Trang chủ » Cơ cấu tổ chức » Khoa Tâm thần

Khoa Tâm thần

I. Thông tin hành chính

  • Tên: Khoa Tâm thần (Psychiatry Department)
  • Địa chỉ: 18/879 đường La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội
  • Điện thoại: (84-024) 6273 8965 – (84-024) 6273 8964
  • Email: k.tambenh@nch.org.vn

II. Quá trình hình thành và phát triển
1. Giai đoạn từ năm 1981- 1993

Năm 1981, có quyết định thành lập Khoa. Vì đội ngũ cán bộ còn thiếu nên Khoa bao gồm 2 chuyên khoa Tâm thần và Thần kinh, lấy tên là khoa Tâm thần kinh với 25 giường bệnh nội trú, thuộc 1 đơn nguyên tại tầng 7 của khu nhà 8 tầng. Biên chế của Khoa gồm có 2 bác sĩ chuyên khoa tâm thần trẻ em và 1 bác sĩ thần kinh nhi, 10 điều dưỡng và 02 hộ lý. Tiến sĩ, Bs CKII Hoàng Cẩm Tú được Ban giám đốc chỉ định là trưởng khoa. Tiến sĩ, Bs Ninh Thị Ứng là phó trưởng khoa.

Sự ra đời của Khoa Tâm thần kinh, gắn liền với sự phát triển của cơ sở mới của Viện Nhi do Chính phủ Thụy điển giúp đỡ. Trong những năm đầu của thập kỷ 80, Tâm thần học trẻ em và vị thành niên là một chuyên ngành hoàn toàn mới đối với Việt nam. Nhưng ngay từ đầu, Ban giám đốc Viện Nhi đã nhận thấy tầm quan trọng của chuyên ngành này và hết sức tạo điều kiện để phát triển chuyên ngành.
Để vượt qua những khó khăn trong buổi ban đầu, Khoa đã dựa vào sự hỗ trợ của BGĐ Viện Nhi và các Viện, Bệnh viện đầu ngành, Bộ môn Tâm thần, Bộ môn Nhi- Trường Đại học Y Hà nội triển khai các hoạt động theo mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần (CSSKTT) và Thần kinh trẻ em. Nhiệm vụ chính của Khoa là điều trị nội trú cho những trẻ bị rối loạn tâm thần nội sinh và ngoại sinh như các rối loạn hành vi-cảm xúc liên quan đến stress, rối loạn phát triển lan tỏa, bệnh động kinh và các bệnh thần kinh khác. Khoa còn tổ chức điều trị nội trú ngày cho những bệnh nhân có rối loạn tâm thần ở mức nhẹ. Quản lý và điều trị ngoại trú cho bệnh nhi Động kinh và Rối loạn tâm thần là công việc rất cần thiết và luôn được Khoa chú trọng.

Kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế, ngay từ đầu, Khoa đã động viên cán bộ trong khoa tự học, tích cực tham gia các lớp đào tạo chuyên khoa của ngành Tâm thần và Nhi khoa để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ tạo điều kiện tiếp cận với chuyên gia quốc tế. Vì cơ sở đào tạo chuyên sâu về Tâm thần học trẻ em và vị thành niên chưa có, nên Khoa đã động viên các bác sĩ trong khoa tự tìm tòi, học hỏi và tăng cường hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành của Viện SKTT, khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Việt-Đức…

Khoa cũng đã nhận thức được rằng: Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên liên quan rất nhiều đến ngành Tâm lý- giáo dục học nên đã chủ động phối hợp với Khoa Tâm lý lứa tuổi, Tật học thuộc Viện Khoa học- Giáo dục, Viện Nghiên cứu trẻ em trước tuổi đến trường; Tổ Tâm lý- Đại học Y Hà nội… Trong việc chẩn đoán và điều trị, Khoa đã kết hợp phương pháp y học và tâm lý, nghiên cứu từng trường hợp, tiếp cận gia đình… để có hướng chẩn đoán, tìm nguyên nhân và đã ứng dụng một số trắc nghiệm tâm lý như Raven, WISC, Denver I, Denver II…

Bên cạnh công tác điều trị, Khoa đã đảm nhận công việc hướng dẫn lâm sàng về lĩnh vực Tâm thần học trẻ em và vị thành niên, bệnh Động kinh, điện não đồ và các bệnh thần kinh cho sinh viên chuyên khoa nhi, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II. Tiến hành các nghiên cứu chuyên đề như: Rối loạn tâm căn-hành vi ở lứa tuổi học đường, sự phát triển tâm lý trẻ khỏe, chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi, động kinh, ĐNĐ… và trình bày tại các Hội nghị khoa học.

