Đó là nhận định của PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư với PV Báo Thanh tra về những diễn biến của dịch sởi.
PGS.TS. Lê Thanh Hải cho biết, tại thời điểm hiện nay (trung tuần tháng 5), dịch sởi đang có dấu hiệu tạm lắng xuống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn bùng phát trở lại nếu không được triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiêm phòng, tích cực điều trị, phòng dịch, tăng sức đề kháng cho các cháu.
+ Hiện, dịch sởi đang có nhiều biến cố phức tạp, xin ông vui lòng cho biết kết quả tiếp nhận, điều trị các bệnh nhi mắc bệnh sởi tại BV?
– BV Nhi T.Ư tiếp nhận ca nhi mắc sới đầu tiên vào cuối tháng 12/2013 và đến cuối tháng 2, đầu tháng 3/2014, dịch sởi bùng phát. Vào thời điểm giữa tháng 4/2014, mỗi ngày BV tiếp nhận và điều trị cho khoảng 30 – 40 ca nhi mắc sởi. Từ đầu tháng 5/2014, mỗi ngày BV tiếp nhận 10 – 15 ca. Tuy số ca mắc mới có chiều hướng giảm, nhưng số ca mắc sởi nặng lại gia tăng. Mặc dù BV đã ưu tiên công tác khám, chữa trị cho bệnh nhân mắc sởi, song do là tuyến cuối, thường tiếp nhận những ca nặng chuyển từ tuyến dưới về nên số ca tử vong khá cao.
+ Ngành Y nói chung và BV Nhi T.Ư nói riêng cần làm gì để dập dịch trong thời điểm hiện nay và lâu dài, thưa ông?
– Sởi là bệnh rất nguy hiểm, dễ lây lan, để lại nhiều di chứng, đặc biệt là trẻ em dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng. Để dập dịch trong thời điểm hiện nay, ngành Y cũng như BV Nhi T.Ư tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp khống chế dịch như: Cách ly, điều trị sớm, điều trị đúng phác đồ… hỗ trợ và phối hợp tốt giữa các tuyến… Về lâu dài, phải bảo đảm tiêm chủng đầy đủ, đúng độ tuổi, vệ sinh môi trường tốt, quản lý và điều trị kịp thời những bệnh nhân mắc sởi.
Các ca nhi mắc sởi đang được điều trị tại khoa cấp cứu chống độc của BV Nhi T.Ư. Ảnh: TQ
+ Một số bệnh nhân đã được tiêm phòng 2 mũi, nhưng vẫn bị sởi, ông có bình luận nào về những trường hợp này?
– Đối với các trường hợp này hiện Viện Vệ sinh Dịch tễ đang làm đánh giá. Theo tôi, có thể là do cơ địa của cá thể đó khi tiêm vắc xin; hoặc tiêm lúc đang bị sốt; hoặc do chất lượng vắc xin, dây chuyền bảo quản…
+ Trước những diễn biến phức tạp của dịch sởi, ông có khuyến cáo nào đến các bậc phụ huynh có con nhỏ?
– Theo tôi, phương pháp hiệu quả nhất, an toàn nhất vẫn là tiêm chủng sởi. Tiêm chủng không chỉ giúp cho bản thân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan cho cả cộng đồng. Phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng vào lúc trẻ được 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc trẻ được 18 tháng tuổi.
Nếu trẻ có những biểu hiện nghi ngờ như sốt, ho, viêm kết mạc và nổi hồng ban từ chân tóc xuống mặt rồi lan ra toàn thân thì cần phải nghi ngờ, đặc biệt là nếu cháu bé có tiếp xúc trước đó với bệnh nhân sởi. Cần phải đưa bé tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và theo dõi kịp thời nhằm hạn chế phần nào những biến chứng đáng sợ của sởi.
+ Xin trân trọng cảm ơn!
Sởi có thể để lại các biến chứng như: Viêm phổi (là nguyên nhân thường gặp nhất gây tử vong ở trẻ nhỏ); viêm tai giữa (nếu không điều trị kịp thời có thể gât điếc vĩnh viễn); viêm loét giác mạc; tiêu chảy; viêm não (ít gặp nhưng gây tử vong và di chứng cao); viêm não xơ hóa bán cấp…
( Theo http://thanhtra.com.vn 0