Trang chủ » Hoạt động Bệnh viện » Hỏi đáp về Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS

Hỏi đáp về Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS

Tổ chức y tế Thế giới (WHO) giải đáp một số thắc mắc thường gặp về Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS. Thông tin cập nhật ngày 12/6.

Tổ chức y tế Thế giới (WHO) giải đáp một số thắc mắc thường gặp về Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS. Thông tin cập nhật ngày 12/6.

MERS là gì?

MERS (Middle East Respiratory Syndrome) hay Hội chứng hô hấp Trung Đông là căn bệnh đường hô hấp do virus corona (gọi tắt là MERS-CoV) gây ra. Bệnh được phát hiện lần đầu tại Ả rập Saudi năm 2012. Corona là một họ lớn gồm nhiều virus gây các bệnh khác nhau, từ cảm cúm thông thường tới Hội chứng SARS.

MERS xuất hiện ở những quốc gia nào?

25 quốc gia sau đây đã ghi nhận các trường hợp MERS:

– Trung Đông: Iran, Jordan, Kuwait, Lebanon, Oman, Qatar, Ả rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Yemen

– Châu Âu: Pháp, Đức, Hy lạp. Italy, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh

– Châu Phi: Algeria, Tunisia và Ai Cập.

– Châu Á: Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia

– Châu Mỹ: Mỹ

– Châu Úc: Australia.

Phần lớn các trường hợp xuất hiện tại Ả rập Saudi.

Các biểu hiện của MERS, hội chứng này trầm trọng tới mức nào?

Các trường hợp MERS điển hình thường có biểu hiện sốt, ho và/hoặc khó thởl; có thể phát hiện viêm phổi khi thăm khám. Người bệnh có thể có biểu hiện ở đường tiêu hóa, ví dụ như tiêu chảy. Trường hợp nặng có thể có suy hô hấp, bệnh nhân cần thở máy và điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu. Một số bệnh nhân bị suy tạng, hay gặp nhất là suy thận, hoặc sốc nhiễm trùng. Bệnh thường trầm trọng hơn ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu, người có tuổi và người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.

Một người có thể nhiễm virus MERS mà không có biểu hiện bệnh không?

Có. Đã ghi nhận những trường hợp nhiễm bệnh mà không có triệu chứng. Những người này cho kết quả dương tính với MERS-CoV khi được làm xét nghiệm kiểm tra trong thời gian theo dõi, do có tiếp xúc với bệnh nhân MERS trước đó. Do các biểu hiện ban đầu của bệnh thường không đặc hiệu nên việc phát hiện bệnh sớm còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tất cả nhân viên y tế cần áp dụng các biện pháp thực hành kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm tại nơi xảy ra dịch bệnh.

Bệnh lan truyền thế nào? 

Truyền từ động vật sang người

Các nhà khoa học còn chưa hiểu rõ vì sao con người lại nhiễm MERS-CoV, một loại virus gây bệnh ở động vật. Người ta cho rằng con người có thể nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với lạc đà nhiễm bệnh tại Trung Đông. Đã phân lập được các chủng MERS-CoV ở lạc đà tại một số quốc gia, trong đó có Ai Cập, Oman, Qatar và Ả rập Saudi.

Truyền từ người sang người

Virus không lan truyền dễ dàng từ người sang người, trừ khi có tiếp xúc gần, ví dụ như khi chăm sóc bệnh nhân MERS mà không áp dụng các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt. Cách lan truyền này thường gặp ở các thành viên trong gia đình, ở bệnh nhân và nhân viên y tế. Phần lớn trường hợp truyền từ người sang người xảy ra tại các cơ sở y tế.

Virus MERS-CoV có lây lan không?

Có, nhưng chỉ ở mức độ hạn chế. Virus không lây lan dễ dàng từ người sang người, trừ khi có tiếp xúc gần, như khi chăm sóc bệnh nhân mà không được bảo vệ. Đã có những ổ dịch tại các cơ sở y tế, nơi virus lan truyền hiệu quả hơn từ người sang người, nhất là khi việc thực hành kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm không được áp dụng triệt để. Cho tới nay, chưa ghi nhận sự lan truyền bền vững từ người sang người.

Nguồn virus MERS- CoV là dơi, lạc đà và gia súc?

