Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Hưởng ứng tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2023: Một số bệnh truyền nhiễm trẻ thường gặp vào mùa Xuân – Hè có thể phòng ngừa bằng vắc xin

Hưởng ứng tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2023: Một số bệnh truyền nhiễm trẻ thường gặp vào mùa Xuân – Hè có thể phòng ngừa bằng vắc xin

Hiện nay, thời tiết bước sang giai đoạn giao mùa Xuân – Hè, nhiệt độ trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao là yếu tố thuận lợi để các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển và hoạt động mạnh, trong đó có nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa,…Để phòng bệnh, trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ.

Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm

1. Cúm

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do vi rút cúm với triệu chứng chủ yếu là sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng và ho. Bệnh lây lan nhanh theo đường giọt bắn và không khí, dễ gây thành dịch. Biến chứng chủ yếu của cúm là viêm phổi hoặc bội nhiễm vi khuẩn.

Tiêm vắc xin phòng bệnh:

  • 6 tháng tuổi – dưới 9 tháng tuổi: năm đầu tiên tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, những năm sau mỗi năm 1 mũi
  • Từ 9 tuổi trở lên: một năm tiêm 1 lần

2. Sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây chủ yếu qua đường không khí, trẻ em bị bệnh gây suy giảm miễn dịch nên dễ biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng dẫn đến tử vong.

Tiêm vắc xin phòng bệnh:

  • 9 – 12 tháng tuổi: tiêm 1 mũi sởi đơn hoặc sởi – quai bị – rubella
  • Từ 12 tháng trở lên: tiêm 2 mũi sởi – quai bị – rubella cách nhau 4 năm

3. Quai bị

Đây là loại bệnh phổ biến lây qua đường không khí và giọt bắn với các biểu hiện như sưng tuyến nước bọt phía dưới và trước tai, gây ra các biến chứng viêm tinh hoàn/ buồng trứng, dẫn đến vô sinh, viêm não, viêm màng não, điếc…

Tiêm vắc xin phòng bệnh:

  • 9-12 tháng tuổi: tiêm 1 mũi sởi – quai bị – rubella
  • Từ 12 tháng trở lên: tiêm 2 mũi sởi – quai bị – rubella cách nhau 4 năm

4. Thuỷ đậu

Thủy đậu thường lây qua không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch từ mụn nước trên da; thủy đậu lây từ mẹ sang con trong lúc sinh (bằng các phương thức trên) gọi là thủy đậu bẩm sinh. Biến chứng như bội nhiễm nốt rạ để lại sẹo vĩnh viễn, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm não, gan, phổi.

Tiêm vắc xin phòng bệnh:

  • 1- đến 12 tuổi: tiêm 1 liều; trong trường hợp ưu tiên tiêm mũi 2 cách mũi 1 là 3 tháng hoặc hẹn tiêm mũi 2 lúc trẻ 4-6 tuổi
  • Từ 13 tuổi trở lên nếu chưa mắc thuỷ đậu: tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng

5. Tiêu chảy do Rota vi rút

Rota vi rút là nguyên nhân của khoảng 60% trẻ dưới 5 tuổi nhập viện vì viêm dạ dày ruột, tiêu chảy nặng. Trẻ mắc Rota vi rút thường biểu hiện sốt, nôn, tiêu chảy mất nước.

Uống vắc xin phòng bệnh:

Bắt đầu lúc 6 tuần tuổi, uống 2 liều hoặc 3 liều, các liều cách nhau 1 tháng. Tốt nhất liều đầu tiên nên uống trước 15 tuần tuổi và liều kết thúc trước 8 tháng tuổi.

Trẻ đang được uống vắc xin Rota tại Phòng Khám, Tư vấn Tiêm chủng – Bệnh viện Nhi Trung ương

6. Viêm não Nhật Bản

Do muỗi truyền, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi với biểu hiện nhiễm trùng thần kinh nặng. Bệnh diễn biến nguy kịch, có thể dẫn đến tử vong.

