Biểu hiện các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ rất phong phú và đa dạng, các bà mẹ cần chú ý các dấu hiệu chính
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp là tình trạng nhiễm trùng cấp tính của hệ thống hô hấp, là loại bệnh phổ biến do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Nguyên nhân
- Do virus: Phần lớn trẻ bị bệnh hô hấp cấp tính do virus (chiếm tỉ lệ 60%-70%) bởi đa số các virus có ái lực với đường hô hấp và khả năng lây lan dễ dàng, tỉ lệ người lành mang virus cao, khả năng miễn dịch đối với virus yếu và ngắn.
- Do vi khuẩn: Là nguyên nhân quan trọng gây nhiễm khuẩn hô hấp nặng ở trẻ em, nhất là các nước có khí hậu nhiệt đới và các nước đang phát triển có điều kiện kinh tế hạn chế.
- Các yếu tố thuận lợi gây mắc bệnh:
- Thời tiết có độ ẩm và nhiệt độ thay đổi đột ngột
- Môi trường sống bị ô nhiễm khói bụi
- Dinh dưỡng cung cấp cho trẻ không đầy đủ
- Trẻ không được tiêm chủng đầy đủ
- Trẻ đẻ non, trẻ bị mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, nội tiết, còi xương suy dinh dưỡng…)
Dấu hiệu – Triệu chứng
Biểu hiện các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ rất phong phú và đa dạng, các bà mẹ cần chú ý các dấu hiệu chính sau:
- Dấu hiệu thông thường:
- Trẻ xuất hiện mệt mỏi, da xanh, quấy khóc
- Trẻ ăn hoặc bú kém
- Ho là dấu hiệu thường gặp nhất sau đó kèm theo sốt, chảy nước mũi, thở khò khè
- Trẻ có thể có các dấu hiệu nặng: Nhịp thở nhanh, tiếng thở rít, cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực, tím tái quanh môi, sốt cao gây co giật, bỏ bú hoặc bỏ ăn.
Theo dõi và chăm sóc
Theo dõi
- Theo dõi thở:
- Tần số thở: Trẻ thở nhanh là biểu hiện có viêm phổi, trẻ thở nhanh khi đếm nhịp thở:
Trẻ từ 0 đến 2 tháng tuổi: Nhịp thở > 60 lần/phút
Trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng: Nhịp thở > 50 lần/phút
Trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi: Nhịp thở > 40 lần/phút
- Tiếng thở: Trẻ thở rít hay khò khè là biểu hiện trẻ có khó thở tắc nghẽn
- Trẻ thở có kèm theo cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực hay không.
- Theo dõi màu sắc da của trẻ có bị tím tái không
- Trẻ có bị kích thích quấy khóc hay ngủ li bì khó đánh thức
- Trẻ có sốt và ho hay không
- Trẻ ăn hoặc bú kém, bỏ ăn bỏ bú
- Trẻ có nôn, bụng chướng, đi ngoài phân lỏng…
Chăm sóc
- Chăm sóc tại nhà (Khi chưa có các dấu hiệu nặng):
– Chăm sóc đường thở:
Vệ sinh mũi cho trẻ bằng tăm bông hoặc hút mũi – miệng, nhỏ nước muối sinh lý 0,9%
Không cần can thiệp nếu trẻ ho ít, vì ho là phản xạ giúp tống chất tiết ra ngoài. Trường hợp trẻ ho quá nhiều gây nôn trớ và mất ngủ có thể cho trẻ uống nước ấm để làm loãng đờm, dịu bớt cơn ho.
– Chăm sóc thân nhiệt: Cặp nhiệt độ xem trẻ có sốt không?
Nếu trẻ sốt 37,50C đến dưới 38,50C thì cần nới rộng và bỏ bớt quần áo, chăn đắp; lấy khăn thấm nước ấm chườm trán, nách, bẹn. Cho trẻ bú tăng cường hoặc uống nhiều nước.
– Chăm sóc dinh dưỡng:
Trẻ nhỏ cần cho bú mẹ theo nhu cầu. Trẻ lớn cho ăn đủ chất, thức ăn lỏng dễ tiêu và chia làm nhiều bữa nhằm duy trì sức đề kháng. Cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất do sốt
– Chăm sóc vệ sinh:
Để hạn chế nguồn lây bệnh, cần thường xuyên vệ sinh phòng ở, làm sạch các dụng cụ chăm sóc và giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ.
Cần đưa trẻ đến khám cơ sở y tế gần nhất khi:
– Trẻ có các dấu hiệu nặng (đã nêu phần dấu hiệu -triệu chứng ở trên)
-Trẻ sốt cao ≥ 38,50C hoặc có sốt kéo dài >3 ngày.
Phòng bệnh
– Đảm bảo cho trẻ bú ngay sau sinh càng sớm càng tốt
– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo lịch tiêm chủng
– Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, giúp tăng sức đề kháng
– Giữ ấm cho trẻ đặc biệt mùa lạnh và khi thay đổi thời tiết
– Vệ sinh cá nhân và môi trường, tránh khói bụi và khói thuốc
– Cách ly trẻ với người bị mắc bệnh hô hấp
Ths Chu Anh Văn – Điều dưỡng trưởng khoa Hô hấp