Đội ngũ bác sĩ của Khoa dần dần trưởng thành, trình độ chuyên môn ngày càng vững, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị. Đội ngũ điều dưỡng cũng không ngừng được bồi dưỡng chuyên môn nên tay nghề ngày càng thành thục. Khoa đã cứu chữa được hàng ngàn bệnh nhân bị bệnh tâm thần, động kinh và các bệnh thần kinh, tư vấn cho hàng ngàn gia đình phương pháp nuôi-dạy và cùng tham gia trị liệu cho con mình, mang lại niềm vui khỏi bệnh cho các bệnh nhi và gia đình.

Năm 1990, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em (N-T) ra đời do cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sáng lập và lãnh đạo, Khoa đã hợp tác với Trung tâm, nghiên cứu sâu hơn về tâm lý trẻ em và tâm lý học lâm sàng.

2. Giai đoạn từ năm 1993 – 2002

Năm 1993, sau hơn 10 năm hoạt động, do như cầu phát triển chuyên ngành, cũng như nhu cầu CSSKTE toàn diện, cùng với sự trưởng thành của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, BGĐ quyết định thành lập khoa Tâm thần trên cơ sở Khoa Tâm thần kinh – Bệnh viện Nhi Việt nam – Thụy điển (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương). Khoa được bố trí ở một tòa nhà 2 tầng độc lập với 6 buồng bệnh và 1 phòng khám ngoại trú. Tiến sĩ Hoàng Cẩm Tú tiếp tục là trưởng khoa. Thạc sĩ, Bs Quách Thúy Minh là Phó trưởng khoa. Điều dưỡng trưởng: Đạng Thị Huệ.

Một lần nữa, Khoa Tâm thần lại bắt tay vào xây dựng cơ sở mới, một qui trình làm việc phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù của chuyên khoa, đảm bảo chức trách của Bệnh viện giao cho. Khoa bao gồm 20 giường bệnh điều trị nội trú, có phòng làm test và điều trị tâm lý, phòng tư vấn, phòng chơi và sân chơi cho trẻ. Hệ thống điều trị nội trú giành cho các bệnh nhân ở xa và cần can thiệp tích cực. Nội trú ngày cho bệnh nhi ở gần, hàng ngày hoặc mỗi tuần đến Khoa một vài buổi để điều trị và tư vấn tâm lý, đảm bảo cho trẻ không phải nghỉ học, bố mẹ không phải nghỉ việc. Bên cạnh hệ thống điều trị nội trú, Khoa còn quản lý ngoại trú hàng ngàn bệnh nhân bị động kinh, rối loạn tâm thần… ở khắp các miền trong cả nước. Khoa luôn tranh thủ sự giúp đỡ chuyên môn của Viện nghiên cứu SKTT, Bộ môn Tâm thần, Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà nội. Hợp tác với Trung tâm N-T với tư cách như là một tổ chuyên môn. Trung tâm N-T đã giúp Khoa trang bị lại phòng giảng, phòng chơi, cũng như cung cấp tài liệu chuyên môn và cùng với Khoa tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ y tế ở một số cơ sở tại Hà nội và các địa phương về phương pháp tiếp cận tâm lý, cũng như ứng dụng tâm lý học lâm sàng trong Tâm thần học trẻ em và vị thành niên. Nhờ đó, kỹ năng thăm khám, chẩn đoán, trị liệu, tư vấn, ứng dụng các test tâm lý của cán bộ trong Khoa được bài bản hơn.

