Trang chủ » Hoạt động Bệnh viện » Khoa Tâm thần tổ chức buổi họp mặt gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ 2024 với chủ đề: Kỹ năng giao tiếp

Khoa Tâm thần tổ chức buổi họp mặt gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ 2024 với chủ đề: Kỹ năng giao tiếp

Hưởng ứng ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4), vào ngày 31/3 vừa qua, tại Hội trường J - Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Tâm thần đã tổ chức thành công buổi Họp mặt gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Tham dự chương trình có các cán bộ khoa Tâm thần, các chuyên gia, học viên cùng hơn 100 phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ. Đây là sự kiện quan trọng, được khoa tổ chức thường niên nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ tâm lý cho gia đình trẻ tự kỷ.

Họp mặt gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ là sự kiện được khoa tổ chức thường niên

Phát biểu khai mạc chương trình, ThS.BSCKII Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương gửi lời chúc sức khỏe và cảm ơn sâu sắc đến tất cả các bậc phụ huynh đã quan tâm và dành thời gian tham dự buổi họp mặt, chúc chương trình diễn ra thành công tốt đẹp. Đồng thời, nhấn mạnh gia đình có vai trò then chốt trong việc hỗ trợ và điều trị can thiệp cho trẻ tự kỷ, phải có sức khỏe và tâm lý vững vàng để yêu thương, thấu hiểu, nuôi dạy và đồng hành cùng con trên con đường hòa nhập.

ThS.BSCKII Thành Ngọc Minh cũng chỉ ra hiện trạng về tỷ lệ tự kỷ ở Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng rõ rệt, đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan y tế. Việc sàng lọc phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ có vai trò rất quan trọng. Vì vậy, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và Ban lãnh đạo Bệnh viện, các cán bộ khoa Tâm thần luôn chú trọng thực hiện đào tạo và chuyển giao các quy trình chẩn đoán, phương pháp điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới nhằm tránh tình trạng quá tải và giúp các trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, trợ giúp kịp thời.

ThS.BSCKII Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương phát biểu tại chương trình

Tại buổi họp mặt, ThS Nguyễn Minh Quyết  – Khoa Tâm thần chia sẻ: “Giao tiếp là kỹ năng vô cùng quan trọng và sẽ hỗ trợ các con rất nhiều trong cuộc sống. Đây cũng là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm và mong mỏi khi có con gặp các rối loạn phát triển. Gia đình luôn hy vọng và tìm kiếm phương pháp để giúp con có thể bật âm, có được lời nói, có thể giao tiếp được”. Và đúng với chủ đề của buổi Họp mặt gia đình trẻ rối loạn phổ tự kỷ năm 2024, các chuyên gia của khoa Tâm thần đã trình bày, chia sẻ các kiến thức về Kỹ năng giao tiếp, bao gồm các chủ đề:

  • Các giai đoạn giao tiếp sớm ở trẻ tự kỷ.
  • Các biện pháp thực hiện giao tiếp tăng cường và thay thế cho trẻ tự kỷ.
  • Các biện pháp hỗ trợ âm lời nói cho trẻ tự kỷ.

Các chuyên gia của khoa Tâm thần chia sẻ các kỹ năng, kiến thức cho phụ huynh

Phần chia sẻ đề cập đến nhiều kiến thức chuyên sâu, đưa ra các phương pháp bổ ích về hỗ trợ âm lời nói và giao tiếp cho trẻ. Phương pháp truyền tải được thể hiện một cách sinh động dưới dạng trình chiếu slide, video, tranh ảnh, diễn tình huống giả lập và sử dụng đồ dùng trực quan. Những chủ đề và nội dung đưa ra phù hợp thực tiễn, đánh đúng tâm lý nên được các phụ huynh chú ý theo dõi và hưởng ứng nhiệt tình.

Nhân dịp này, các phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ đã có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm và câu chuyện trong quá trình nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Bầu không khí của buổi họp mặt trở nên ấm cúng và mang hơi thở nhân văn nhờ những tiếng cười và cả những giọt nước mắt của sự thấu hiểu, yêu thương được lắng đọng qua những chia sẻ vô cùng chân thực và đầy cảm xúc của các bậc phụ huynh.

Buổi họp mặt còn là dịp để phụ huynh có con mắc tự kỷ được gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau

Bên cạnh đó, trong phần thảo luận và đặt câu hỏi, các chuyên gia đã giải đáp rất nhiều những thắc mắc mà phụ huynh đang gặp phải, như: Làm thế nào để quản lý hành vi thách thức của trẻ; Cách khiến trẻ chủ động giao tiếp; Phải làm sao khi con không tập trung, ít giao tiếp mắt; Con thứ nhất rối loạn phổ tự kỷ vậy nếu sinh thêm con thứ hai có tự kỷ không;…cùng rất nhiều những câu hỏi khác đã được các bác sĩ, chuyên gia khoa Tâm thần giải đáp rõ ràng và sâu sắc.

Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề Kỹ năng giao tiếp

Kết thúc chương trình, ThS.BSCKII Thành Ngọc Minh cho rằng: “Những nội dung vừa được các cán bộ Khoa trình bày mang tính chuyên sâu và có giá trị thực tiễn cao, nhưng để thực hành không đơn giản vì không có trẻ tự kỷ nào giống trẻ tự kỷ nào. Nếu 10 trẻ tự kỷ mà áp dụng cùng một phương pháp thì chắc chắn sẽ thất bại. Chúng ta phải đánh giá nhiều yếu tố: tuổi phát triển và khả năng của trẻ, hoàn cảnh gia đình, hiểu biết của cha mẹ, nguồn lực và sự đồng thuận trong gia đình,… để áp dụng phù hợp”

Nếu áp dụng những kỹ năng giao tiếp hiệu quả, chúng ta có thể giúp trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng xã hội và tạo ra một mối quan hệ tốt hơn với trẻ. Vì vậy, gia đình cần kết hợp cùng các chuyên gia: giáo viên, cán bộ y tế, nhà Tâm lý trong quá trình nuôi dạy và can thiệp cho con, giúp trẻ sớm tiến bộ và có một tương lai tươi sáng, tốt đẹp.

Khoa Tâm thần
Biên tập: Phòng Thông tin điện tử

Chuyên mục: Hoạt động Bệnh viện

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em