Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Hướng dẫn cha mẹ những điều cần biết khi đưa trẻ đi tiêm chủng

Hướng dẫn cha mẹ những điều cần biết khi đưa trẻ đi tiêm chủng

Tiêm chủng là biện pháp có hiệu quả nhất đồng thời cũng là biện pháp an toàn để cơ thể trẻ phát triển bình thường, chống lại các bệnh truyền nhiễm thường gặp.

Vì sao bé yêu cần được tiêm chủng?

Từ lúc chào đời, hệ miễn dịch của bé vẫn còn non nớt và chưa phát triển toàn diện, nên bé có thể mắc một số bệnh mà người lớn có thể vượt qua.

Vắc-xin phát huy tác dụng qua việc tạo một lượng Protein (kháng nguyên) của một số tác nhân gây bệnh, vừa đủ để kích thích cơ thể sản sinh kháng thể mà không gây nhiễm bệnh. Con bạn nhờ vậy sẽ có sức đề kháng tự nhiên cần thiết để tự bảo vệ khi tiếp xúc với các căn bệnh thực sự trong tương lai.

Tiêm chủng là biện pháp có hiệu quả nhất đồng thời cũng là biện pháp an toàn để cơ thể trẻ phát triển bình thường, chống lại các bệnh truyền nhiễm thường gặp.

Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho bé trước khi đi tiêm chủng?

Để chuẩn bị tốt nhất cho bé khi đi tiêm chủng, cha mẹ cần lưu ý một số nội dung sau:

  1. Kiểm tra tình trạng sức khoẻ của bé

Để bé có được mũi tiêm chủng an toàn, cha mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khoẻ của bé cho nhân viên y tế:

– Trong 3 ngày gần đây bé có sốt hay không?

– Nếu là trẻ sơ sinh thì cân nặng lúc sinh có đủ 2,5 kg?

– Trẻ có đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính không?

– Trẻ đang bị viêm da mủ hoặc chàm ngoài da?

– Trẻ mắc một số bệnh mãn tính đang tiến triển như: lao phổi, viêm thận mạn tính…?

– Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên nhưng còn đang trong thời kỳ hồi phục?

Trong từng trường hợp cụ thể, bác sỹ sẽ xem xét tình trạng của trẻ và quyết định có nên tiêm chủng hay không.

  1. Mang theo sổ tiêm chủng hoặc phiếu tiêm chủng của bé

Sổ tiêm chủng và phiếu tiêm chủng vô cùng quan trọng và cần được giữ gìn cẩn thận. Các thông tin trong đó sẽ giúp bác sỹ tham vấn cha mẹ lựa chọn phương án chủng ngừa tối ưu cho trẻ như tiêm nhắc lại, tiêm bù các mũi bỏ sót, tiêm thêm những mũi còn thiếu..

  1. Ghi chú về các loại thuốc bé đang sử dụng hoặc đã từng sử dụng kéo dài trên 2 tuần

Một số loại thuốc khi sử dụng sẽ làm giảm hiệu quả của vắc xin, do đó đây cũng là thông tin quan trọng mà cha mẹ cần báo cho bác sỹ và nhân viên y tế.

  1. Ghi chú về các loại vắc xin, thuốc và thức ăn mà bé đã từng dị ứng trước đó

Cha mẹ bắt buộc phải thông báo cho bác sỹ và nhân viên y tế về các phản ứng dị ứng với một loại vắc xin mà bé từng có khi tiêm chủng. Đây là thông tin hết sức quan trọng nhằm hạn chế tối đa các phản ứng dị ứng có thể xảy ra sau khi tiêm.

 

CHĂM SÓC VÀ THEO DÕI SAU TIÊM CHỦNG TẠI NHÀ

Sau khi tiêm chủng trẻ sẽ được nhân viên y tế theo dõi tại điểm tiêm chủng trong vòng 30 phút đầu sau tiêm.

Cha mẹ cần tiếp tục chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà ít nhất trong vòng 24 giờ tiếp theo sau tiêm chủng.

  1. Chăm sóc trẻ:

– Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc uống thêm nhiều nước.

– Lau người và chườm mát cho trẻ nếu sốt nhẹ từ 37,5 độ C đến 38,5 độ C.

– Cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamon liều lượng 10mg – 15 mg/kg cân nặng mỗi 4-6 h nếu trẻ sốt trên 38,5  độ C.

– Chườm lạnh vị trí tiêm nếu có sưng đau.

KHÔNG NÊN:

– Hạ sốt bằng thuốc hạ sốt aspirin.

– Nặn chanh, đắp khoai tây lên nơi tiêm, kiêng tắm rửa vì dễ gây nhiễm trùng ở vị trí tiêm.

  1. Theo dõi trẻ

Sau khi tiêm chủng trẻ có thể có một số phản ứng sau:

– Sốt: trẻ có thể sốt nhẹ, đây là phản ứng bình thường của cơ thể với vắc xin và có thể hoàn toàn tự khỏi sau 1-2 ngày.

– Chỗ tiêm bị sưng đỏ và đau.

– Dị ứng: có thể là ban mề đay, ngứa toàn thân… phản ứng này thường xảy ra ở trẻ hay bị dị ứng, các biểu hiện dị ứng thường tự khỏi sau 1 vài ngày, nếu trẻ có biểu hiện khó chịu nhiều cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi.

– Một số phản ứng khác: trẻ quấy khóc; chán ăn, mất ngủ và dễ kích động…

 

Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:

–         Trẻ quấy khóc, bú kém… nhiều lên hoặc kéo dài trên 24 giờ.

–         Sốt cao trên 38,5 độ C, co giật, tím tái, khó thở.

–         Áp xe hoặc sưng đau nhiều tại vị trí tiêm.

 

Ths. Đặng Thị Thu Hương

Điều dưỡng phụ trách phòng Tư vấn tiêm chủng vắc-xin

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em