Bên cạnh công việc điều trị, Khoa luôn động viên các bác sĩ tham gia NCKH. Trong những năm qua, Khoa đã có trên 30 công trình nghiên cứu về các chủ đề: Động kinh; Rối loạn Tic; Mô hình bệnh tâm thần tại Viện Nhi; Tìm hiểu tâm lý học sinh; Rối loạn hành vi-cảm xúc; Rối loạn hành vi và phạm pháp ở trẻ em và vị thành niên; Sự ngược đãi- sao nhãng trẻ em; Tìm hiểu tâm lý của trẻ qua tranh vẽ; Sức khỏe học đường; Các rối loạn tâm lý ở trẻ nằm viện… Khoa đã hoàn thành và được nghiệm thu 02 đề tài cấp Bộ.

Về quan hệ quốc tế, Khoa đã tiếp đón nhiều lượt khách quốc tế: Mỹ, Úc, Đức, Hà lan và đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhờ sự giúp đỡ của Viện SKTT và sự hỗ trợ của BGĐ Viện Nhi, Khoa Tâm thần đã thiết lập được quan hệ với Trường ĐH Groningen- Hà lan; Hội Tâm thần học trẻ em và vị thành niên của các trường Đại học Hoàng gia Úc-Newzealand; Khoa Tâm thần Đại học Sydney và Đại học Tây Úc. Cùng với các bạn mở các lớp tập huấn về CSSKTT trẻ em và vị thành niên cho bác sĩ, điều dưỡng và cán bộ tâm lý cũng như nghiên cứu khoa học. Khoa cùng với Khoa Tâm thần học trẻ em và vị thành niên – Đại học Tây Úc nghiên cứu để chuẩn hóa Việt nam 2 bộ trắc nghiệm sàng lọc đánh giá các RLTT ở trẻ em và vị thành niên (CBCL và DISC) dùng để điều tra dịch tễ học cũng như hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng. Xây dựng chương trình xử lý số liệu điều tra theo chuẩn quốc tế SPSS.

3. Giai đoạn từ năm 2002-2011

– Nhân lực: Số lượng cán bộ 20 người, trong đó có 4 bác sĩ, 4 cán bộ tâm lý, 3 giáo viên, 8 điều dưỡng, 1 hộ lý hợp đồng. Thạc sĩ-Bác sĩ Quách Thúy Minh là trưởng khoa. Thạc sĩ-Bác sĩ Cao Vũ Hùng là phó trưởng khoa. Từ 2007, do bệnh viện xây dựng nên khoa chuyển sang phương thức hoạt động mới với 5 phòng cho điều trị nội trú ngày và có 4 phòng khám cho khám ngoại trú và trắc nghiệm tâm lý.

– Những nhiệm vụ và hoạt động chính:

+ Khám và điều trị ngoại trú và nội trú ban ngày, hẹn điều trị tâm lý theo giờ hoặc theo buổi.
+ Nghiên cứu khoa học.
+ Công tác đào tạo.
+ Công tác 1816 và chỉ đạo tuyến.
+ Công tác giáo dục sức khỏe.
+ Các công tác khác: Hợp tác quốc tế, các phong trào thi đua của bệnh viện…

– Thuận lợi và khó khăn: Khoa được sự ủng hộ của Ban Giám đốc Bệnh viện và các phòng chức năng tạo điều kiện cho các hoạt động của khoa. Cán bộ của khoa đều có tinh thần thái độ nhiệt tình trong công tác, có năng lực chuyên môn, luôn đoàn kết nhất trí, coi người bệnh như người thân, quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Về khó khăn: cơ sở vật chất còn nhỏ hẹp nên triển khai các hoạt động gặp nhiều khó khăn.

4. Giai đoạn từ năm 2012 đến nay

Từ tháng 5-2012, Thạc sĩ-Bác sĩ chính Thành Ngọc Minh đã được BGĐ bổ nhiệm làm trưởng khoa. Thạc sĩ-Bác sĩ Nguyễn Mai Hương là phó trưởng khoa; Cử nhân điều dưỡng Đào Thị Thủy là điều dưỡng trưởng. Tổng số nhân lực của Khoa hiện tại là 21 cán bộ, trong đó có 04 bác sỹ; 09 điều dưỡng; 07 cán bộ tâm lý (01 cán bộ tâm lý thuộc Viện nghiên cứu sức khỏe trẻ em chỉ làm việc bán thời gian); 02 giáo viên đặc biệt; 01 hộ lý. Hầu hết đều là cán bộ trẻ, thời gian công tác dưới 10 năm, có tinh thần học hỏi cao, nhiệt huyết trong công việc, có tinh thần đoàn kết và hợp tác trong các hoạt động chung.