Tiêm vắc xin phòng bệnh: hiện có 2 loại vắc xin phòng viêm não Nhật bản đang sẵn có tại Việt Nam

  • Jevax (Tiêm chủng mở rộng): từ 12 tháng tuổi trở lên tiêm mũi 1 và mũi 2 cách nhau 2 tuần; Mũi 3 cách mũi 1 sau 1 năm, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ 15 tuổi.
  • Imojev: 9 tháng – dưới 18 tuổi tiêm 2 mũi cách nhau 1 năm; Từ 18 tuổi trở lên tiêm 1 mũi duy nhất.

7. Viêm màng não do não mô cầu

Là bệnh truyền nhiễm lây chủ yếu qua giọt bắn. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao (đến 50% ở trẻ em), những trường hợp qua khỏi vẫn phải chịu biến chứng như: tâm thần, điếc, liệt, động kinh,…

Lịch tiêm vắc xin não mô cầu liều cơ bản: hiện có 2 loại vắc xin phòng bệnh não mô cầu đang sẵn có tại Việt Nam

  • Vắc xin não mô cầu BC: từ 6 tháng trở lên, tiêm 2 mũi cách nhau 6 – 8 tuần
  • Vắc xin não mô cầu ACYW: Từ 9 – 24 tháng tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng; Từ 2 – 55 tuổi tiêm 1 mũi.

8. Viêm phổi, hội chứng nhiễm trùng, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa cấp tính do phế cầu khuẩn

Các bệnh kể trên mắc phải do phế cầu khuẩn gây nên là những bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, diễn biến nặng, nếu không điều trị kịp thời tỷ lệ tử vong cao.

Tiêm vắc xin phòng bệnh:

  • 6 tuần – 6 tháng tuổi:3 mũi cách nhau 1 tháng và 1 mũi nhắc lại cách mũi 3 tối thiểu 6 tháng
  • 7-11 tháng tuổi: 2 mũi cách nhau 1 tháng và 1 mũi nhắc lại khi trẻ hơn 1 tuổi, nhưng cách mũi 2 ít nhất 2 tháng
  • 1-5 tuổi: 2 mũi cách nhau tối thiểu 2 tháng, không cần tiêm nhắc

9. COVID-19

COVID-19 hiện tiếp tục được xếp là bệnh truyền nhiễm nhóm A và đang gây đại dịch trên toàn cầu. Tác nhân gây bệnh là Corona vi rút có tên là SARS-CoV-2 gây ra. Bệnh dễ lây truyền theo cả 3 phương thức là giọt bắn, không khí và tiếp xúc. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh và trở thành nguồn nhiễm.

Tiêm vắc xin phòng bệnh:

Hiện đang có vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên và người lớn với 2 liều cơ bản cách nhau từ 3 tuần đến 4 tuần (tuỳ loại vắc xin) và sau đó là liều bổ sung và liều nhắc lại.

Vì sức khoẻ của con em mình, cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và cả những vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Phòng Khám – Tư vấn tiêm chủng, Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp đa dạng các loại vắc xin từ người lớn tới trẻ em và phụ nữ mang thai. Đặc biệt, Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ và phòng khám chuyên khoa sâu, giúp khám, tư vấn, tiêm chủng cho những trẻ có bệnh lý đặc biệt.

Với phương châm “An toàn – Tin cậy – Chu đáo – Chuyên nghiệp – Hiện đại”, Phòng Khám, Tư vấn tiêm chủng, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn nỗ lực phục vụ khách hàng với dịch vụ tiện ích nhất: Đặt lịch online, nhắc lịch tiêm miễn phí, phục vụ 24/7 kể cả Thứ 7, Chủ nhật, các dịp Lễ, Tết,…

Địa chỉ liên hệ:

+ Tòa nhà B, 18/879 La Thành, Đống Đa, Hà Nội

+ Hotline tư vấn và CSKH: 0987.669.578/ 0965.997.227

TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn

Thu Hương – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Lê Hiếu – Phạm Thao

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em