Trong vòng 1 tuần trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ từ hơn 1 tháng đến 6 tháng tuổi ngộ độc chì nặng. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc gia đình tin dùng thuốc cam chưa được cấp phép lưu hành với mong muốn con tăng cân, mau lớn. Trong số này, có cả trường hợp trẻ ngộ độc từ chính thuốc cam nhà tự sản xuất.
Hiểm họa rình rập từ chính gia đình
Bé gái Đinh Phương My (6 tháng tuổi, Hiệp Hòa-Bắc Giang) nhập viện ngày 27/01. Theo lời kể của gia đình, trước đó 3 ngày, người nhà đã pha loãng thuốc cam do gia đình tự chế để đánh tưa lưỡi cho bé My. Hai ngày sau, cháu bé bỗng trở nên xanh tái kèm theo co giật mắt trái và hai tay trong vòng một phút. Gia đình vội đưa con tới bệnh viện tư nhân, nhưng do tình trạng co giật của bé không thuyên giảm, gia đình đã chuyển con tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Tại đây, cháu My xuất hiện thêm 2 cơn giật toàn thân và nhanh chóng tiến triển thành hôn mê. Cháu được các bác sĩ bệnh viện Sản nhi Bắc Giang đặt ống nội khí quản và chuyển lên điều trị tiếp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Xét nghiệm định lượng chì trong máu của bé My tại bệnh viện Nhi cho kết quả cháu bị nhiễm độc chì nặng.
Hai cháu My và Hùng hiện vẫn đang phải điều trị tại khu vực cách ly khoa Hồi sức cấp cứu.
Trường hợp thương tâm thứ 2 xảy đến với bé trai Trần Duy Hùng mới hơn 1 tháng tuổi. Muốn con hay ăn chóng lớn, mẹ cháu hòa thuốc cam với nước sôi cho con uống mỗi ngày 3 lần. Trong vòng hơn 1 tháng, bé Hùng tăng lên 1.3 kg nhưng đến ngày 19/01 cháu bỗng xuất hiện nhiều biểu hiện lạ: bỏ bú, da xanh tái, kèm theo co giật toàn thân, mắt trợn ngược, sau cơn giật cháu bé không tỉnh. Khi điều trị tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, bé được các bác sĩ tại đây chẩn đoán viêm phổi nặng, viêm màng não do ngộ độc chì. Cháu được đặt nội khí quản sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hiện nay, tuy đã qua gần 1 tuần điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu, tình trạng sức khỏe của hai cháu bé vẫn chưa ổn định.
Thuốc cam- nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc
Theo tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn, trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, hai bệnh nhi trên không phải là những nạn nhân đầu tiên của ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam. Hầu hết các cháu nhập viện đều được phát hiện nhiễm độc ở giai đoạn muộn khi tính mạng đã “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi đã có những biểu hiện nặng về thần kinh, các cháu có thể gánh chịu những di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt vĩnh viễn.
“ Chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày – đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài”- bác sĩ Tuấn cho biết thêm.
Để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các thuốc nam để uống, bôi. Khi có bệnh, chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nhãn mác ghi rõ địa chỉ, chứng nhận cho phép của các cơ quan chức năng. “Bảo đảm an toàn tính mạng cho các cháu phải bắt đầu từ ý thức của chính những người thân trong gia đình”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
*Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Lê Mai