Từ năm 2012 đến nay, tập thể khoa Tâm thần luôn thực hiện tốt các qui chế, tham gia tích cực các phong trào thi đua của Bệnh viện. Nội bộ khoa luôn đoàn kết. Được nhiều phụ huynh của bệnh nhân gửi thư khen và ghi cảm tưởng tốt đẹp về khoa. Tất cả các cán bộ của khoa đều đạt danh hiệu lao động tiên tiến và khoa được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc” trong nhiều năm. Đã có 2 cán bộ được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Bộ Y tế”.

Nhiệm vụ chính của Khoa Tâm thần là khám, đánh giá, làm trắc nghiệm tâm lý, chẩn đoán, điều trị dược lý, trị liệu tâm lý các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em. Trong những năm gần đây, các rối loạn phát triển là các mặt bệnh thường gặp nhất, bao gồm: rối loạn tự kỷ; chậm phát triển trí tuệ; rối loạn tăng động giảm chú ý.

Ngoài ra Khoa Tâm thần còn đảm nhiệm việc thực hiện chăm sóc tâm lý trẻ nằm viện, hội chẩn liên khoa, hội chẩn liên ngành, giám định y khoa, cấp giấy xác nhận tình trạng bệnh tật. Tham gia tư vấn tâm lý cho các ca ghép tạng của bệnh viện.

Triển khai áp dụng phương pháp chẩn đoán, trị liệu sớm cho trẻ tự kỷ: phương pháp PECS, test DBC-P, Điều hòa cảm giác. Nhiều test tâm lý đã được cán bộ trong khoa dịch và chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện Việt nam và đã được nhiều cơ sở y tế trong nước học tập và áp dụng: M-CHAT, CARS, Vanderbilt, PEP III, DSM-5…

Số lượng bệnh nhân khám ngoại trú của Khoa tăng cao trong những năm gần đây, trung bình 80-100 bệnh nhân/ngày, Khoa cũng tham gia nhiều chương trình giáo dục sức khỏe trên các phương tiện truyền thông, chứng tỏ vị thế đầu ngành về chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em. Điều này là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn. Ban lãnh đạo Khoa và các cán bộ đã đoàn kết, nỗ lực điều phối các vị trí làm việc nhằm đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Khoa Tâm thần đồng thời là đơn vị đào tạo có uy tín, là cơ sở thực tập nhiều học viên trong chương trình đào tạo sau đại học của Đại học y Hà Nội, Khoa Tâm lý trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Khoa Tâm lý trường Đại học Giáo dục, đồng thời thu hút đông đảo học viên đào tạo liên tục từ các bệnh viện vệ tinh, các sinh viên nước ngoài trong các chương trình hợp tác quốc tế của Bệnh viện.
Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế cũng luôn được đề cao trong các hoạt động tại khoa. Trong các năm tiếp theo, Khoa Tâm thần tiếp tục thực hiện các dự án với các tổ chức nước ngoài như tổ chức Medrix, tổ chức ADEPASE (Hội phát triển tâm lý học Thái Bình Dương), Trường Cao đẳng Leonardo de Vinci thuộc Vương quốc Bỉ. Các cán bộ Khoa ngoài trau dồi trình độ chuyên môn, ngoại ngữ còn hăng say tham gia nghiên cứu, đạt được nhiều kết quả là các báo cáo hội nghị, bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành.

Về cơ sở vật chất, hiện tại Khoa Tâm thần đang hoạt động ở ba vị trí: Khu vực khám bệnh ngoại trú (2 phòng khám và 3 phòng trắc nghiệm) nằm tại Khoa Khám bệnh đơn nguyên 1; Khu vực can thiệp sớm trẻ tự kỷ tại khu phẫu thuật dịch vụ, tầng 2 Khoa Khám bệnh đơn nguyên 1; Khu vực trị liệu tâm lý tại Phòng chơi bệnh viện.

