Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu sống bé gái 2 tuổi có nguy cơ tử vong do viêm tụy cấp nặng kèm theo nang giả tụy.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi tại BV Nhi Trung ương
Cháu Nông T.L. (2 tuổi, ở Hà Nội) vào bệnh viện Nhi Trung ương ngày 19/3 vì nôn, chướng bụng và quấy khóc nhiều ngày thứ 2 của bệnh. Bs Nguyễn Văn Ngoan – phó khoa Tiêu hóa – cho biết, qua thăm khám lâm sàng và làm xét nghiệm máu, siêu âm bụng, bệnh nhân được chẩn đoán viêm tụy cấp thể thông thường. Trẻ được điều trị bằng nhịn ăn đường miệng, hút dịch dạ dày định giờ qua sonde để làm trống dạ dày, nuôi đường tĩnh mạch hoàn toàn, kết hợp dùng thuốc giảm tiết và kháng sinh.
Tuy được điều trị tích cực nhưng các dấu hiệu lâm sàng thuyên giảm chậm, men tụy vẫn tăng cao. Siêu âm kiểm tra sau 3 ngày phát hiện nang giả tụy, một biến chứng thường gặp của viêm tụy. Khối nang này có đường kính 22 mm tại đầu tụy và 30 mm ở đuôi tụy. Trong vòng 2 tuần tiếp theo, tuy hình ảnh siêu âm nhu mô tụy và ống tụy đã trở về bình thường nhưng kích thước nang vẫn tăng, men tụy tiếp tục tăng cao và lâm sàng không cải thiện. Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) mật tụy tại Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả MRI ghi nhận 2 khối nang lớn ở đầu tụy và đuôi tụy đường kính trên 50 mm và thông với nhau.
TS.BS Phạm Duy Hiền – Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật nội soi Nhi khoa Bệnh viện Nhi Trung ương – cho biết, trẻ bị viêm tụy cấp thường cần điều trị nội khoa ổn định rồi mới mổ nối nang-ruột sau 6-8 tuần. Thời gian này là cần thiết để thành nang đủ dày, đảm bảo an toàn cho miệng nối nang- ruột. Tuy nhiên trường hợp cháu L. nếu không can thiệp ngoại khoa kịp thời thì khối nang quá lớn có thể gây biến chứng nguy hiểm như tắc ruột do chèn ép, chảy máu trong nang do vỡ phình mạch trong nang, vỡ nang, bội nhiễm gây áp-xe nang. Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ khoa Tiêu hóa và khoa Ngoại thống nhất mổ cấp cứu bệnh nhi để dẫn lưu nang và làm giảm áp lực đường mật.
Ngày 6/4, kíp mô do TS.BS Phạm Duy Hiền phụ trách đã tiến hành phẫu thuật nối nang tụy với một quai ruột non và dẫn lưu túi mật. Sau mổ, tình trạng của bệnh nhi cải thiện tốt, trẻ ăn uống và đi ngoài bình thường, men tụy không còn cao nữa.
Bác sĩ Phạm Duy Hiền cho biết, nang giả tụy là sự tích tụ dịch xung quanh tuyến tụy. Đây là dịch dò rỉ từ ống tụy bị tổn thương, rất giàu amylase và các enzym khác của tuyến tụy. Nang giả tụy thường xuất hiện sau viêm tụy cấp tính hay mạn tính hoặc sau chấn thương. Gọi là nang giả vì vách nang không có lớp lót biểu mô như ở nang tụy thực thụ.
Khánh Chi