Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Hướng dẫn chăm sóc người bệnh có dẫn lưu não thất ra ngoài

Hướng dẫn chăm sóc người bệnh có dẫn lưu não thất ra ngoài

1. Hệ thống dẫn lưu não thất ra ngoài là gì?

Hệ thống dẫn lưu não thất ra ngoài (DLNTRN) là sử dụng một ống thông đặt vào não thất của người bệnh để theo dõi áp lực bằng thước đo đi kèm, đồng thời dẫn lưu dịch não tủy ra ngoài nhờ hệ thống dây dẫn, buồng chứa dịch có thước đo và túi chứa dịch. Hệ thống dẫn lưu dịch này hoạt động theo nguyên tắc bình thông nhau và cân bằng áp lực.

Vị trí đúng của Dẫn lưu não thât ra ngoài (ảnh minh họa)

  • Dịch não tủy (DNT) được tạo ra từ đám rối mạch mạc của não thất bên, khoảng 20ml/h và hấp thụ trở lại tĩnh mạch. DNT trong suốt, không màu bao quanh não và tủy sống, có chức năng: dinh dưỡng, đào thải và bảo vệ.
  • Chỉ định đặt DLNTRN: người bệnh bị tăng áp lực nội sọ, xuất huyết não, u não, chấn thương sọ não, não úng thủy, nhiễm trùng, dẫn lưu não thất ổ bụng thất bại.

2. Chăm sóc người bệnh có dẫn lưu não thất ra ngoài

Nhận định người bệnh

– Toàn trạng: cân nặng, thân nhiệt, da và niêm mạc

– Hô hấp: tần số thở, kiểu thở, các dấu hiệu gắng sức kèm theo (nếu có), màu sắc da, niêm mạc, độ bão hòa oxy

– Tuần hoàn : mạch, huyết áp, thời gian làm đầy mao mạch

– Thần kinh:

  • Đánh giá tri giác của trẻ theo thang điểm AVPU/Glasgow
  • Đánh giá kích thước và phản xạ của đồng tử
  • Phát hiện tư thế bất thường của trẻ

Dấu hiệu Tăng áp lực nội sọ (Áp lực nội sọ ≥ 20 mmHg): trẻ quấy khóc, khó chịu, tăng kích thước vòng đầu, thay đổi ý thức (li bì, hôn mê), đau đầu, buồn nôn/nôn, huyết áp tăng, mạch chậm, thay đổi thân nhiệt; đồng tử giãn, chậm/không phản xạ.

Nhận định Hệ thống dẫn lưu não thất ra ngoài

  • Vị trí của bộ chuyển đổi của Hệ thống DLNTRN ngang nắp bình tai khi nằm ngửa, giữa cung mày khi nằm nghiêng.
  • Trước khi di chuyển vì bất cứ lý do gì phải khóa hệ thống DLNTRN.
  • Theo dõi 1h- 4h/lần: số lượng dịch, màu sắc, tính chất dịch. Nếu ít/nhiều hơn 10-20ml so với giờ trước là bất thường.
  • Nghi ngờ tắc khi áp lực nội sọ không thay đổi, dịch không chảy được ra buồng chứa, dịch não tủy không dao động trong lòng dây dẫn.

Đường đi của dịch não tủy (ảnh minh họa)

Kế hoạch chăm sóc

– Kiểm soát tình trạng tăng áp lực nội sọ:

  • Theo dõi toàn trạng người bệnh (NB), tránh làm tăng áp lực nội sọ: tư thế đầu cao 30o, tránh làm đau/kích thích NB (chú ý quy trình hút, giảm thiểu tiếng ồn xung quanh).
  • Hệ thống DLNTRN: đúng vị trí, mở/đóng khóa xả dịch theo chỉ định của bác sĩ, đóng khóa khi di chuyển NB, tránh làm tắc/tuột dẫn lưu.

Theo dõi số lượng dịch (dưới 1 tuổi: không quá 110ml/24h; trên 1 tuổi: không quá 180ml/24h)

– Nguy cơ chảy máu, 24h ngay sau phẫu thuật: NB nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường bệnh, hỗ trợ thông khí cơ học sau phẫu thuật (nếu cần), sử dụng các thuốc an thần, giảm đau. Theo dõi chảy máu liên quan đến phẫu thuật.

– Nguy cơ nhiễm khuẩn

  • Các dấu hiệu toàn thân: sốt
  • Tại hệ thống DLNTRN: nhiễm trùng tại vị trí chân dẫn lưu, dịch não tủy có màu đục/trắng/vàng/đặc quánh
  • Rút dẫn lưu sớm nhất khi không cần theo dõi/điều trị, không quá 2 tuần -> băng ép sau rút
  • Thay băng vết mổ và chân dẫn lưu đúng quy trình
  • Xả túi dịch khi đầy ¾ hoặc hằng ngày (tốt nhất nên thay túi)

– Nguy cơ tổn thương não, rối loạn nước – điện giải liên quan đến thoát dịch: đóng/ mở đúng chỉ định; theo dõi số lượng dịch thoát; dấu hiệu mất nước, cân bằng dịch.

3. Các lưu ý khác

Thực hiện thay băng chân DLNTRN: NB có đặt DLNTRN sau mổ 24h, thay hằng ngày hoặc khi băng bị lỏng lẻo, bong tróc hoặc ẩm ướt.

Chú ý:

  • Theo dõi toàn trạng NB trong quá trình thay băng
  • Thay băng vết mổ (nếu có) trước khi thay băng dẫn lưu
  • Nếu NB kích thích/đau: có thể sử dụng thuốc giảm đau/an thần.

Tai biến và xử trí:

  • Nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng -> tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật
  • Nhiễm khuẩn chân dẫn lưu -> tuân thủ đúng quy trình, phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm khuẩn
  • Rò rỉ dịch ở chân dẫn lưu -> Băng ép và báo bác sĩ
  • Tuột hoặc đứt dẫn lưu -> báo bác sĩ

Khi thực hiện quy trình lấy dịch não tủy làm xét nghiệm qua hệ thống DLNTRN, chú ý:

  • Theo dõi toàn trạng NB trong quá trình làm thủ thuật.
  • Không dùng lực để hút trực tiếp dịch não tủy từ hệ thống dẫn lưu.

ĐD Bùi thị Thanh Hương – Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa
ĐD Nguyễn Thị Hương – Trung tâm Thần Kinh

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em