Sau khi trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ, hầu hết cha mẹ của các bệnh nhi này phải trải qua quãng thời gian khó khăn vượt qua áp lực tâm lý. Với sự hỗ trợ của phòng Công tác xã hội, các gia đình có con mắc chứng rối loạn tự kỷ có được sự san sẻ hiệu quả về tinh thần. Khi được hướng dẫn tỉ mỉ các thông tin chính sách, hỗ trợ tâm lý, tình cảm… sẽ giúp cha mẹ bệnh nhi vơi đi gánh nặng chăm sóc người bệnh, chặng đường đưa trẻ tự kỷ trở lại cuộc sống bình thường bớt chông gai. Đây chính là một phần trọng trách của các cán bộ công tác xã hội tại bệnh viện
Một trong những áp lực đè nặng lên vai họ là thách thức về các khoản chi phí liên quan đến chăm sóc, giáo dục trẻ. Ngoài ra, họ còn phải đương đầu với việc kiểm soát những hành vi không phù hợp xuất hiện ở trẻ tự kỷ.
Trẻ mắc tự kỷ có khiếm khuyết về mặt giao tiếp. Chính vì vậy, cha mẹ có trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ chịu rất nhiều căng thẳng. Chăm sóc một người gặp khó khăn thậm chí không có khả năng biểu đạt những gì mình muốn là vô cùng vất vả. Trẻ em RLPTK không thể diễn đạt những nhu cầu hay mong muốn cơ bản như là đói bụng, khát nước, đau đớn một cách thông thường, mà thể hiện điều đó bằng cách thức riêng biệt như khóc lóc, ăn vạ, tự đánh mình…, và cha mẹ buộc phải hiểu rõ những điều đó để đáp ứng và giáo dục trẻ. Thêm vào đó, trẻ có rối loạn phổ tự kỷ thường có những diến biến tâm lý bất thường. Sự tăng động, dễ mất tập trung, bột phát của trẻ cản trở sinh hoạt và học tập của trẻ và khiến cha mẹ phải giám sát con nhiều hơn, phòng ngừa an toàn nhiều hơn. Cha mẹ và người chăm sóc còn phải dành nhiều thời gian cho con do trẻ không có khả năng tự chơi và tuân thủ đúng quy tắc.
Tại bệnh viện Nhi Trung ương, phòng CTXH có vai trò như “ cầu nối giữa người bệnh với các nguồn lựa hỗ trợ sẵn có” trong và ngoài bệnh viện. Sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa việc điều trị, chăm sóc sức khoẻ thể chất và chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho các bệnh nhi luôn là mục tiêu mà Bệnh viện Nhi Trung ương hướng tới. Trong vai trò là cầu nối, phòng CTXH đã góp phần kiện toàn dịch vụ y tế tại bệnh viện, đem lại hiệu quả toàn diện hơn trong chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân đồng thời san sẻ phần nào gánh nặng chăm sóc trẻ mắc bệnh với gia đình người bệnh. Trẻ em mắc rối loạn tự kỷ nằm trong nhóm trẻ cần có sự chăm sóc chuyên biệt. Do đó, mỗi trường hợp bệnh nhi cần giúp đỡ đều được cán bộ phòng CTXH xác định được các vấn đề khó khăn của bệnh nhân và gia đình như tâm lý, tình cảm; các thông tin, nhu cầu đáp ứng về chính sách và thủ tục… thì sẽ giúp họ vơi đi những gánh nặng này. Chính vì thế, nhân viên CTXH trở thành thành viên của nhóm điều trị, cung cấp thông tin, tư vấn giúp nhóm điều trị hiểu được các vấn đề của bệnh nhân.
Gia đình là nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình can thiệp và hỗ trợ trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ cũng cần có sự quan tâm, sẻ chia của cả xã hội nói chung bao gồm các nhân viên y tế, các nhà hoạch định chính sách… Nâng cao nhận thức về trẻ RLPTK để có sự cảm thông, chia sẻ và phối hợp trong việc ứng xử, giáo dục trẻ RLPTK.
Với định hướng phát triển bệnh viện trở thành Bệnh viện mang tầm đẳng cấp quốc tế, bên cạnh hoạt động khám, chữa bệnh, mở rộng hoạt động CTXH luôn là vấn đề mà Bệnh viện Nhi Trung ương quan tâm phát triển. Mỗi cán bộ làm công tác xã hội tại Bệnh viện được tin tưởng và kỳ vọng luôn phát huy những kết quả đã đạt được trong gần 15 năm xây dựng, đồng thời tiếp thu những luồng kiến thức mới, kỹ năng mới để triển khai CTXH toàn diện, đồng bộ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu phù hợp giúp nâng tầm CTXH tại bệnh viện Nhi Trung ương.