Là bệnh viện dành cho trẻ em, bệnh viện Nhi Trung ương từng ngày từng giờ tiếp nhận rất nhiều bạn nhỏ và gia đình đến khám chữa bệnh với tâm trạng hoang mang lo lắng. Để bệnh viện trở thành địa chỉ tin yêu của các bé là mong mỏi từng ngày của toàn bộ đội ngũ nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên, tình trạng các bé tới viện khám trong trạng thái “sợ bác sĩ”, “sợ các cô áo trắng” dẫn tới bé thiếu hợp tác khi khám bệnh và nằm điều trị tại bệnh viện là một sự thật đang tồn tại.
Sau đây là một số gợi ý về cách cha mẹ có thể giúp con có những trải nghiệm dễ chịu hơn mỗi lần tới bệnh viện, để bé có một chuyến đi khám vui vẻ hay một thời gian điều trị bớt căng thẳng.
1. Tập đóng vai trước khi đi khám
Việc này giúp bé hình dung rõ về những gì mình sẽ trải qua vào buổi đi khám sắp tới. Do được chuẩn bị trước về tâm lý, bé biết mình sẽ được làm gì nên không bị bất ngờ và dễ dàng hợp tác hơn.
Ví dụ, để con làm quen với quy trình khám tại bệnh viện, bố mẹ có thể cùng con chơi trò chơi sau:
Mẹ nói: “Con gái ơi, ngày mai chúng ta sẽ tới bệnh viện để khám bệnh nhé. Bây giờ mẹ sẽ đóng vai bác sĩ, bố là bệnh nhân. Nào, xin mời bệnh nhân bố vào khám nào.”
Sau đó mẹ làm giả động tác nghe tim, phổi, ấn bụng và yêu cầu bố há to miệng để xem họng.
Sau khi khám xong bệnh nhân bố sẽ được đi làm xét nghiệm, mẹ sẽ giả động tác bố được lấy máu xét nghiệm, rồi bố cần nằm yên để bác sĩ siêu âm cho và giả động tác bác sĩ đang siêu âm trên bụng bố.
Sau đó mẹ đổi vai cho bé làm bệnh nhân. Hoặc cha mẹ có thể dùng các em gấu bông để giả làm bệnh nhân khám.
2. Thành thật với con
Hãy luôn thành thật với con trong vấn đề đi khám. Cha mẹ không nên nói dối là đưa con đi công viên, đi về quê hay đi chơi…rồi sau đó lại đưa con tới bệnh viện.
Hãy thông báo trước với con và cố gắng giải thích với con: “Vì con đang ốm nên chúng ta cần tới bệnh viện gặp bác sĩ để được giúp đỡ, nếu không tình trạng bệnh của con sẽ nặng lên…”
Khi con cần can thiệp thủ thuật ví dụ lấy máu xét nghiệm, hãy thành thật rằng: “Lấy máu sẽ làm con đau, nhưng mẹ tin các cô điều dưỡng ở đây sẽ làm nhẹ nhất có thể để giúp con bớt đau con yêu ạ”.
3. Kể với con những điều tốt đẹp về bác sĩ
Thay vì dọa trẻ “Bác sĩ tiêm bạn nào hư”, hãy nói với con: “Bác sĩ ở bệnh viện là để giúp con khỏi ốm, các cô điều dưỡng tiêm thuốc cho con để con mau chóng khỏi bệnh và sớm được ra viện”.
4. Không lấy nhân viên y tế ra dọa con
Việc người nhà bệnh nhân sử dụng hình ảnh bác sĩ, điều dưỡng để dọa trẻ vẫn diễn ra thường xuyên, với đủ loại lý do khiến người nghe không khỏi kinh ngạc: “Ăn nhanh kẻo bác sĩ đánh”, “ Ngoan không là bác sĩ mắng” “ Mặc quần vào kẻo bác sĩ nhốt bây giờ” , “ Đi nhanh lên không là bác sĩ tiêm”… Bằng cách hù dọa con như vậy, cha mẹ có thể khiến đứa trẻ sợ mà ăn nhanh hay đi nhanh lên hoặc thôi không khóc lóc, nhưng những hiểu biết sai lầm về nhân viên y tế sẽ khiến con khó hợp tác với bác sĩ hoặc điều dưỡng trong những lần khám bệnh sau.
Đừng biến bác sĩ thành ngáo ộp!
5. Cha mẹ cũng cần là những người không “sợ bác sĩ”
Muốn con không sợ bác sĩ thì chính cha mẹ cũng cần thể hiện sự tự tin. Hãy tìm hiểu kỹ các thủ tục trước khi đi khám, lắng nghe khi bác sĩ trao đổi. Khi đã nắm chắc thông tin rồi cha mẹ sẽ dễ dàng thực hiện theo từng bước của quy trình khám chữa bệnh. Chính sự tự tin, thông thái của cha mẹ sẽ giúp con an tâm, tin tưởng và bớt lo lắng đi rất nhiều.
Mời cha mẹ tham khảo:
https://benhviennhitrunguong.gov.vn/5-nguyen-tac-bo-tui-khi-dua-con-di-kham-benh.html
Tạ Duyên – Khoa Thận