Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Đồng hành cùng gia đình hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển toàn diện

Đồng hành cùng gia đình hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển toàn diện

Đối với trẻ rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ chính là bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng, thầy cô giáo và bạn bè của con. Cha mẹ là người tiếp xúc với trẻ hàng ngày, hiểu từng thói quen, sở thích của trẻ, là sợi dây kết nối trẻ với thế giới bên ngoài. Có thể nói, cha mẹ chính là nhân tố quan trọng nhất giúp trẻ tự kỷ nâng cao chất lượng cuộc sống, sớm hoà nhập với cộng động và có một tương lai tốt đẹp.

Hưởng ứng “Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ” (2/4 hàng năm), với mong muốn mang lại những thông tin hữu ích cho cha mẹ về cách chăm sóc và hỗ trợ trẻ tự kỷ phát triển toàn diện, đồng thời kết nối các gia đình, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm giúp trẻ vượt qua các giai đoạn khó khăn, Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức buổi Họp mặt thường niên cho các gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ vào ngày 26/3 vừa qua.

Phát biểu tại Buổi gặp mặt, TS.BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương gửi lời cảm ơn các nhà tài trợ, các y bác sĩ, chuyên gia tâm lý của Khoa Tâm thần và đặc biệt là các cha mẹ đã luôn kiên trì, đồng hành cùng các con. Đồng thời, Ông cho biết: “Bệnh viện Nhi Trung ương cam kết sẽ hỗ trợ trẻ và gia đình tối đa, đầu tư thêm các trang thiết bị và trong thời gian tới sẽ có cơ sở mới của khoa Tâm thần phục vụ công tác khám bệnh, đánh giá, điều trị ngoại trú, nội trú để mang lại cho trẻ chất lượng điều trị tốt nhất”.

TS.BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương phát biểu khai mạc chương trình

ThS.BS CKII Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ về ý nghĩa Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ

Trong thời gian gần đây, cụm từ “rối loạn phổ tự kỷ” không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên khi nói tới tự kỷ, chủ yếu cha mẹ sẽ nghĩ đến can thiệp ngôn ngữ, quản lý hành vi hay tăng nhận thức cho trẻ, mà quên đi rằng muốn dạy được con, hỗ trợ được con hoà nhập với cộng đồng, điều đầu tiên cha mẹ phải cần chú ý đó là sức khoẻ của trẻ: làm thế nào để giúp con phát triển các kỹ năng vận động, xử trí thế nào khi con bị rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ? Đây là những vấn đề thường gặp hàng ngày ở trẻ nhưng lại dễ bị cha mẹ bỏ qua. 

Kỹ năng vận động – “Cột mốc” quan trọng trong sự phát triển của trẻ

Sự phát triển của vận động đánh dấu sự trưởng thành của trẻ không chỉ về vận động mà còn về tâm lý. Thông qua chuyển động, trẻ sẽ thực hiện được nhiệm vụ sinh tồn cơ bản, đặt nền tảng cho quá trình phát triển tâm lý,  kỹ năng xã hội và ngôn ngữ,…

Trong bài “Phát triển kỹ năng vận động cho trẻ tự kỷ”, ThS Mai Thị Xuân Thu và Điều dưỡng Trần Thị Thanh Tâm đã hướng dẫn cha mẹ các trò chơi giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động thông qua hình ảnh, video sống động, để cha mẹ dễ dàng thực hành cùng trẻ tại nhà.

Hoạt động vận động thô: 

  • Tăng sức mạnh của cơ: Bê, vác, kéo, đẩy đồ vật
  • Nhận biết trái – phải, trước – sau, trong ngoài: Chuyền bóng theo các hướng; Ném túi hạt vào vòng đặt ở các hướng, khoảng cách khác nhau; Nhặt bóng từ bên trái sang phải;….
  • Đi, chạy nhảy và giữ thăng bằng,…
  • Phối hợp vận động hai bên: Bò, trườn lên xuống cầu thang; đá, bắt, ném, chuyền bóng; đi xe đạp,..

Hoạt động vận động tinh: Cầm, vo véo, ấn, nhặt, kéo; Xoay/vặn, đóng/mở nắp; Xé giấy, cắt, dán hình, xâu hình; Cài – cởi cúc áo; Buộc/cởi- tết dây; Lắp ghép, xếp hình; Tô – vẽ, viết.

