Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Hóc hạt lạc khiến 03 trẻ suy hô hấp nặng do bít tắc đường thở

Hóc hạt lạc khiến 03 trẻ suy hô hấp nặng do bít tắc đường thở

Hóc dị vật vào đường thở là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Vừa qua, trong 03 ngày liên tiếp từ 7/1 - 9/1/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 03 trẻ từ 17 - 21 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp vì bị hóc hạt lạc tại nhà.

Sự chủ quan của người lớn và sự hiếu động của trẻ nhỏ khiến 03 trẻ hóc hạt lạc phải nhập viện cấp cứu

Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất trong chùm ca bệnh vừa qua là bé N.M K (17 tháng, nam, Bắc Ninh). Bé được bố cho ăn lạc rang, sau đó bị sặc và tím tái, thiếu oxy với hội chứng xâm nhập rất rõ. Ngay lúc ấy, bé được đưa đi sơ cứu ở Trung tâm y tế huyện và được đặt nội khí quản chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 8/1.

Sau khi thực hiện thăm khám, bác sĩ Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành nội soi phế quản phát hiện 1/2 hạt lạc tại khí quản, chiếm gần hết khẩu kính đường thở. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để phá hạt lạc thành nhiều mảnh nhỏ, và lấy được hết dị vật ra ngoài (bình thường các ca gắp dị vật thường chỉ mất vài phút).

Hình ảnh hạt lạc mắc trong phế quản và được gắp ra ngoài sau khi phá thành nhiều mảnh nhỏ

Tiếp đó, trường hợp bé gái N.N.M.C (21 tháng, Nam Định) được mẹ cho ăn kẹo lạc khi đang đi xe máy, sau đó con bị sặc, ho, khó thở, tím tái. Gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, được đặt nội khí quản và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Với ca này hạt lạc có kích thước nhỏ hơn, nên các bác sĩ tiến hành gắp dị vật nhanh chóng. Sau đó trẻ được chuyển về Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, tiếp tục thở máy trong 2 ngày. Đến ngày 11/1 trẻ sức khỏe ổn định và dần hồi phục.

Bác sĩ Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện nội soi phế quản

Riêng trường hợp bệnh nhi N.P.M (21 tháng, Bắc Giang), trẻ bị mắc dị vật hạt lạc hơn một tuần qua ở phế quản gốc bên phải, gây viêm và tổ chức sùi che lấp dị vật, khiến việc tiếp cận lấy dị vật rất khó khăn. Vì vậy, hiện tại bác sĩ Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đang tiến hành điều trị nội khoa để giải quyết tình trạng viêm và nội soi gắp dị vật sau vài ngày.

Chị H.A mẹ bé N.P.M chia sẻ: “Hôm đó con có ăn 3,4 hạt lạc liên tục, sau đó bị hóc, gia đình có móc họng lấy ra được 1 ít nên nghĩ là hết rồi, mấy ngày sau bé vẫn chơi bình thường, nhưng ăn uống ít đi, ho nhiều, mỗi khi khóc là khó thở. Rồi ngày tiếp theo bé sốt cao 39, 40 độ không hạ, tôi có đưa con đi phòng khám rồi đi bệnh viện huyện, các bác sĩ cũng kê đơn thuốc rồi điều trị nhưng không đỡ nên chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Thương cháu lắm, còn bé tí, chỉ vì chủ quan của bố mẹ mà giờ phải nằm viện thế này. Mong các bố mẹ khác hãy rút kinh nghiệm và để ý con mình hơn”.

Khuyến cáo của bác sĩ

“Cho trẻ nhỏ ăn lạc nếu không cẩn thận bị hóc sẽ gây bít tắc đường thở, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Lạc là loại hạt có dầu, ngoài việc gây tắc đường thở, suy hô hấp còn có thể gây viêm đường thở do dầu lạc. 3 bệnh nhi chúng tôi vừa tiếp nhận những ngày qua đều có tình trạng khó thở, tím tái, viêm phổi với tổn thương lan tỏa, nhiễm trùng tăng cao. Rất may là trẻ được cấp cứu kịp thời” – ThS. BS Phùng Đăng Việt – Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết

ThS. BS Phùng Đăng Việt – Trưởng Khoa Khám và Thăm dò Hô hấp – Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đang khám cho bệnh nhi hóc dị vật

ThS. BS Phùng Đăng Việt cũng khuyến cáo thêm, Tết Nguyên đán sắp tới, truyền thống của Tết là ăn các loại hạt hướng dương, đậu tương, hạt bí,… phụ huynh cũng cần lưu ý để xa tầm tay của trẻ và giám sát chặt chẽ khi con ăn, tránh xảy ra những trưởng hợp đáng tiếc. Cũng không nên bắt ép trẻ ăn khi đang khóc hoặc để trẻ cười đùa trong khi ăn uống.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh mất bình tĩnh để nhận định trẻ bị hóc dị vật đường thở, thiếu kiến thức về xử trí sơ cứu nên có thể cố gắng lấy tay hoặc các vật khác đưa vào miệng trẻ để móc dị vật ra: có thể làm dị vật xuống sâu hơn, hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ.

Để đề phòng biến chứng nguy hiểm do hóc hạt, các phụ huynh khi thấy trẻ ho, khò khè kéo dài thì nên đưa trẻ đi khám. Trong trường hợp ho sặc rồi bị hóc, nếu không biết sơ cứu thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Trà My – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em