Do cơ sở vật chất dàn trải, phòng ốc không phù hợp với mục đích sử dụng, vì vậy Khoa còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch hoạt động, các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.

III. Định hướng phát triển trong tương lai

– Tại các bệnh viện nhi trong cả nước hiện nay, chỉ có Bệnh viện Nhi TW là có khoa Tâm thần.

– Số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhi trong cả nước còn rất ít. Trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần thường đi khám tại các BV và PK Nhi chứ ít khi đến khoa nhi BV Tâm thần, trẻ em bị rối nhiễu tâm trí thường có nhiều triệu chứng cơ thể nhưng các triệu chứng rối loạn tâm thần điển hình thường ít gặp. Hơn thế nữa các bậc cha mẹ còn mặc cảm với việc đi khám “tâm thần” nên họ không đưa trẻ đến khám tại các Bệnh viện Tâm thần.

– Trong những năm gần đây tại các thành phố lớn bắt đầu thành lập một số trung tâm nhận can thiệp và dạy trẻ em tự kỷ, có một số phòng khám tư nhân tư vấn tâm lý cho trẻ em, cũng phần nào đáp ứng nhu cầu về khám chữa bệnh của cộng đồng.

– Nhìn chung, chúng tôi thấy khoa Tâm thần của BV nhi TW có một vị trí cao của chuyên ngành tâm thần nhi trong việc khám và điều trị cho nhiều trẻ em bị rối nhiễu tâm trí, là một khoa trong BV Nhi TW có uy tín nên được sự tin tưởng của nhân dân, hơn thế nữa lại có sự hỗ trợ kịp thời của các khoa liên quan cho bệnh nhân nếu có bệnh lý thực thể kèm theo. Khoa cũng thường xuyên trao đổi thông tin với các chuyên gia trong và ngoài nước nên cũng được học hỏi và áp dụng những kiến thức mới trong chẩn đoán và can thiệp những bệnh lý tâm thần trẻ em.

Qua những dịp đi học tập, hội thảo ở trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy rằng cần có sự phát triển đồng bộ của ngành y tế nhất là hệ thống bác sĩ gia đình, cán bộ xã hội và bác sĩ học đường thì trẻ có vấn đề về tâm bệnh lý mới được phát hiện sớm và được can thiệp kịp thời. Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa hệ thống giáo dục và y tế thì sự hỗ trợ cho trẻ em bị rối nhiễu tâm trí mới được liên tục và đầy đủ.

Trong công tác chuyên môn, thường xuyên phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ chuyên khoa nhi, cán bộ tâm lý, cán bộ xã hội, phục hồi chức năng, giáp viên giáo dục đặc biệt… Các cơ sở tâm thần Nhi của những nước tiên tiến chủ yếu là khám và điều trị theo hẹn, số giường nội trú không cần nhiều, có liên kết chặt chẽ giữa bệnh viện và những cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Ở phòng khám và đơn vị can thiệp ban ngày trong bệnh viện còn có ít phòng học, phòng chơi, phòng tập, các phòng giành cho hoạt động trị liệu, vườn hoa, sân chơi tạo điều kiện cho trẻ thư giãn, phòng tư vấn, dạy mẫu cần có gương 1 chiều để cha mẹ, học viên có thể quan sát và học tập. So với những nước tiên tiến thì khoa Tâm thần của chúng tôi còn nhiều thiếu thốn về nhân lực và cơ sở vật chất.

Để có thể xây dựng và phát triển toàn diện khoa Tâm thần- Bệnh viện Nhi TW đủ khả năng trở thành cơ sở đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần cho trẻ em hàng đầu trong cả nước, cần phải có những mục tiêu cụ thể sau:

