Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Cứu cánh tay bị hoại tử cho bé trai sinh non mắc hội chứng chèn ép khoang

Cứu cánh tay bị hoại tử cho bé trai sinh non mắc hội chứng chèn ép khoang

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa phẫu thuật và điều trị bảo tồn thành công cánh tay bị hoại tử cho bé trai sơ sinh mắc hội chứng chèn ép khoang.

Bệnh nhi là cháu V.A.T (30 ngày tuổi, ở Tuyên Quang), sinh non 33 tuần, nặng 1,9 kg, vào Trung tâm sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 14/4 trong tình trạng suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh, rối loạn đông máu, kèm theo cánh tay trái sưng, phù, đỏ tím, có những mảng da màu đen có dấu hiệu hoại tử. Qua thăm khám, bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng chèn ép khoang cánh cẳng tay trái.

Bệnh nhi với cánh tay tím đen, có dấu hiệu hoại tử khi mới nhập viện

Bác sĩ CKII Lê Thị Hà – Giám đốc Trung tâm sơ sinh cho biết, hội chứng chèn ép khoang là hiện tượng tăng áp lực mô mềm trong khoang kín, dẫn tới thiếu máu mô. Hội chứng này chủ yếu gặp ở chi, đặc biệt là cẳng tay và cẳng chân. Nguyên nhân có thể do chấn thương, tổn thương nghiền nát, đụng dập nặng, chảy máu do rối loạn đông máu… Chèn ép khoang làm tắc dòng chảy động mạch nuôi dưỡng phần chi thể phía dưới đoạn chèn ép và nếu không được xử lý kịp thời có thể gây hoại tử cơ, tổn thương thần kinh mạch máu, nhiễm trùng, phải cắt cụt chi thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Hà, trường hợp bé V.A.T rất khó có thể điều trị bảo tồn để giữ lại cánh tay với các biện pháp điều trị nội khoa, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám và hội chẩn đánh giá các tổn thương, trẻ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để giải phóng chèn ép.

Ngày 16/4, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở khoang cánh, cẳng tay, giải phóng động mạch bị chèn ép cho bệnh nhi.

Là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi, Ths.Bs CKII  Lê Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi cho biết, do động mạch của trẻ rất nhỏ, các tổ chức xung quanh phù nề nhiều nên quá trình phẫu thuật rất khó khăn. Trong mổ các bác sĩ phát hiện có vết rách của động mạch cánh tay đoạn ở khuỷu tay, êkíp phẫu thuật đã tiến hành khâu lại vết rách của động mạch.

Sau phẫu thuật, bàn tay trẻ hồng dần, tình trạng tưới máu đoạn dưới được cải thiện. Trẻ tiếp tục được chăm sóc tích cực tại Trung tâm sơ sinh.

Hình ảnh cánh tay bệnh nhi sau khi được phẫu thuật thành công

Sau hơn 3 tuần, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi cải thiện rõ rệt: trẻ tỉnh, tự thở, cánh tay trái có thể cử động và màu sắc da dần trở về bình thường. Ngày 15/5, tình trạng bệnh nhi ổn định, được ra viện, tuy nhiên các bác sĩ cho biết trẻ cần khám lại và tập phục hồi chức năng theo hướng dẫn.

Vy Hiếu

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em