Trang chủ » Y học thường thức » Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ hoà nhập và phát triển tốt

Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ hoà nhập và phát triển tốt

Đó là nội dung chính được đề cập trong buổi tập huấn nâng cao năng lực cán bộ Công tác xã hội trong can thiệp đối với trẻ tự kỷ được tổ chức tại Bệnh viện Nhi Trung Ương vào sáng ngày 13/11/2022. Theo đó, trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ nếu được can thiệp sớm sẽ có nhiều cơ hội tham gia giáo dục hoà nhập, tăng khả năng hoà nhập cộng đồng, giảm thiểu gánh nặng cho gia đình và xã hội

Buổi tập huấn do phòng Công tác xã hội phối hợp với khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức thu hút sự tham gia của gần 100 học viên là các cán bộ phòng CTXH tại Bệnh viện Nhi Trung ương và phòng CTXH từ các bệnh thuộc hệ thống tuyến tỉnh của khu vực Miền Bắc. Giảng viên của buổi tập huấn là Th.S Tâm lý Nguyễn Thị Hồng Thuý và Th.S BSCK II Trần Thị Ngọc Hồi.

Tại buổi tập huấn, các học viên được trang bị các kiến thức về quy trình phát hiện sớm, chẩn đoán và can thiệp trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các chiến lược giao tiếp sớm với trẻ tự kỷ bao gồm: chiến lược tăng cường chú ý chung, chiến lược tăng cường chơi và bắt chước, chiến lược tăng cường kỹ năng hiểu, chiến lược tăng cường kỹ năng nói…v.v

Theo Th.S BSCK II Trần Thị Ngọc Hồi tất cả trẻ em nên được sàng lọc tự kỷ và các trường hợp chậm phát triển hay khuyết tật khác ở thời điểm 9 tháng, 18 tháng và 30 tháng tuổi. Ngoài ra, trẻ với các yếu tố nguy cơ như đẻ non, có bệnh lý thời kỳ chu sinh, bệnh lý di truyền, nội tiết, thần kinh hoặc có gia đình có tiền sử mắc chứng tự kỷ… thì cần được sàng lọc bổ sung.

Với phần chia sẻ về Chiến lược tăng cường giao tiếp sớm ở trẻ tự kỷ, Th.S Tâm lý Nguyễn Thị Hồng Thuý cho rằng “trẻ tự  kỷ cần được chăm sóc và can thiệp sớm”. Chẩn đoán sớm và được can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lí và kiên trì trẻ có thể tiến bộ tốt, phát triển tương đối bình thường để hòa nhập một cách tương đối trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu việc can thiệp được tiến hành sớm cho trẻ tự kỷ, trẻ có thể hòa nhập với cộng đồng, tự lập trong cuộc sống. Nếu không được điều trị, trẻ sẽ không nói được, sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Ngay từ khi trẻ có biểu hiện bất thường, chẩn đoán xác định rõ từ 24 – 30 tháng, cần trị liệu hành vi, dạy ngôn ngữ và giao tiếp, trị liệu tâm vận động và điều hoà cảm giác, tự phục vụ, chơi tương tác, kỹ năng xã hội, tư vấn gia đình. Các kỹ năng cơ bản dạy trẻ: chú ý bằng nhìn, lắng nghe, bắt chước, giao tiếp bằng cử chỉ, chơi phù hợp, hiểu lời, kỹ năng phát âm.

Để hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, giao tiếp là một trong những yếu tố quan trọng. Giao tiếp là một quá trình được xây dựng dựa trên các kỹ năng nối tiếp nhau. Nền móng của ngôi nhà giao tiếp là kỹ năng năng tập trung chú ý. Đây là kỹ năng quan trọng nhất. Sau đó, các kỹ năng hiểu quan hệ nhân quả, giao tiếp mắt, bắt chước, lắng nghe lần lượt là những viên gạch xây dựng cho trẻ một sự hiểu biết, từ đó trẻ biết sử dụng các cử chỉ điệu bộ và tiến tới việc giao tiếp bằng lời nói và hội thoại. Cha mẹ cần lưu ý tới thứ tự các kỹ năng khi dạy giao tiếp cho trẻ tự kỷ. Tất cả các kỹ năng đều phát triển dần theo thời gian và liên quan đến nhau.

Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý đến các hoạt động tăng cường kỹ năng chú ý của trẻ tự kỷ. Bố trí môi trường để tránh sự xao nhãng: không có quá nhiều đồ chơi trước mặt hoặc trong tầm với, sắp xếp đồ chơi đồ dùng hợp lý, trong phòng không tiếng ồn, không gian không quá rộng, bàn ghế phù hợp cho việc học cá nhân. Cần tập cho trẻ ngồi, mặt đối mặt, ngang tầm mắt, gọi tên trẻ trong mỗi hoạt động; thu hút sự chú ý thông qua thị giác; đợi cho đến khi nhận thấy trẻ đã nhìn hoặc nghe thấy mới tiếp tục hoạt động khác.

