Tháng 7/2011, Bộ Y tế đã ban hành Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2015 sẽ xây dựng thí điểm 4 mô hình trong các bệnh viện tuyến trung ương, 6 mô hình trong các bệnh viện tuyến tỉnh. Đến 2020 triển khai tại 80% bệnh viện tuyến trung ương, 60% bệnh viện tuyến tỉnh, 30% bệnh viện tuyến huyện và 40% số xã, phường. Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong hai bệnh viện được chọn để triển khai mô hình điểm công tác xã hội, từ đó xây dựng mô hình công tác xã hội thực sự hoàn chỉnh để nhân rộng tại các bệnh viện trong cả nước.
Ths Trần Minh Tân – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Ths Dương Thị Minh Thu – Trưởng phòng Công tác xã hội lắng nghe những ý kiến đóng góp tại cuộc họp
Nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện tiến tới sẽ là một thành viên trong nhóm điều trị người bệnh, có nhiệm vụ tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, phương pháp chữa trị thích hợp trên cơ sở thu thập thông tin về điều kiện sống, thói quen, cá tính, đặc điểm tâm lý của bệnh nhân. Nhân viên công tác xã hội còn thực hiện các trợ giúp về tâm lý đối với người bệnh như trấn an, giảm áp lực, tư vấn về điều trị… đồng thời có thể tham mưu về kế hoạch xuất viện của bệnh nhân và theo dõi bệnh nhân sau khi ra viện…
Cuộc họp “Góp ý hoàn thiện mô hình thí điểm phòng Công tác xã hội” là cơ hội để mọi người đóng góp ý kiến, đưa Công tác xã hội trong bệnh viện ngày 1 lớn mạnh hơn.
TS Bùi Đức Hậu – Phụ trách khoa Ngoại đóng góp ý kiến để hoàn thiện mô hình thí điểm phòng Công tác xã hội
Hiện Phòng Công tác Xã hội bệnh viện Nhi Trung ương đang hoạt động với 5 mảng hoạt động: hỗ trợ bệnh nhân và nhân viên y tế, hoạt động gây quỹ, tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng và hỗ trợ cộng đồng, đào tạo và huấn luyện. Phòng đã giúp đỡ và chia sẻ với những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện; trợ giúp các y, bác sỹ giải thích cho gia đình người bệnh nhằm làm cho gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám và điều trị; theo dõi, chăm sóc quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người bệnh và gia đình trong các trường hợp bệnh hiểm nghèo.
Thực hiện thành công Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011-2020 sẽ góp phần đáng kể cải thiện năng lực của hệ thống Y tế Việt Nam, góp phần vào công cuộc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.