Virus Rhino là virus gây bệnh hô hấp thông thường, hay gặp vào mùa đông xuân với các triệu chứng của cảm lạnh và viêm đường hô hấp trên ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, những đối tượng là trẻ em, đặc biệt là trẻ có bệnh nền, bệnh mạn tính, sức đề kháng kém cần đặc biệt cảnh giác trước nguy cơ nhiễm virus này để tránh trường hợp bệnh diễn biến phức tạp, khó điều trị.
Nằm điều trị tại Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Nhi Trung ương từ ngày 28/3 đến nay, bệnh nhi N.Đ.T (6 tháng, Hà Nội) vẫn phải thở oxy do viêm phổi tái đi tái lại. Theo các bác sĩ, trẻ có tiền sử mổ teo thực quản bẩm sinh lúc 2 ngày tuổi. Cách đây 3 tháng, trẻ được mổ kéo giãn xương hàm dưới do hội chứng Pierre Robin, đồng thời nhiều lần phải nhập viện điều trị do viêm phổi. Ngày 27/3, trẻ có biểu hiện ho, sốt, thở rít, khó thở tăng dần, ăn uống kém, quấy khóc nên được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây trẻ được xét nghiệm dịch tỵ hầu tìm virus hay gặp gây bệnh đường hô hấp phát hiện nhiễm virus Rhino.
Một trường hợp khác là bệnh nhi T.N.P (17 tháng, Hà Nam), cũng đang điều trị viêm phổi tại khoa Bệnh cấp tính – Trung tâm Hô hấp gần 2 tuần nay. Trẻ vào viện trong tình trạng sốt, ho, thở rít, khò khè, co thắt phế quản, nghe phổi có nhiều ran rít ran ngáy, kết quả xét nghiệm virus Rhino dương tính. Các bác sĩ cho biết, trước đó trẻ đã nhiều lần nhập viện do viêm phổi tái đi tái lại trên nền bệnh rối loạn chuyển hóa có giảm trương lực cơ.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô hấp, chỉ trong 2 tuần gần đây, Trung tâm tiếp nhận hơn 40 bệnh nhi nhiễm virus Rhino vào điều trị. Trong số đó, nhiều trẻ diễn biến nặng, phải thở oxy do mắc một số bệnh lý nền như: nhẹ cân, đẻ non, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, tim bẩm sinh, phổi bẩm sinh, hen phế quản…
“Rhino virus là loại virus chính gây hội chứng cảm lạnh thông thường ở người. Với trẻ khỏe mạnh và người lớn, khi nhiễm virus Rhino sẽ có các biểu hiện như cảm lạnh thông thường (ngạt, tắc mũi, đau rát họng), tuy nhiên với những trẻ có bệnh lý nền, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn, có thể gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi hay các biểu hiện suy hô hấp. Ở những trẻ mắc hen phế quản, Rhino virus là tác nhân khởi phát cơn hen.” – PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh cảnh báo.
Có thể phòng ngừa nhiễm virus Rhino bằng các biện pháp đơn giản, hiệu quả
Bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh cho hay, về cơ chế gây bệnh của Rhino virus, loại virus này lây truyền theo 2 phương thức: lây trực tiếp từ người sang người do hít phải giọt bắn có dịch tiết đường hô hấp của người bệnh khi tiếp xúc trong khoảng cách gần hoặc lây gián tiếp qua bàn tay, đồ chơi trẻ em, mặt bàn, ghế… có dính dịch tiết đường hô hấp của người bệnh, sau đó xâm nhập vào đường hô hấp và gây bệnh.
Nói chung, bệnh do virus Rhino thường nhẹ và tự khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, những đối tượng như trẻ em có bệnh lý nền, sức đề kháng kém cần hết sức cảnh giác trước nguy cơ nhiễm virus Rhino để tránh trường hợp bệnh diễn biến phức tạp, khó điều trị.
“Hiện nay chưa có thuốc kháng virus Rhino đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa, do đó, các bậc phụ huynh nên chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp như: vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Vệ sinh mắt, mũi, họng cho trẻ, tránh tối đa việc dụi tay lên mắt và mũi… Hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Ngoài ra, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, tiêm chủng đầy đủ. Khi trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.” – Bác sĩ khuyến cáo.
Khánh Chi