Bên cạnh đó, cần chú ý hỗ trợ cho trẻ các hoạt động tăng cường kỹ năng chơi và bắt chước. Bắt chước là một kỹ năng quan trọng để học vì sự giao tiếp cần có sự hợp tác và tương tác giữa hai người. Để trẻ bắt chước được trước hết cha mẹ phải lôi kéo sự chú ý của trẻ và làm mẫu. Với trẻ tự kỷ không có khả năng bắt chước thì cần phải hỗ trợ theo các mức độ: cầm tay chỉ việc hoàn toàn, trợ giúp một phần, gợi ý bằng cử chỉ, ký hiệu, gợi ý bằng lời.

Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo một số cách dạy trẻ bắt chước như bắt chước cách chơi đồ chơi lắp ghép, sắp xếp, hoặc hoạt động sử dụng với đồ vật đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày. Bắt chước nét mặt, biểu cảm, động tác môi miệng, âm thanh, ví dụ như tặc lưỡi, liếm môi, chu môi, bạnh môi, cau mày, mặt xấu… Bắt chước âm thanh: khà, ú òa, măm, hắt xì, bập bập, ò o,… sử dụng những trò chơi liên quan đến môi miệng, nét mặt để dạy trẻ bắt chước âm thanh một cách tự nhiên nhất, không nên bắt ép trẻ. Khi trẻ có âm thanh nào ta nên đáp ứng âm thanh đó hoặc bắt chước lại. Bắt chước bài hát nhịp điệu và động tác theo bài hát. Bắt chước chơi giả vờ với búp bê hoặc gấu bông: rót nước uống, xúc bằng thìa, vệ sinh, cắt hoa quả, khám bệnh, đi ô tô…

Cần hỗ trợ cho trẻ các hoạt động giúp tăng cường việc hiểu lời nói. Cha mẹ gọi tên con trước khi nói với con để nhắc con cần nghe. Tránh phát âm rời rạc như: “Mẹ…của…con” mà nên nói rõ ràng, dứt khoát với con. Chỉ dùng các từ quan trọng nhất, đơn giản, chỉ đưa ra từng chỉ dẫn một. Cho trẻ đủ thời gian hơn để trẻ xử lý được thông tin bạn nói. Sử dụng các phương tiện thị giác để giúp trẻ hiểu rõ hơn như đồ vật, biểu tượng (đồ chơi mô phỏng), tranh ảnh, cử chỉ… Hãy nói với con các câu khẳng định để bảo con làm điều gì đó, đừng nói câu phủ định để bảo con không làm điều gì đó. Dùng từ “tiếp theo”, “sau đó”  để giúp con hiểu sự việc theo thứ tự. Dùng các từ “kết thúc”, “xong rồi”,… để con hiểu sự kéo dài công việc trong một khoảng thời gian và lúc nào là hoàn thành công việc. Cha mẹ cần nói các việc theo đúng trật tự việc đó sẽ diễn ra.

Ngoài ra, hỗ trợ cho trẻ các hoạt động tăng cường luyện phát âm như kéo căng cơ môi bằng cách bạnh mồm; cho trẻ tập liếm môi (có thể bôi mật ong lên môi), tập mút kẹo…; tập thổi bong bóng, bóng xà phòng, thỏi còi, thổi tắt nến,…; tập tặc lưỡi, bập môi (tiếng gọi chó, gọi gà…), phun mưa, rung môi; tập ăn thức ăn cứng, tập cắn, tập nhai; tập phát âm các nguyên âm, phụ âm, từ dễ, gắn liền với đồ vật hoặc hình ảnh cụ thể. Nếu đã nói được một từ thì tìm những nhóm từ giống nhau để tập phát âm.

Buổi tập huấn nâng cao kiến thức đã thu được những phản hồi tích cực từ phía học viên tham gia. Bạn Thuỷ Vân, đến từ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, chia sẻ: “Tham dự các lớp tập huấn do phòng CTXH và khoa Tâm bệnh phối hợp tổ chức, em thực sự thu lượm được rất nhiều kiến thức. Bản thân em là một cán bộ y tế tham gia công tác trị liệu tâm lý cho trẻ em tại cơ sở y tế địa phương nơi mà số lượng cán bộ y tế được đào tạo trong lĩnh vực này còn rất hạn chế, em vô cùng trân quý những buổi học chia sẻ kinh nghiệm như thế này. Những thông tin bổ ích trong lớp học chắc chắn sẽ giúp em tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp xúc, can thiệp tâm lý đối với các bé bệnh nhi, đồng thời vững tin vào con đường chuyên môn đầy khó khăn mà mình đã chọn

Nâng cao năng lực can thiệp đối với trẻ tự kỷ là một trong những chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong chăm sóc, hỗ trợ trẻ tự kỷ nói riêng, đồng thời cũng là một bước đi gắn với sự phát triển an sinh, xã hội nói chung.

Hình 1: Buổi tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế
và nhân viên Ctxh về Can thiệp trẻ tự kỷ

Hình 2: Th.S BSCKII Trần Thị Ngọc Hồi trình bày bài giảng tại buổi tập huấn

Hình 3: TS. Hà giảng bài Chiến lược tăng cường giao tiếp sớm ở trẻ tự kỷ

Hình 4: Th.S Tâm lý Nguyễn Thị Hồng Thuý đang truyền tải những
kỹ năng giao tiếp sớm

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em