Ngày 11/12, Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp - Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức Hội thảo Dị ứng - Miễn dịch - Khớp Nhi khoa 2021. Hội nghị chia sẻ nội dung phong phú và chuyên sâu về kiến thức, cũng như thực hành lâm sàng, cập nhật mới phác đồ chẩn đoán, điều trị và quản lý các bệnh lý miễn dịch- dị ứng ở trẻ em nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 vẫn đang diễn ra phức tạp.
Tỉ lệ các bệnh rối loạn miễn dịch và dị ứng ở trẻ em nước ta ngày càng tăng, các biểu hiện lâm sàng bệnh dị ứng rất đa dạng, việc tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân ban đầu, giúp phát hiện, điều trị, kiểm soát các bệnh nhân tại các tuyến cơ sở kịp thời và chính xác hơn. Hội nghị với chủ đề: “Cập nhật những kiến thức mới về chăm sóc điều trị trẻ em mắc bệnh miễn dịch dị ứng khớp trong thời kỳ Covid – 19” sẽ đem lại những thông tin hữu ích cho y bác sĩ cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Các bệnh dị ứng không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động thông thường mà còn có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu như không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đại dịch Covid – 19 diễn ra trong hơn 2 năm vừa qua đã làm thay đổi nhiều đến mô hình bệnh tật, cách thức khám chữa bệnh, công tác y học dự phòng, vì thế cần thay đổi và bổ sung những cập nhật mới về kiến thức, phác đồ, điều trị phù hợp cho các bệnh miễn dich, dị ứng trẻ em”.
Là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, PGS. TS Lê Minh Hương – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Chi hội Miễn dịch – Dị ứng Nhi khoa trình bày bài báo cáo: “Hen liên quan covid 19: chăm sóc điều trị cho bệnh nhân hen trong thời kỳ covid ra sao”. Bài báo cáo nhấn mạnh hen chưa kiểm soát, giảm chức năng hô hấp có tăng nguy cơ khởi phát cơn hen cấp khi nhiễm covid -19. Do đó, các bệnh nhân hen cần được kiểm soát tốt để nhiễm covid không làm bệnh nặng hơn, các bác sĩ nên áp dụng điều trị dự phòng đầy đủ, cùng bệnh nhân chuẩn bị trước các kế hoạch hành động, cho bệnh nhân biết cách nhận biết bệnh hen đang diễn biến xấu, cách để tăng thuốc cắt cơn, thuốc kiểm soát cơn hen và khi nào nên tìm kiếm sự giúp đỡ y tế. PGS. TS Lê Minh Hương cũng khẳng định bệnh nhân hen hoàn toàn không có điều gì đáng lo lắng khi tiêm vắc xin covid – 19.
Tiếp theo buổi Hội thảo, BS. Chu Chí Hiếu – Trưởng phòng Dị nguyên – TT Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng – Bệnh viện Bạch Mai trình bày báo cáo: “Dị ứng vắc xin covid: tiếp cận và xử trí” với nội dung chuyên sâu về: Các thành phần dị nguyên gây dị ứng của các vắc xin covid 19, cơ chế gây dị ứng vắc xin covid 19; Hướng dẫn làm test da cho các bệnh nhân dị ứng vắc xin này, từ đó đưa ra khuyến cáo về tiêm phòng vắc xin covid cho đối tượng dị ứng. Đồng thời, báo cáo cũng thảo luận trường hợp nào nên làm test dị ứng cho bệnh nhân trẻ em và làm test với thành phần như thế nào. Các bệnh nhân test lẩy da với vắc xin covid-19 ở bệnh viện khác có thực sự dị ứng vắc xin, chống chỉ dịnh tiêm vắc xin hay không.
Về phía Bệnh viện Nhi Trung ương, TS. BS Lê Quỳnh Chi – Trưởng khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương với bài báo cáo “Hội chứng đáp ứng viêm hệ thống và tăng viêm trẻ em liên quan covid – 19” đã cung cấp toàn diện kiến thức về cơ chế gây hiện tượng hyperinflammation và hội chứng đáp ứng viêm hệ thống gây tổn thương các cơ quan do cơn bão cytoikine ở các trẻ em liên quan với nhiễm covid 19. Vấn đề mới do cơ chế gì, được điều trị bởi các thuốc điều hòa miễn dịch ra sao, theo dõi các biến chứng bệnh.
Cũng trong buổi Hội thảo, TS. BS Nguyễn Thị Vân Anh – Phó trưởng khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trình bày báo cáo “Suy giảm miễn dịch bẩm sinh: tiếp cận bệnh nhân giảm số lượng và chất lượng bạch cầu trung tính”. Từ trước tới nay chúng ta đã quen thuộc với bệnh nhân giảm số lượng bạch cầu, tuy nhiên nhiều trường hợp còn bị bỏ sót chẩn đoán, phát hiện rất muộn khi đã có biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, chúng ta còn được tiếp cận một nhóm bệnh mới được chẩn đoán tại Việt Nam là nhóm giảm chức năng bạch cầu trung tính, trong đó điển hình là bệnh U hạt mãn tính và bệnh bất thường bám dính bạch cầu. Nhóm bệnh này nếu chúng ta để ý tới thì có thể phát hiện sớm để điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
Cuối cùng là bài báo cáo “Hen phế quản và ngừng thở khi ngủ ở trẻ em” của ThS. BS Nguyễn Ngọc Quỳnh Lê – Khoa Miễn dịch – Dị ứng – Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh lý ngừng thở khi ngủ còn ít được quan tâm tới, trong khi đó, thực tế cho thấy ngừng thở khi ngủ có thể gặp ở 30-50 % bệnh nhân hen phế quản và có thể gây giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Hen. Bài báo cáo khẳng định phát hiện ngừng thở khi ngủ và điều trị OSA có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát hen.
Những nội dung trao đổi của các chuyên gia tại Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Buổi Hội thảo diễn ra sôi nổi, nhiều câu hỏi được đưa ra thảo luận và giải đáp giúp các bác sĩ có thêm nhiều kiến thức trong chẩn đoán, điều trị dự phòng, điều trị trực tiếp và quản lý bệnh nhi mắc các bệnh miễn dịch, dị ứng, nhất là trong bối cảnh Covid – 19 ngày càng phức tạp.
Trà My – Phòng Truyền thông & CSKH
Ảnh: Lê Hiếu