Ngày 1/11, cháu Khổng Thu H. (7 tuổi, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) xuất hiện nôn nhiều, lơ mơ, khó thở, tím tái sau khi ăn sắn ở nhà hàng xóm. Tại bệnh viện huyện, cháu được chẩn đoán ngộ độc sắn.
Sau khi ăn sắn, cháu H có các triệu chứng như nôn nhiều, khó thở… (Ảnh minh họa)
Sau 3 giờ cấp cứu, tình trạng bệnh không cải thiện, cháu H. được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Tại đây, cháu được thở máy rồi chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương sau 8 giờ theo dõi.
Tại khoa Cấp cứu Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân tiếp tục được thở máy, cho uống than hoạt tính và truyền dịch. Sau 24 giờ, cháu đã tỉnh táo và hồng hào, các chỉ số oxy trong máu trở về bình thường. 3 ngày sau, khi sức khỏe ổn định, bệnh nhi đã được ra viện.
Gia đình cho biết ngày xảy ra tai nạn, cháu H. đã ăn 2 khúc sắn trồng trong vườn, ăn khi đói bụng, sắn chưa bóc hết vỏ và chưa được ngâm kỹ. Những người ăn cũng cháu không có biểu hiện gì bất thường.
Ngộ độc sắn chính là ngộ độc cyanid có trong sắn, còn gọi là axít hydrocyanic gây ngạt và thiếu oxy tế bào. Hiện nay ngộ độc sắn ít gặp hơn trước đây. Thường gặp ngộ độc sắn ở vùng sâu, vùng xa. Người bị ngộ độc do ăn phải sắn rửa và ngâm không kỹ, ăn cả vỏ hoặc luộc sắn còn cả vỏ. Nếu bóc vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc thì chất độc sẽ mất đi. Ngộ độc nặng hơn ở trẻ em và người suy dinh dưỡng, đặc biệt là nếu ăn sắn khi đói và ăn nhiều.
Có thể phòng tránh ngộ độc sắn bằng cách không ăn sắn khi đói, trước khi ăn nên gọt vỏ, ngâm nước, luộc kỹ và không nên ăn quá nhiều. Nếu thấy trẻ có biểu hiện chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, lơ mơ sau khi ăn sắn thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Ths.Bs Ngô Anh Vinh – Khoa Cấp cứu & Chống độc