Thấy con trai 3 tuổi cứ tối đến là kêu đau mỏi chân, chị Bích (Hoàng Cầu, Hà Nội) cho bé đi khám và ngạc nhiên nghe bác sĩ nói con bị bệnh viêm khớp mãn tính.
“Lúc nghe bác sĩ nói bệnh con và yêu cầu cháu phải nhập viện 2 ngày để theo dõi, mình lo đến toát mồ hôi. Cứ nghĩ chỉ người già mới viêm khớp, ai ngờ cậu con tuổi mẫu giáo lại mang bệnh này”, chị Bích kể.
Theo chị Bích, con trai chị từ nhỏ khá khỏe mạnh, tăng cân đều đặn, bé chỉ thi thoảng bị ho, viêm họng và kêu đau chân. Sau vài ngày ở viện, hiện chị Bích cho con uống thuốc theo đơn của bác sĩ và theo dõi sức khỏe của bé sát sao hơn.
Cũng như chị Bích, vợ chồng anh Đồng (Thanh Trì, Hà Nội) bất ngờ trước kết quả khám cho thấy con gái 4 tuổi của mình mắc viêm khớp mãn. Anh Đồng kể ban đêm con gái anh hay ngồi dậy khóc vì kêu đau nhức chân tay. Nghĩ do ban ngày con chạy nhảy nhiều nên tối mệt, anh chị chỉ xoa bóp chân cho con đỡ chút rồi dỗ cháu ngủ tiếp. Gần đây, tình trạng này tiếp tục, kết hợp với việc cháu ho lâu ngày không khỏi, nên bố mẹ mới đưa vào viện khám.
Khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh minh họa)
Hầu như đa số ông bố bà mẹ khi biết có con viêm khớp mạn tính đều không khỏi bất ngờ, vì nhiều người thường nghĩ đây là bệnh của người lớn, nhất là người cao tuổi, trẻ con không thể mắc.
PGS.TS Lê Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch – dị ứng – khớp, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, số trẻ nhập viện vì viêm khớp có xu hướng ngày tăng. Đau xương khớp ở trẻ nhỏ là hiện tượng khá phổ biến, có nhiều nguyên nhân như lớn nhanh, hệ xương chưa phát triển tương xứng, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao hay sau chấn thương và một số em bị khớp mãn tính do rối loạn miễn dịch.
Bác sĩ cho biết, viêm khớp mãn tính ở trẻ em, hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên khá phổ biến. Bệnh có thể tồn tại khoảng vài tháng đến vài năm và hay gặp nhất là 3 dạng:
– Thể viêm ít khớp: Chỉ gây tổn thương dưới 5 khớp chủ yếu là những khớp lớn như: vai, khuỷu, gối.
– Thể viêm đa khớp có tổn thương từ 5 khớp trở lên, thường gặp ở những khớp nhỏ bàn tay, bàn chân nhưng cũng có thể gặp ở khớp lớn.
– Thể viêm khớp hệ thống gây tổn thương nhiều hệ cơ quan trong cơ thể (còn gọi là bệnh Still). Viêm khớp Still là một trong 3 thể lâm sàng của bệnh viêm khớp mãn tính ở trẻ em, với các biểu hiện là hay sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ ở thân mình và các gốc chi, nhưng các mẩn đỏ này mất đi rất nhanh.
Theo bác sĩ Lê Minh Hương, bệnh viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên rất nguy hiểm cho trẻ, nếu phát hiện quá muộn, gây tổn thương khớp nghiêm trọng sẽ dẫn đến tàn phế. Vì vậy khi thấy có những biểu hiện bất thường về khớp phải đưa trẻ đến khám ở các chuyên gia khớp.
“Loại viêm khớp này diễn biến dai dẳng, chậm chẩn đoán có thể khiến trẻ bị tàn tật. Vì thế, nếu thấy trẻ kêu đau chân, tay, khớp, tình trạng kéo dài trên 6 tuần thì nhất định phải đưa con đi khám để xác định rõ nguyên nhân, từ đó áp dụng biện pháp điều trị phù hợp”, bác sĩ Hương cảnh báo.
Theo bác sĩ, viêm khớp mãn tính ở trẻ em được điều trị bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoide, ức chế miễn dịch, vật lý trị liệu… Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ có thể bảo tồn được các khớp và hạn chế đến mức tối đa sự biến dạng gây tàn phế. Tuy nhiên, các bệnh khớp tự miễn sau khi điều trị ổn định trẻ vẫn cần được tái khám và theo dõi định kỳ theo chuyên khoa để tránh trường hợp bị lại.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm khớp là:
– Đau khớp: Các khớp bị đau khi vận động và hết đau khi nghỉ ngơi. Tình trạng này thường là do bệnh viêm khớp đang âm thầm tiến triển có thể gây đau không ngớt.
– Cứng khớp: Trẻ cảm thấy các khớp bị cứng, nhất là vào buổi sáng. Đó là triệu chứng thông thường của bệnh viêm khớp mãn tính.
– Sưng khớp: Các khớp bị sưng hoặc biến dạng.
– Khớp phát ra tiếng động: Các tiếng “lắc rắc” phát ra từ khớp xương trong khi vận động.
– Yếu cơ: Có thể nhận thấy các cơ bắp xung quanh khớp tổn hại bị yếu đi. Việc ít vận động thường xuyên, lâu dài chính là nguyên nhân dẫn đến các cơ bắp ở quanh khớp bị đau đó dần yếu đi.
Nếu các dấu hiệu trên khó xác định thì khi trẻ đi khám có thể được dùng siêu âm và một số phương pháp khác để chẩn đoán.