất là khám, chữa bệnh BHYT. Nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ y tế với tinh thần “Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị”; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức. Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, Nhà nước không phân bổ trực tiếp kinh phí cho các cơ sở y tế mà chuyển sang hỗ trợ người thụ hưởng chính sách y tế bằng việc phân bổ qua BHYT, ưu tiên cho đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi… Tinh gọn bộ máy của các đơn vị sự nghiệp và bộ máy quản lý nhà nước về y tế từ trung ương đến địa phương.

Tăng cường chất lượng đào tạo nhân lực y tế, tiếp thu chuyển giao kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng hoạt động y tế, nâng cao chất lượng dân số. Xây dựng các quy trình cải cách hành chính theo hướng hiện đại, hiệu quả thông qua việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Nghiên cứu xây dựng bộ máy quản lý y tế gọn nhẹ ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh theo hướng hình thành các trung tâm phòng, chống dịch bệnh để quản lý và khống chế dịch bệnh và Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm, giảm bớt đầu mối ở cấp bộ như mô hình của nhiều nước trên thế giới. Đổi mới toàn diện cơ chế tài chính, phương thức chi trả phí dịch vụ y tế, thực hiện cải cách, đổi mới quy trình lập dự toán và phân bổ ngân sách cho y tế theo hướng: quản lý dựa trên kết quả đầu ra. Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe. Xây dựng cơ quan độc lập để đánh giá chất lượng đào tạo, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh.

“Công bằng, chất lượng, hiệu quả và phát triển” sẽ là mục tiêu hướng tới để phấn đấu của ngành Y tế Việt Nam trong những năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Thầy thuốc Nhân dân, PGS, TS NGUYỄN THỊ KIM TIẾN Bộ trưởng Y tế



Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em