Bệnh viêm dạ dày ở trẻ nhỏ chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn H.pylori, còn việc trẻ vừa ăn, vừa xem tivi hoặc những nguyên nhân do sinh hoạt chiếm tỷ lệ nhỏ và là tác nhân gây trầm trọng thêm bệnh.
Hiện nay, tỷ lệ viêm dạ dày ở trẻ nhỏ đang ngày càng gia tăng. Thống kê tại Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến dạ dày. Trong đó, tình trạng trẻ em bị viêm dạ dày tiên phát do nhiễm Helicobacter pylori (H.pylori) là chủ yếu. Ngoài nguyên nhân vi khuẩn (H. pylori), Cytomegalo virus, Herpes, nấm Candida Albicans, trào ngược mật…
Vi khuẩn H. pylori được lây truyền qua đường ăn uống, phân miệng hoặc miệng miệng. Trẻ có thể bị lây nhiễm vi khuẩn từ người lớn trong gia đình như ông bà, bố mẹ, hoặc bạn bè… Việc ăn chung, uống chung, dùng chung dụng cụ ăn uống như thìa cốc, bát đũa là ngay cơ làm lây nhiễm vi khuẩn.
Tại khoa Nội soi (Bệnh viện Nhi Trung ương), nhiều phụ huynh khi cầm kết quả trên tay bần thần vì không hiểu nguyên nhân vì sao con mình lại mắc bệnh viêm dạ dày trầm trọng đến như vậy.
Rất nhiều trẻ đến khám tại BV Nhi Trung ương có kết luận viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày. |
Điển hình là trường hợp của cháu Vương Minh Thu Hà (Sóc Sơn – Hà Nội), 8 tuổi bị chẩn đoán viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày do vi khuẩn H. pylori. Chị Hồng (mẹ cháu Hà) cho biết, nguyên nhân đưa cháu đi khám vì cháu liên tục kêu đau bụng, mặc dù được gia đình bồi bổ khá chu đáo nhưng cháu Hà không có chuyển biến về cân nặng.
Đỉnh điểm nhất là ngày 8/8, cháu ăn vào liên tục bị nôn trớ kiểu trào ngược thức ăn. “Quá lo lắng, gia đình đưa thẳng cháu về bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, không ngờ cháu lại bị nặng như vậy”, chị Hồng buồn bã chia sẻ.
Khi bác sĩ hỏi về chế độ ăn uống, chị Hồng cho biết, con chị ăn uống bình thường, mỗi bữa ăn được hơn 1 bát cơm, thức ăn cũng như bao trẻ em khác và có uống sữa. Tuy nhiên, chị Hà cũng thừa nhận, từ khi cháu tập ăn cho đến tận bây giờ, mỗi bữa ăn cháu đều phải xem điện thoại, quảng cáo hoặc hoạt hình thì cháu Hà mới ăn, nếu không lại phải cho đi ăn rong.
“Đến tận bây giờ, ngoài giờ ăn ở lớp thì gia đình không nắm rõ, chứ ở nhà buổi tối khi gia đình ăn cơm, cháu cứ đòi phải xem kênh hoạt hình thì mới ăn nhanh, nếu không phải ngồi hết cả tiếng đồng hồ không xong”, chị Hồng nói.
TS Nguyễn Thị Út đang khám cho một bệnh nhi rất nhỏ tuổi tại phòng khám tiêu hóa – BV Nhi Trung ương
TS.BS Nguyễn Thị Út – khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, việc trẻ mắc bệnh viêm dạ dày chủ yếu là do nhiễm Helicobacter pylori. “Việc trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại tạo thói quen xấu cho trẻ làm trẻ mất tập trung khi ăn, ăn phải có điều kiện kèm theo. Trẻ không tập trung vào bữa ăn, làm giảm tiết dịch dạ dày ảnh hưởng đến quá trình tiêu hoá thức ăn”.
Cùng quan điểm trên, Ths.BS Vũ Thị Thúy Lan – phụ trách phòng khám Cây Thông Xanh (Hà Nội) cho rằng, việc vừa cho trẻ ăn, vừa xem ti vi, điện thoại là sai lầm phổ biến nhất mà nhiều phụ huynh gặp phải hiện nay.
“Nhiều người cứ nghĩ làm như vậy trẻ ăn được nhiều là tốt, nhưng đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm vì khi trẻ vừa ăn, vừa xem trẻ sẽ như một cái máy chỉ biết há miệng và nuốt thức ăn mà không biết món ăn đó có ngon hay không, vị giác không cảm nhận được và như vậy việc hấp thu, tiêu hóa sẽ gặp vấn đề và kết quả là dù trẻ ăn được nhiều nhưng vẫn chậm tăng cân, thậm chí nguy cơ mắc cả bệnh dạ dày”, BS Lan cho biết.
Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn H. pylori cần:
-Tránh ăn chung, uống chung với dụng cụ cốc, bát thìa với người bị bệnh do nhiễm vi khuẩn H. pylori
– Không nhai, mớm, thổi thức ăn cho trẻ
-Vệ sinh môi trường, giữ nhà vệ sinh hợp qui cách
– Ăn chín uống sôi,
-Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cũng như sau khi đai tiện.
– Tránh ngủ chung nhiều người trên một giường đặc biệt với những người đã biết có nhiễm H. pylori hoặc bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi
(Theo Lê Phương – Khám phá)