Chuyên gia cũng khuyến cáo “Cha mẹ không nên vì nghĩ là nguy hiểm hay sợ bẩn mà cấm con, cha mẹ nên ở bên cạnh hỗ trợ con, tận dụng mọi hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày để con vừa chơi, vừa học, qua đó giúp con được trải nghiệm và phát triển”.

50% – 90% trẻ tự kỷ có rối loạn ăn uống, cao gấp 15 lần trẻ bình thường

Đây là thông tin được đưa ra trong bài trình bày của Bác sĩ Nguyễn Hoài Anh, Điều dưỡng Nguyễn Thị Duyên, Cán bộ tâm lý Nguyễn Thị Thanh Tâm về “Rối loạn ăn uống ở trẻ tự kỷ” với các biểu hiện: ăn kén chọn; rối loạn nhai nuốt; ăn bậy; ăn quá nhiều; chán ăn tâm thần, ăn vô độ với các trẻ lớn; có các hành vi không mong muốn: thói quen ăn cố định, từ chối ăn, la hét, ném đồ,…Điều này sẽ dẫn tới các căng thẳng trong gia đình, khó khăn cho trẻ khi tham gia các hoạt động xã hội và gây ra các rối loạn cơ thể cho trẻ. Tại đây, các chuyên gia cũng đã chỉ ra nguyên nhân và hướng dẫn cha mẹ các phương pháp can thiệp phù hợp với từng biểu hiện để mang lại hiệu quả tốt nhất cho trẻ. 

Các bác sĩ cùng nhau đóng tiểu phẩm vui giúp cha mẹ dễ hiểu hơn về chứng rối loạn ăn uống ở trẻ

Hơn 80% trẻ tự kỷ có các vấn đề về giấc ngủ, 50% – 80% rối loạn giấc ngủ

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên rất nhiều trẻ tự kỷ có vấn đề về giấc ngủ như: Khó vào giấc ngủ, phải có người chăm sóc trong giấc ngủ, chống đối trước khi ngủ, thời gian ngủ ngắn, thức giấc vào ban đêm, mệt mỏi khi thức dậy,…Và có các rối loạn giấc ngủ như: Rối loạn mất ngủ, rối loạn xuất hiện trong giấc ngủ (ác mộng, hoảng sợ, mộng du), rối loạn hô hấp, vận động liên quan đến ngủ. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. 

Trong bài báo cáo về “Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ”, ThS.BS Nguyễn Thị Phương Mai và ThS.BS Nguyễn Thị Anh Thoa đã đưa ra 8 chiến lược giúp cha mẹ Quản lý rối loạn giấc ngủ của trẻ tự kỷ: Quản lý và điều trị các bệnh lý thực thể; dược lý; lên lịch trình thức ngủ cho trẻ; thiết lập thói quen ngủ đều đặn; tạo môi trường ngủ thoải mái và nhất quán; cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày; tạo thói quen ăn uống tốt trước khi đi ngủ; huấn luyện trẻ ngủ một mình.

Buổi họp mặt trở nên gần gũi hơn khi các cha mẹ cùng nhau chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đồng hành cùng con hay niềm vui khi thấy con tiến bộ từng ngày, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về cách hỗ trợ trẻ, việc sử dụng thuốc và nhận được những câu trả lời tỉ mỉ từ các chuyên gia.

Nhiều cha mẹ tham gia chia sẻ, hỏi đáp với chuyên gia để hiểu hơn các giải pháp chăm sóc con

Kết thúc buổi gặp mặt là những phút giây lắng đọng khi cả hội trường được nghe Bác sĩ Thành Ngọc Minh đọc những câu chuyện trong cuốn sách “Đánh thức ban mai” do Nguyễn Thị Việt Hà ghi chép và biên soạn kể về hành trình của cha mẹ cùng với con cái chiến đấu lại chứng tự kỷ. Chúng tôi tin rằng với tình yêu, sự kiên nhẫn, kiên trì của cha mẹ và sự nỗ lực điều trị của các y bác sĩ Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ tự kỷ sẽ được hỗ trợ và chăm sóc toàn diện, sớm hòa nhập với cuộc sống và có một tương lai tốt đẹp hơn phía trước.

Thu Hương – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Khoa Tâm thần + Phạm Thao

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em