Mục tiêu 1: Xây dựng Khoa Tâm thần trở thành đơn vị khám chữa bệnh hàng đầu ở Việt Nam về các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em, tương xứng với Bệnh viện Nhi Trung ương ngày càng phát triển, ngang tầm khu vực Đông Nam Á.
– Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao: Liên tục cập nhật các kiến thức mới, tham gia các hội thảo – sinh hoạt khoa học chuyên đề trong lĩnh vực tâm thần, tích cực học hỏi các kiến thức của chuyên gia trong và ngoài nước.
– Các mũi nhọn chuyên môn:
+ Chẩn đoán sớm, can thiệp sớm về tự kỷ và các rối loạn phát triển tâm vận động: xây dựng quy trình đánh giá, chẩn đoán, can thiệp (các bước và các kỹ năng cơ bản).
+ Rối loạn tăng hoạt động giảm chú ý: Xây dựng quy trình đánh giá, chẩn đoán, can thiệp (các bước và các kỹ năng cơ bản).
+ Các rối loạn tâm lý và bệnh lý tâm căn. Những vấn đề học đường (khó khăn về học, từ chối đi học, bạo hành học đường…).
– Các hình thức hoạt động:
+ Mở rộng điều trị nội trú ngày cho trẻ tự kỷ, tư vấn tâm lý theo hẹn cho bệnh nhân và gia đình có trẻ mắc RL tự kỷ, RL tăng động giảm chú ý, RL lo âu – trầm cảm, RL hành vi – cảm xúc, RL hành vi chống đối…
+ Phát triển các gói dịch vụ đánh giá sâu trong lĩnh vực phát triển của trẻ tự kỷ ở các lứa tuổi, từ đó xây dựng kế hoạch can thiệp, tư vấn đặc biệt cho từng trẻ và gia đình.
+ Triển khai rộng rãi các test tâm lý: Vanderbilt, DBC, PEP-3, Balley, WISC.
+ Cập nhật, nâng cao chất lượng các hoạt động can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ theo hướng phát triển đi sâu vào các liệu pháp: PECS, ABA, TEACCH…
+ Trị liệu tâm lý: hành vi-nhận thức, trị liệu gia đình, trị liệu nhóm, hướng dẫn kỹ năng xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ.
+ Triển khai, mở rộng các nhóm và câu lạc bộ cha mẹ.
+ Đẩy mạnh công tác chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú (nhất là các bệnh nặng, bệnh mạn tính, bệnh ngoại khoa, ghép tạng,…).

Mục tiêu 2: Xây dựng khoa Tâm thần thành cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo về các vấn đề sức khoẻ tâm thần trẻ em có tính chất chuyên sâu.
– Kết nối, phát triển mạng lưới hoạt động về lĩnh vực tự kỷ và các rối loạn phát triển khác giữa Bệnh viện Nhi TW, các Bệnh viện địa phương và các trung tâm can thiệp trên toàn miền Bắc. Trong đó, khoa Tâm thần là địa chỉ tin cậy, đóng vai trò chủ chốt giúp trẻ tự kỷ và gia đình tiếp cận được các dịch vụ cần thiết, phù hợp.
– Nghiên cứu tâm lý trẻ em và vị thành niên, tâm lý trẻ nằm viện.
– Tiến hành thực hiện các đề tài về rối loạn tâm thần, tâm lý của trẻ em ở cộng đồng và trường học.
– Có những bài báo đăng ở tạp chí chuyên ngành và quốc tế.
– Là cơ sở thực hành cho sinh viên Y khoa, sinh viên tâm lý học. Phối hợp với các trường đại học trong và ngoài nước (Đại học Y, các cơ sở đào tạo tâm lý học, sinh viên quốc tế, tình nguyện viên…). Cùng BS Bộ môn nhi xây dựng chương trình đào tạo chuyên khoa tâm thần nhi.

Mục tiêu 3: Phát triển công tác chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế.

– Xây dựng và phát triển các đơn vị tâm lý vệ tinh ở các bệnh viện Nhi, Sản-Nhi các tỉnh miền Bắc và miền Trung (Nghệ an, Thanh hoá, Hải phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Bắc giang, Lào cai, Tuyên quang, Vĩnh Phúc…).
– Cán bộ: Dựa vào đội ngũ cán bộ của khoa và của Viện NCSKTE.
– Nguồn lực: Kết hợp với các chương trình phát triển chung của Bệnh viện Nhi TW; Trung tâm chỉ đạo tuyến; Bệnh viện Nhi, Sản – Nhi các tỉnh; sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em