Hiện còn chưa rõ nguồn virus MERS-CoV. Một loại virus corona rất giống với loại được tìm thấy ở người đã được phân lập trên lạc đà tại Ai Cập, Oman, Qatar và Ả Rập Saudi. Có thể tồn tại những ổ chứa virus khác. Tuy nhiên, các động vật khác như dê, bò, cừu, trâu, thiên nga và các loài chim hoang dã đã được thử nghiệm và cho kết quả âm tính với MERS-CoV. Những nghiên cứu này củng cố quan điểm cho rằng lạc đà là nguồn lây bệnh cho người.

Có cần tránh tiếp xúc với lạc đà và các sản phẩm từ lạc đà? Việc thăm quan trang trại và các khu chợ có an toàn không?

Tại các quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng bởi virus MERS-CoV, người đến thăm các trang trại, các khu chợ hoặc bất kỳ nơi nào có lạc đà đều phải áp dụng các biện pháp vệ sinh chung, bao gồm rửa tay thường xuyên trước và sau khi chạm vào lạc đà, tránh tiếp xúc với lạc đà bệnh.

Việc sử dụng thực phẩm sống hoặc chưa nấu kỹ từ lạc đà, bao gồm sữa và thịt, đi kèm nguy cơ cao lây nhiễm nhiều loại vi trùng gây bệnh ở người. Thực phẩm được xử lý đúng cách thông qua nấu chín hoặc tiệt trùng có thể sử dụng an toàn, nhưng cần bảo quản cẩn thận để tránh lây nhiễm chéo với thực phẩm sống. Thịt và sữa lạc đà là sản phẩm giàu chất dinh dưỡng, có thể tiếp tục sử dụng sau khi nấu chín, tiệt trùng hay xử lý nhiệt.

Cho tới khi có thêm hiểu biết mới về MERS, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, suy thận và bệnh phổi mạn tính, cũng như bệnh nhân suy giảm miễn dịch được coi là có nguy cơ nhiễm trùng MERS thể nặng. Tại Trung Đông, những người này cần tránh tiếp xúc với lạc đà, không uống sữa lạc đà chưa nấu chín, không uống nước tiểu lạc đà hoặc ăn thịt lạc đà chưa nấu kỹ.

Các trang trại lạc đà và nhân viên giết thịt làm việc tại các vùng nhiễm bệnh cần áp dụng các biện pháp về sinh, bao gồm rửa tay thường xuyên sau khi chạm vào con vật, đeo khẩu trang và mặc áo quần bảo hộ. Các đồ dùng này cần được tháo bỏ và giặt sạch sau mỗi ngày làm việc. Các nhân viên này cần tránh không để thành viên trong gia đình tiếp xúc với áo quần, giầy dép hay vật dụng bẩn có thể đã tiếp xúc với lạc đà hoặc phân lạc đà. Không được giết thịt lạc đà bệnh để ăn. Tất cả mọi người cần tránh tiếp xúc trực tiếp với lạc đà được xác nhận nhiễm MERS – CoV.

Có vắc xin phòng MERS-CoV chưa? Điều trị bệnh thế nào?

Hiện chưa có vắc xin hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Việc điều trị vẫn mang tính hỗ trợ và dựa trên đặc điểm lâm sàng của người bệnh.

Các nhân viên y tế có nguy cơ nhiễm MERS-CoV không?

Có. Việc lây lan của MERS-CoV đã xuất hiện ở các cơ sở y tế tại một số quốc gia, trong đó nhân viên y tế bị lây bệnh từ bệnh nhân. Các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm là yếu tố then chốt giúp ngăn ngừa khả năng MERS- CoV lây lan trong các cơ sở y tế. Nơi chăm sóc bệnh nhân nghi hoặc được xác nhận nhiễm MERS-CoV cần áp dụng các biện pháp thích hợp để giảm thiểu nguy cơ lan truyền virus từ người bệnh sang các bệnh nhân khác, sang nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. 

Nhân viên y tế cần được tập huấn và cập nhật kỹ năng kiểm soát và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm:

– Do khó phát hiện sớm người nhiễm MERS- CoV, nhân viên y tế cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn khi tiếp xúc với mọi bệnh nhân.
– Phòng ngừa qua giọt bắn cần được bổ sung khi chăm sóc bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp cấp.
– Phòng ngừa lây truyền qua tiếp xúc và qua mắt cần được bổ sung khi chăm sóc bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã được xác nhận nhiễm MERS-CoV.
– Phòng ngừa lây truyền qua không khí cần được áp dụng khi thực hiện các thủ thuật khí dung.

                                    

 Bs Trần Thu Thủy

Chuyên mục: Hoạt động Bệnh viện, Hội thảo - Hội nghị

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em