Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Chăm sóc cho trẻ có Canuynh khí quản tại nhà

Chăm sóc cho trẻ có Canuynh khí quản tại nhà

Mở khí quản là thủ thuật mở một đường thở nhân tạo để đưa không khí vào thẳng khí quản thông qua Canuyn mà không qua đường mũi họng; đường thở này có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Đối với những trẻ có mở khí quản và phải đeo canuyn khí quản khi ra viện thì việc theo dõi và chăm sóc tại nhà là rất quan trọng để không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

1.Tại sao lại phải mở khí quản

  • Tất cả các nguyên nhân làm cho đường thở từ thanh quản ra ngoài bị tắc nghẽn, chít hẹp
  • Mở khí quản chủ động để thực hiện các phẫu thuật sau đó, hoặc có tiên lượng nặng sau đó.

Những nguyên nhân hay gặp gây khó thở thanh quản như:

– Bệnh bạch hầu, sởi, cúm, viêm thanh khí phế quản, lao, uốn ván…

-Dị vật đường hô hấp ở thanh quản, khí quản, phế quản

– Liệt cơ mở thanh quản, U thanh quản, sẹo hẹp thanh quản …

– Chấn thương thanh quản, khí quản

– Chấn thương cốt sống gây liệt hô hấp

– Viêm tủy.

– Bệnh nhân hôn mê có ứ đọng dịch phế quản, BN thở máy kéo dài

2.Cách chăm sóc

Lưu ý: Trước khi ra viện, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn gia đình thực hiện kỹ thuật chăm sóc thành thạo.

Những kiến thức gia đình cần nắm được để có thể tự chăm sóc cho trẻ tại nhà:

  • Thao tác được kỹ thuật hút dịch qua canuyn
  • Vệ sinh và thay băng chân canuyn
  • Giữ ấm, phòng tránh viêm phổi, kiểm soát nhiễm trùng
  • Chế độ ăn uống, vấn đề ngôn ngữ cho trẻ
  • Bình tĩnh xử lý khi có tai biến xảy ra

Dụng cụ cần thiết: Máy hút, dây hút các cỡ phù hợp, canuyn 2 cái, găng tay, cồn, nước muối sinh lý, gạc…

2.1 Các dấu hiệu nhận biết khi nào trẻ cần hút:

  • Đối với trẻ nhỏ hoặc trẻ không tự nhận biết được bố mẹ phải theo dõi thường xuyên bằng cách nghe tiếng thở lọc xọc đờm dãi hoặc nhìn thấy có bong bóng đờm dãi ở trên canuyn, trẻ kích thích, khó chịu hoặc đếm nhịp thở thấy trẻ thở nhanh hơn, là thời điểm cần hút ngay. Có thể sử dụng máy hút hoặc dụng cụ hút, nếu dùng máy hút chú ý để áp lực vừa phải gập sonde hút và không đưa vào canuyn quá sâu.
  • Đối với trẻ lớn chúng có thể ra hiệu cho bố mẹ khi nào cần hút.

2.2 Những lưu ý khi vệ sinh chân canuyn:

  • Vệ sinh chân canuyn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và tránh được những mảng bong da chết rơi vào trong canuyn.
  • Thay băng chân canuyn 1 lần/ngày hoặc khi ướt, bẩn; chú ý quan sát vùng da xung quanh chân canuyn nếu thấy sưng đỏ, đau, chảy máu, chảy mủ… phải đưa trẻ đến cơ sở y tế khám.
  • Khi thay băng lưu ý tránh tuột dây buộc hoặc thao tác mạnh làm tuột canuyn.

2.3 Giữ ấm, phòng tránh viêm phổi, kiểm soát nhiễm trùng:

  • Thường xuyên che lỗ mở khí quản bằng một miếng gạc mỏng để tránh bụi bẩn và dị vật rơi vào đường thở (bình thường không khí đi qua mũi được sưởi ấm và lọc bụi trẻ đỡ bị nhiễm lạnh và viêm phổi hơn)
  • Sử dụng máy tạo hơi nước trong phòng để tạo độ ẩm, nhất là trong mùa đông.
  • Không tiếp xúc với khói thuốc, không khí ô nhiễm hoặc người bị bệnh cúm hay các bệnh truyền nhiễm khác.
  • Rửa tay là cách quan trọng nhất để ngăn chặn sự lây lan nhiễm trùng. Nên rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ.
  • Nên tiêm phòng các loại vắc-xin theo lứa tuổi của trẻ.
  • Hạn chế đến chỗ đông người và người nhà đến thăm hỏi.
  • Khi ngủ, tránh để chăn hay ga giường bịt vào lỗ thở.
  • Theo dõi nhiệt độ hàng ngày, nhịp thở và nhịp tim,
  • Tuân thủ dùng thuốc theo đúng y lệnh của bác sĩ

2.4 Chế độ ăn uống, vệ sinh và vấn đề ngôn ngữ cho trẻ:

  • Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng bổ sung rau và các loại trái cây.
  • Hút sạch đờm dãi trước khi cho trẻ ăn. Không nên hút trong hoặc sau bữa ăn có thể gây kích thích dẫn đến nôn sặc.
  • Luôn giám sát chặt trẻ trong khi ăn để đảm bảo thức ăn không rơi vào đường thở.
  • Khi tắm, nên che chắn lỗ thở và phải cẩn thận tránh để nước bắn vào đường thở gây ho, sặc, ngạt thở.
  • Khi trẻ có canuyn trên 6th có nguy cơ ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ và biểu cảm ngôn ngữ. Cha mẹ có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, hình ảnh, chữ viết hoặc sự hỗ trợ của các nhà ngôn ngữ để duy trì giao tiếp với trẻ.

2.5 Cách xử lý khi có tai biến xảy ra:

Thông thường trẻ sẽ được hẹn tái khám để kiểm tra thay mới hoặc vệ sinh nòng trong canuyn đúng cách để tránh biến chứng, việc thay mới phải do bác sĩ thực hiện tại Bệnh viện hay cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu.

Tuy nhiên việc tuột canuyn, tắc cnuyn có thể xảy ra ở bất cứ đâu hay thời điểm nào do vậy chúng ta cần chuẩn bị sẵn dụng cụ và tinh thần khi gặp phải trường hợp này tại nhà:

  • Cố gắng giữ thật bình tĩnh
  • Nếu tuột lắp lại ngay canuyn lập tức cho trẻ dùng lại canuyn cũ hoặc canuyn số nhỏ hơn (luôn chuẩn bị 2 chiếc một cái số trẻ đang đeo và một cái số nhỏ hơn)
  • Khi không thể làm được hãy quan sát và an ủi trẻ, đôi khi trẻ có thể thở được bằng mũi miệng đưa trẻ tới phòng cấp cứu gần nhất có thể. Bóp bóng trên đường đi
  • Nếu tắc nhỏ nước muối 09% vào Canuyn rồi sau đó hút đờm dãi qua Canuyn
  • Gọi cấp cứu hoặc người hỗ trợ ngay.

ĐDT. Nguyễn Thị Ánh Hồng – Khoa Tai Mũi Họng

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em