Thận đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của con người. Thận có hình hạt đậu, kích thước khoảng 12cm và cân nặng xấp xỉ 150 gram. Thận khỏe mạnh sẽ giúp loại bỏ lượng dịch dư thừa, độc tố từ máu, kiểm soát huyết áp, tham gia kích thích tạo hồng cầu và quá trình chuyển hóa calci, phospho giữ cho xương chắc khỏe và cân bằng điện giải, kiềm toan.
Điều gì xảy ra khi người bệnh mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối?
Thận sẽ mất đi các chức năng trên, không còn lọc máu tốt, không loại bỏ được dịch dư thừa,tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu, loãng xương…
Suy thận mạn có thể nói là một bệnh “thầm lặng” vì những triệu chứng biểu hiện khác nhau tùy từng người, có thể mệt mỏi, chán ăn, phù tay chân hoặc toàn thân, khó thở, buồn nôn, sụt cân, khó ngủ, chuột rút, ngứa…nhưng khi phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn cuối. Tùy tình trạng lâm sàng, hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế mà cha mẹ có thể phối hợp với bác sĩ để lựa chọn một trong những phương pháp điều trị sau:
1. Lọc màng bụng:
Lọc màng bụng được sử dụng để loại bỏ nước, điện giải và độc tố dư thừa ra khởi cơ thể. Có 2 lựa chọn đối với phương thức lọc màng bụng:
1.1 Lọc màng bụng liên tục (CAPD)
Gia đình người bệnh được nhân viên y tế hướng dẫn thực hiện tại nhà, thông thường khoảng 4 lần /ngày ( tùy theo y lệnh điều trị).
1.2 Lọc màng bụng tự động (APD)
Gia đình người bệnh được nhân viên y tế hướng dẫn thực hiện tại nhà, sử dụng máy lọc thực hiện vào ban đêm, khi người bệnh ngủ.
Ưu điểm:
- Thực hiện tại nhà, đảm bảo điều kiện môi trường, không gian.
- Thời gian sắp xếp tùy theo điều kiện từng gia đình.
- Trẻ có thể đi học, sinh hoạt bình thường.
- Giảm nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B.
Hạn chế:
- Nguy cơ nhiễm khuẩn, viêm phúc mạc…
2. Lọc máu chu kỳ hay thận nhân tạo
Phương pháp này thực hiện tại bệnh viện. Người bệnh được tạo thông nối động – tĩnh mạch và kết nối máy thận nhân tạo. Trong suốt quá trình chạy thận nhân tạo, máu sẽ được đưa qua hệ thống lọc gọi là “Quả lọc”. Sau khi kết thúc điều trị, máu được trả lại cơ thể. Thông thường người bệnh đến bệnh viện chạy thận khoảng 3 lần/tuần, với lịch cố định, mỗi lần kéo dài khoảng 4 giờ.
Ưu điểm:
- Thực hiện tại Bệnh viện, đảm bảo vô khuẩn.
- Gia đình không phải chuẩn bị dụng cụ.
Hạn chế:
- Nguy cơ thiếu máu, lây các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B.
- Thời gian ở bệnh viện nhiều.
- Hạn chế đi xa.
- Mỗi lần chạy thận, cần đặt 2 kim lớn để thiết lập đường truyền.
- Hạn chế lượng dịch đưa vào (ăn uống) nhất là những ngày không chạy thận.
3. Ghép thận:
Thận được lấy từ người hiến thận, sau đó đưa vào cơ thể người bệnh. Thận ghép thay thế chức năng của thận cũ.
Hiện nay có hai nguồn hiến thận: từ người còn sống là những thành viên trong gia đình hoặc những người khác phù hợp với người bệnh và từ những người tình nguyện hiến thận sau khi qua đời. Ghép thận tỉ lệ thành công rất cao. Sau ghép thận, người bệnh cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ hàng ngày. Những ca ghép thận thành công mang lại cuộc sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Thận ghép hoạt động tốt, người bệnh không cần phải chạy thận hay lọc màng bụng.
Ưu điểm:
- Cải thiện chất lượng cuộc sống, đi học và sinh hoạt như người bình thường.
Hạn chế:
- Sử dụng thuốc thải ghép và phải tuân thủ điều trị.
ĐD Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Khoa Thận và Lọc máu