Trang chủ » Tài liệu chuyên môn » Dị tật bẩm sinh khe hở môi và khe hở vòm miệng (phần 1)

Dị tật bẩm sinh khe hở môi và khe hở vòm miệng (phần 1)

Khe hở môi vòm là một bệnh phổ biến ở Việt Nam cũng như các nước Châu Á mà dân gian hay gọi là sứt môi- hở hàm ếch.

Phần 1: Chăm sóc trẻ trước phẫu thuật

Khe hở môi vòm là một bệnh phổ biến ở Việt Nam cũng như các nước Châu Á mà dân gian hay gọi là sứt môi- hở hàm ếch. Căn bệnh này có tần suất mắc khá cao: khoảng 500-600 trẻ đẻ ra có một trẻ mắc. Việc điều trị hiện nay có rất nhiều tiến bộ. Nếu bé sinh ra được tư vấn, điều trị đúng đắn, đúng thời điểm thì sẽ không để lại bất cứ một di chứng gì.

Dang 1

Hình ảnh về khe hở vòm miệng 2 bên (ảnh trên) và hở 1 bên (ảnh dưới)

Về nguyên nhân gây bệnh

Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra như di truyền, môi trường. Mẹ dùng thuốc, nhiễm hóa chất , nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai…

Về thời điểm mắc bệnh:

Do rối loạn quá trình giáp dính của các nụ mặt, nụ mũi, nụ hàm trên…mà tạo ra khe hở môi từ tuần thứ  6 đến tuần thứ 8 và tạo ra khe hở vòm miệng từ tuần thứ  9 đến tuần thứ 10 của thai kì. Trên siêu âm có thể phát hiện ra khe hở môi từ tuần thứ 20.

Chăm sóc và điều trị khe hở môi-vòm miệng từ giai đoạn sơ sinh đến tuổi trưởng thành

Quá trình chăm sóc và điều trị cần bắt đầu từ khi trẻ ra đời và cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa bao gồm: nhi khoa, dinh dưỡng, tai mũi họng, răng hàm mặt, chuyên gia ngôn ngữ , chuyên gia tâm lý và quan trọng nhất là sự kiên nhẫn của cha mẹ và người thân.

Thời kỳ sơ sinh

Vấn đề cho bú: trước khi phẫu thuật vấn đề khó khăn nhất của bà mẹ là cho con bú. Hầu hết các trẻ khe hở môi vòm miệng đều không bú mẹ được và cũng không bú được bằng bình sữa thông thường. Do đó trẻ cần bình sữa chuyên dụng. Sữa ăn có thể là sữa mẹ vắt ra hoặc sữa công thức. Các mẹ cần lưu ý là trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn và mất sức hơn để đạt được cùng một lượng sữa so với trẻ bình thường. Số lần mẹ cho bé bú cần nhiều hơn, thời gian cho một lần không quá dài( nên dưới 15 phút) để tránh làm bé kiệt sức.

Sut moi 3(01)

 

Bình sữa medela dành riêng cho trẻ cố khe hở môi vòm miệng

Chỉnh hình trước phẫu thuật:

Bé cần được bác sĩ răng hàm mặt điều trị chỉnh hình trước phẫu thuật trong các trường hợp sau:

Khe hở môi, vòm miệng toàn bộ rộng

Mấu tiền hàm nhô ra trước( với khe hở môi vòm 2 bên)

Cánh mũi, trụ mũi xẹp, biến dạng nhiều

Bé bú được ít và hay sặc trớ

Lưỡi của trẻ luôn đưa vào trong khe hở

Bác sĩ sẽ làm cho bé một khí cụ chuyên biệt vừa khít với miệng và được cố định nhờ sự ôm khít với vòm miệng cứng, ngách tiền đình và các băng dính dán 2 bên má. Khí cụ này có những vai trò sau:

Giúp bé bú mút dễ dàng do tạo áp lực âm trong khoang miệng . Khí cụ ngăn sự thông thương giữa khoang mũi và khoang miệng nên giảm sự sặc sữa.

Khí cụ giúp thu hẹp độ rộng của khe hở môi, khe hở cung hàm, khe hở vòm từ 20- 35%

Chỉnh hình nâng cao , làm tròn cánh mũi, dựng thẳng trụ mũi .

Đẩy khối tiền hàm vào trong ( với khe hở môi vòm 2 bên)

Ngăn lưỡi không chui vào khe hở, không làm khe hở rộng thêm

Kéo dài phần môi bị ngắn , tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phẫu thuật

Việc điều trị chỉnh hình có thể bắt đầu từ 2 ngày tuổi nếu trẻ khỏe, giúp cho bé được nuôi dưỡng tốt và chuẩn bị tiền đề tốt nhất cho phẫu thuật

Sut moi 4(01)

Trước chỉnh hình lúc 1 tháng tuổi

Sut moi 5(01)

Đeo khí cụ chỉnh hình trước phẫu thuật

Sut moi 7(01)

5 ngày sau phẫu thuật tạo hình môi

Sau khi ra đời và tình trạng cho phép vận chuyển, hãy bế con bạn đến các bác sĩ nhi khoa và răng hàm mặt để được loại trừ các bệnh toàn thân, tư vấn chế độ dinh dưỡng, cách cho ăn và điều trị chỉnh hình trước phẫu thuật.

Bé ăn bao nhiêu là đủ

Với các trẻ bình thường, các mẹ luôn yên tâm với 1 câu quen thuộc “ bú mẹ theo nhu cầu “ nhưng với trẻ khe hở môi- vòm miệng, phải cho bé ăn bao nhiêu để đảm bảo nhu cầu năng lượng luôn là điều băn khoăn trong các gia đình .

Trong 1 tuần đầu, bạn hãy theo bảng sau

Cân nặng Ngày 1 Ngày 2 Ngày 3 Ngày 4 Ngày 5 Ngày 6 Ngày 7
<320 g 70ml 140 210 280 350 420 490
>320g  80ml 160 240 320 400 480 560

 

Trên một tuần tuổi: hãy gặp các bác sĩ dinh dưỡng  nhi để tư vấn cho con bạn số lượng sữa cần đạt theo nhu cầu năng lượng.Đây là số lượng sữa lý tưởng để giúp bé tăng cân.  Bạn chia tổng số lượng sữa này ra từ 10 đến 12 bữa cho bé. Nếu bé được quá ít so với  lượng này và bé chưa đủ điều kiện để gặp bác sĩ chỉnh hình trước phẫu thuật, cần hỗ trợ thêm bằng ăn qua sonde.

Ngoài vấn đề dinh dưỡng, bố mẹ cần đảm bảo chăm sóc trẻ trong một điều kiện tốt nhất như

-Giữ vệ sinh: vệ sinh da-mắt-rốn. Vệ sinh bình sữa và dụng cụ hút sữa

-Giữ ấm

-Tiêm phòng

-Tránh các môi trường lây nhiễm

Thạc sĩ-bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan 

Khoa Tạo hình-Sọ mặt 

Bệnh viện Nhi Trung Ương 

Chuyên mục: Tài liệu chuyên môn

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em