Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà

Chăm sóc trẻ tiêu chảy tại nhà

Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài từ 3 lần trở lên trong ngày và phân nhiều nước.Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng chỉ trong thời gian ngắn.Cần cho trẻ đi khám bác sĩ nếu thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, tiểu ít, khô miệng và khô da.

  1. Tại sao trẻ bị tiêu chảy?
  • Do thức ăn vệ sinh kém:
  • Cho trẻ ăn thức ăn bị ôi thiu
  • Thức ăn không được bảo quản tốt để ruồi nhặng bậu vào
  • Không rửa tay trước khi ăn
  • Dụng cụ cho trẻ ăn không được rửa sạch như : bát, đĩa, cốc, chén
  • Không đảm bảo vệ sinh trong quá trình cho trẻ ăn thêm bằng sữa bò.
    • Do một số nguyên nhân khác:
  • Trẻ bị thiếu men gây rối loạn tiêu hóa
  • Thực hành ăn dặm chưa đúng cách, ví dụ cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn mới lạ trong một lúc.
  1. Biểu hiện khi trẻ bị tiêu chảy

Trẻ đi ỉa nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước mùi tanh hoặc chua, không có máu hoặc mũi lẫn trong phân. Tùy theo số lần đi ỉa trong ngày mà biểu hiện các dấu hiệu mất nước khác nhau. Có 3 mức độ mất nước:

  • Độ 1: Trẻ chỉ khát nước, khô môi, quấy khóc, lượng nước tiểu hàng ngày bình thường.
  • Độ 2 : Trẻ khát nước nhiều, độ co giãn da kém, lượng nước tiểu giảm.
  • Độ 3 : Da nhăn nheo, mắt trũng sâu, thóp trũng, môi khô, khát nước nhiều, vật vã, đái ít.
  1. Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy

Vẫn cho trẻ ăn bình thường, không nên bắt trẻ nhịn ăn dẫn đến hạ đường huyết, cơ thể suy nhược và thiếu ăn dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu trẻ còn đang bú vẫn cho trẻ bú bình thường và cho ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Cho trẻ ăn nhiều bữa một ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường.

  1. Bù nước, điện giải bằng đường uống

Đối với trẻ bị tiêu chảy vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là phải bồi phụ lại lượng nước đã mất do trẻ đi ỉa nhiều lần mà phương pháp bù bằng đường miệng là phương pháp tốt nhất.

Dung dịch muối đường (Oresol) là loại dung dịch được dùng phổ biến nhất.

  • Pha 1 gói Oresol vào 1 lít nước đun sôi để nguội, cho trẻ uống theo yêu cầu (nếu trẻ nôn, uống ít một), mỗi khi cho trẻ uốngcần lắc đều dung dịch đã pha, chỉ sử dụngdung dịch này trong vòng 24 giờ.
  • Nếu không có sẵn Oresol thì dùng các nguyên liệu sau:
    • 1 thìa gạt ngang muối ( dùng thìa cà phê 5ml), 8 thìa gạt ngang đường (thìa cà phê 5ml), 2 hoặc 3 thìa nước cam hoặc chanh, tất cả pha trong 1 lít nước sôi để nguội.
    • Hoặc 30g bột gạo, 1 thìa gạt ngang muối (thìa cà phê 5ml ), đun sôi trong một lít nước.
  • Trẻ bị tiêu chảy, khát nước thì cho trẻ uống theo nhu cầu, cho trẻ uống khi khát.
  • Sau mỗi lần đi ỉa cho uống thêm 1 cốc dung dịch trên. Nếu trẻ bị nôn thì cho trẻ uống ít một và tăng số lần lên.
  1. Phòng bệnh tiêu chảy
  • Bảo quản thức ăn sạch sẽ, tránh bị ôi thiu
  • Phải rửa tay trước khi cho trẻ ăn và trước khi chế biến thức ăn.
  1. Khi nào cần đưa trẻ tiêu chảy đi khám ngay?

Khi trẻ có 1 trong các biểu hiện sau:

  • Sốt
  • Phân trẻ có lẫn máu
  • Trẻ nôn nhiều
  • Ỉa nhiều, phân lỏng
  • Khát hoặc rất khát
  • Không tốt lên sau 2 ngày điều trị.

Điều dưỡng CKI Bùi Thị Ngọc Ánh

Khoa Tiêu hóa

 

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em