Trong lúc đi đá bóng với bạn, cháu Nguyễn Minh Phúc (15 tuổi, Nghệ An) không may bị một cái gai bưởi đâm vào ngón chân cái. Mảnh dị vật nhỏ xíu đã được cháu rút ra ngay lúc đó nhưng không ngờ lại chính là nguyên nhân khiến Phúc phải điều trị 45 ngày trong bệnh viện do mắc uốn ván rất nặng.
Sự cố xảy đến ngày 15/04. Bác sĩ Lê Thị Yên, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp điều trị cho cháu Phúc cho biết, đây là một trong số các trường hợp mà diễn biến của bệnh rất nhanh. 8 ngày sau tai nạn cháu Phúc bỗng nhiên mỏi 2 vai, đau lưng, vết gai đâm có mủ, cứng quai hàm. Cháu được điều trị tại các bệnh viện địa phương trong 2 ngày với chẩn đoán mắc uốn ván nặng. Sau đó, bệnh nhi được chỉ định chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương khi đã rơi vào tình trạng co cứng hàm, co giật trên nền co cứng. Như vậy, từ khi dẫm vào gai bưởi đến khi khởi phát bệnh chỉ kéo dài hơn 1 tuần và chỉ 1 ngày sau tình trạng của bệnh nhi đã tiến triển ở mức độ rất nặng.
Vị trí gai đâm
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu Phúc được các bác sĩ khẩn trương mở khí quản cấp cứu. Theo phác đồ, cháu được chỉ định điều trị bằng an thần liều cao đường tĩnh mạch và bơm xông dạ dày. May mắn, sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, bé Phúc đã thoát cơn nguy kịch. Bé cai được máy thở, sức khỏe tiến triển tốt.
Dị vật là chiếc gai-thủ phạm gây ra bệnh uốn ván
Đường lây truyền và cách phòng bệnh uốn ván
Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm-Trưởng khoa Truyền Nhiễm, uốn ván là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên bởi trực khuẩn Clostridium tetani và ngoại độc tố hướng thần kinh của nó. Nguồn lây bệnh chủ yếu là đất, phân người và súc vật có chứa nha bào uốn ván. Bệnh thường lây qua da và những tổn thương từ kích cỡ rất nhỏ và kín đáo ở niêm mạc như vết kim tiêm, gai đâm, ngoáy tai, xỉa răng đến các vết thương to, rộng, nhiều ngóc ngách. Thậm chí đôi khi có thể gặp sau phẫu thuật, nạo thai, cắt rốn v.v… với các dụng cụ bị ô nhiễm nha bào uốn ván.
Bệnh nhi mắc uốn ván có biểu hiện một trạng thái co cứng cơ liên tục và có những cơn giật cứng. Khởi đầu là co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, thân mình và tứ chi.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, uốn ván là bệnh không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vacxin đều có thể bị bệnh.
Theo các bác sĩ, đối với trẻ em, cách phòng bệnh uốn ván hiệu quả nhất là tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh. Hiện “Chương trình tiêm chủng mở rộng” đã có vaccin 5 trong 1 (phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan b và viêm phổi, viêm não Hib) cho trẻ từ 2 – 4 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm 3 mũi, mũi đầu tiên từ tháng thứ 2, mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Sau đó, từ 5 – 10 năm tiêm nhắc lại một liều.
Với người lớn, trong sinh hoạt và trong lao động cần tránh không để tổn thương, nhất là các loại tổn thương sâu, kín, bẩn như giẫm phải đinh, gai, chấn thương phần mềm. Vệ sinh môi trường sạch sẽ như nạo vét các chất thải, chất bùn, khơi thông cống rãnh để tránh ứ đọng không cho vi khuẩn và nha bào uốn ván phát triển…
Trong trường hợp bị tổn thương do dị vật đâm vào cơ thể, cần:
-Xử lý ngay vết thương bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương (như bùn, đất, cát, mảnh sành, đinh, gai…)
-Rửa vết thương bằng xà phòng nhiều lần, sát khuẩn bằng dung dịch như cồn 70 độ, ôxy già hoặc dung dịch bêtadin….
-Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tiêm kháng huyết thanh chống vi khuẩn uốn ván và điều trị theo phác đồ.
Lưu ý: không nên băng kín vết thương lâu ngày, thường xuyên vệ sinh và sát khuẩn vết thương.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Lê Mai