Hẹp bao quy đầu có phải là căn bệnh phổ biến ở trẻ em và nhất thiết phải đi làm thủ thuật?... là những băn khoăn mà các bậc phụ huynh đang hỏi nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội. Báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Lê Anh Dũng - Trưởng khoa Tiết niệu - Bệnh viện Nhi Trung ương về vấn đề này.
Bác sỹ Lê Anh Dũng – Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu – Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Nhân Hà)
Chỉ là hiện tượng sinh lý
Nghiên cứu chung cho thấy, tỉ lệ bé trai hẹp bao quy đầu giảm dần theo lứa tuổi. Nếu ở độ tuổi sơ sinh, tỉ lệ hẹp bao quy đầu lên tới 96% thì khi 1 tuổi, 3 tuổi chỉ còn 50% và 10%. Đến 17 tuổi, tỉ lệ này chỉ còn 1%.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, BS. Anh Dũng khẳng định hẹp bao quy đầu không phải là bệnh lý mà là hiện tượng sinh lý sau đẻ.
Theo đó, khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng cùng với thời gian, bao quy đầu sẽ tách khỏi quy đầu mà trong nhiều trường hợp là không cần can thiệp.
Trên thực tế, trao đổi với chúng tôi, chị Lan Phương (Hoàn Kiếm) có con trai 7 tuổi cho biết, ngày mới sinh con, ngay trong tháng đầu, chị đã mời bác sĩ đến khám vì thấy đầu “chim” của con có biểu hiện đỏ. Bác sĩ viện Nhi khi đó đã tư vấn chị vệ sinh kỹ vùng này bằng cách kéo ngược phần bao quy đầu mỗi khi tắm, nếu qua 3 tuổi không hết mới cần phải đi khám để làm thủ thuật. Tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, con chị hoàn toàn không còn bị viêm và không phải đợi đến 3 tuổi, chỉ 1 tuổi là bé đã hoàn toàn không còn bị hẹp bao quy đầu.
Chỉ can thiệp khi có biểu hiện bất thường
Trước sự lo lắng của các bậc cha mẹ về tình trạng hẹp bao quy đầu và đưa đến các phòng khám để thực hiện can thiệp, BS Anh Dũng khẳng định: chỉ can thiệp khi trẻ bị viêm và có vấn đề khi đi tiểu (tiểu khó, đi tiểu phải dặn, có hiện tượng phồng bao quy đầu khi đi tiểu, tia đái lệch, vẹo).
“Nếu thấy tia nước tiểu của trẻ không bình thường hoặc dương vật trẻ bị sưng tấy, cha mẹ nên cho con đi khám ngay”, bác sỹ Dũng khuyến nghị.
Các mức độ can thiệp:
Chia sẻ về các giải pháp điều trị hẹp bao quy đầu, BS Anh Dũng nhấn mạnh việc hướng dẫn cha mẹ cách vệ sinh và tự nong cho trẻ tại nhà luôn được ưu tiên khi thực hiện tư vấn cho những trường hợp hẹp ít.
“Chỉ cần hướng dẫn trẻ khi tắm, vệ sinh, tự kéo ngược da bao quy đầu về phía bụng, đến khi toàn bộ lỗ tiểu lộ ra là đạt kết quả”, BS Anh Dũng giải thích.
BS Dũng cũng khẳng định, đa số các trường hợp làm theo đúng hướng dẫn đều đạt kết quả, không cần phải có can thiệp từ bác sĩ.
Giải thích thêm về hướng dẫn tự thực hiện tại nhà chứ không phải bác sĩ thực hiện, BS Dũng cho biết: việc nong bao quy đầu là cả 1 quá trình liên tục. Do đó, nếu làm ngay tại viện, dương vật có thể bị xước và trẻ sẽ thường sợ do bị đau, gây khó khăn cho gia đình khi thực hiện tiếp các bước tự nong ở nhà.
Sau một thời gian tự nong không đạt kết quả, lúc này các bác sĩ mới thực hiện thủ thuật can thiệp.
Trong đó, nếu da bao quy đầu không quá dài, chưa xơ chai, sẽ dùng panh nong rộng vòng hẹp bao quy đầu và ngược lại, nếu da bao quy đầu thừa quá nhiều, xơ chai sẽ phải phẫu thuật. Tuy nhiên, BS Dũng khẳng định tỉ lệ phải can thiệp này không nhiều.
Chỉ bác sĩ mới ra chỉ định nong – phẫu thuật bao quy đầu
Theo thông tư số 43/2013/ TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Trạm y tế được phép thực hiện thủ thuật: cắt hẹp bao quy đầu và mở rộng lỗ sáo. Tuy nhiên, BS Anh Dũng khẳng định, ra chỉ định là bác sĩ và thực hiện kỹ thuật nào cũng phải là bác sĩ.
Do đó, BS Anh Dũng một lần nữa nhấn mạnh việc phụ huynh nên đưa con đi khám tại các chuyên khoa Nhi của các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn đúng và đảm bảo an toàn.
19 năm chưa bao giờ gặp hiện tượng trẻ sùi mào gà sau điều trị hẹp bao quy đầu
Trước thông tin trẻ 6,5 tháng tuổi bị sùi mào gà nặng sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại một phòng khám không biển hiệu, là một bác sĩ có 19 năm công tác trong ngành tiết niệu, bác sĩ Lê Anh Dũng cho biết, tại bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có hàng chục bệnh nhi đến khám hẹp bao quy đầu nhưng bác sĩ chưa bao giờ gặp hiện tượng như báo chí phản ánh. Bởi theo BS Anh Dũng, việc thăm khám, điều trị cho trẻ cần phải tuân thủ các quy tắc tránh lây nhiễm chéo (sát khuẩn betadin, dùng thuốc tê, mang găng tay dùng 1 lần… |
(Theo Trần Phương – Dân trí)