Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Gia đình – Vai trò then chốt trong điều trị can thiệp trẻ tự kỷ

Gia đình – Vai trò then chốt trong điều trị can thiệp trẻ tự kỷ

Trong điều trị can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ, gia đình đóng vai trò rất quan trọng, việc trẻ tự kỷ có tiến bộ hay không phần lớn phụ thuộc vào cách chăm sóc của gia đình. Tuy nhiên, sự hiểu biết về cách chăm sóc trẻ tự kỷ của nhiều phụ huynh hiện nay vẫn còn hạn chế. Nhiều cha mẹ có tâm lý không chấp nhận con mình mắc tự kỷ, giấu bệnh của con nên không cho trẻ đi khám hoặc đưa trẻ đến khám muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn

Hình 1: Gia đình đóng vai trò quyết định tới sự tiến bộ của trẻ tự kỷ vì gia đình là những người hiểu trẻ nhất, có thời gian bên trẻ mỗi ngày (Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet)

1. Vai trò của gia đình trong điều trị tự kỷ ở trẻ

  • Gia đình là nhân tố rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ, mọi thành viên trong gia đình đều tiếp xúc với trẻ hàng ngày, kích thích sự phát triển về mọi mặt của trẻ, nhất là ngôn ngữ và kỹ năng nhận biết về môi trường xung quanh. Gia đình là nơi hiểu trẻ nhất, đặc biệt là những nhu cầu riêng biệt của trẻ. Những thành viên trong gia đình chính là người đầu tiên có thể tạo cơ hội giúp trẻ hình thành các quan hệ xã hội, là hình mẫu cho trẻ về cách ứng xử. Cách sống và cách tổ chức cuộc sống trong gia đình tốt sẽ khuyến khích, nuôi dưỡng sự phát triển những tính cách tích cực ở trẻ.
  • Quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung, việc phối hợp giữa cha mẹ và giáo viên là vô cùng quan trọng. Đối với trẻ em rối loạn phổ tự kỷ, sự tham gia của cha mẹ vào quá trình can thiệp và giáo dục các con ngày càng quan trọng hơn và ngày càng được đề cao hơn. Không thể phủ nhận được vai trò của cha mẹ trong việc cung cấp những thông tin về trẻ tại môi trường gia đình và cộng đồng, cũng không thể phủ nhận vai trò của cha mẹ trong can thiệp sớm và xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ như khâu phát hiện điểm mạnh, nhu cầu của trẻ, đặt mục tiêu, lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch…

Hình 2: Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong can thiệp sớm và xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ tự kỷ (Ảnh minh hoạ – Nguồn: Internet)

  • Việc quản lý hành vi của trẻ là vấn đề khó khăn vì trẻ tăng động, không thích học, chỉ luôn làm theo ý thích của mình. Do vậy, cha mẹ nên lưu ý phải hiểu ý muốn của trẻ mà gợi ý cho trẻ tự bộc lộ ra bằng lời hoặc bằng cử chỉ. Hiểu lý do trẻ ăn vạ để tránh lặp lại tình huống gây ăn vạ, lờ đi khi trẻ ăn vạ, nói không với hành vi sai hoặc phạt bằng cách cho ngồi một chỗ, chuyển những hoạt động tự do quá khích của trẻ sang những hoạt động có mục đích như cất dọn đồ chơi, làm các việc vặt, đá bóng, đạp xe,… Cho trẻ làm những việc dễ thực hiện rồi tăng dần độ khó, luôn khen ngợi trẻ mỗi khi có cố gắng, biết trẻ thích thứ gì để lấy đó làm phần thưởng nhằm khuyến khích trẻ thực hiện một nhiệm vụ.
  • Với trẻ lớn cần có chương trình dạy trẻ phát triển toàn diện được tiến hành ở nhà cũng như ở trường: Dạy trẻ về nhận thức, hoạt động thích ứng, tăng cường sự chú ý, hoạt động cảm giác, vận động, ngôn ngữ, trí nhớ, tổ chức, học tập, kỹ năng xã hội, kỹ năng không gian thị giác và hoạt động chung nhằm giúp trẻ thích nghi cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

2. Hướng dẫn cha mẹ điều trị can thiệp sớm tại nhà

Hiện chưa có thuốc chữa khỏi tự kỷ mà chỉ có thuốc điều trị rối loạn đi kèm như tăng động, hung tính, động kinh,…Phương pháp thường áp dụng để chữa tự kỷ ở trẻ là giáo dục can thiệp. Việc cha mẹ nắm vững các kỹ năng cơ bản để dạy trẻ tự kỷ tại nhà không chỉ giúp các cán bộ y tế thúc đẩy tiến độ của việc điều trị, mà còn tiết kiệm được thời gian và chi phí trong quá trình can thiệp:

  • Chơi và dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi. Ít nhất 3 giờ/ngày;
  • Đi lớp, hạn chế xem tivi;
  • Gọi tên, nhìn mắt, nhìn theo tay chỉ, gây sự chú ý của trẻ, tạo nhu cầu cho trẻ;
  • Dạy trẻ chỉ ngón trỏ vào bộ phận cơ thể, đồ vật, tranh ảnh;
  • Dạy cử chỉ giao tiếp: chào, ạ, xin, bắt tay, hoan hô,…
  • Dạy cách chơi đồ chơi và chơi với người khác: chi chi chành chành, ú oà, kiến bò,…
  • Bắt chước các động tác môi miệng, nét mặt, tiếng kêu con vật, đồ vật, từ đơn giản;
  • Nói ngắn, rõ, nhấn mạnh từ chính kèm theo cử chỉ, điệu bộ, tranh ảnh, đồ vật;
  • Giao tiếp bằng tranh để đổi lấy thứ trẻ cần (PECS);
  • Sai trẻ làm việc đơn giản, thực hiện mệnh lệnh;
  • Vận động tinh: xếp, ghép, vẽ tô, xâu, cắm, xé, cắt dán,…
  • Vận động thô: đi bộ, bò, lăn, nhảy, trượt, thể dục, đạp xe, lăn bóng, …
  • Kích thích cảm giác khác nhau vào da, cơ, khớp: mát xa, chải, xoa bóp, ép khớp…
  • Tự tập xúc ăn, cầm cốc, đi vệ sinh, mặc quần áo, đi dép, …
  • Khuyến khích trẻ chơi cùng trẻ khác;
  • Dứt khoát hành vi sai, lờ đi khi trẻ ăn vạ;
  • Luôn khuyến khích, động viên, khen ngợi với tiến bộ dù là nhỏ nhất của trẻ.

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em