Trang chủ » Báo chí viết về chúng tôi » Liệu pháp chữa bệnh cho trẻ thơ: Sự diệu kỳ của âm nhạc

Liệu pháp chữa bệnh cho trẻ thơ: Sự diệu kỳ của âm nhạc

 

                         

Món quà tinh thần cho các bệnh nhi
Phương Nhi, 8 tuổi, đến từ xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. Từ lúc mới sinh ra cho đến nay, Nhi chủ yếu “làm bạn” với khoa Thần kinh của BV Nhi Trung ương. Ngồi cạnh Nhi là bé Uyên, 10 tháng tuổi. Cả hai em cùng mắc chứng loạn sản vỏ não, chất xám dày, tổn thương ở thùy trán phải.
Ngày ngày trong bốn bức tường, không ở nhà thì ở viện khiến Nhi, Uyên và những em bé bị mắc các chứng bệnh về thần kinh rụt rè, kiệm lời, e ngại và không dám nhìn thẳng vào người đối diện. Vậy nên, theo chị Trần Phương Thảo, mẹ bé Phương Nhi, mỗi lần có buổi sinh hoạt văn nghệ được tổ chức tại BV Nhi Trung ương, chị đều đưa con đi, với mong muốn con khuây khỏa, thoải mái hơn.

Th.S Trần Văn Học, Phó Trưởng khoa Thần kinh, BV Nhi Trung ương chia sẻ: Trước đây, định kiến xã hội vẫn hay xa lánh những người bị động kinh. Với các cháu nhỏ thậm chí nếu bệnh thuyên giảm, trẻ vẫn tự ti, mặc cảm… Trong khi đó, hiện nay ở nước ta, tỷ lệ bệnh nhân mắc các chứng bệnh động kinh chiếm khoảng 0,5-1% dân số, trong đó 70% khởi phát là trẻ em dưới 4 tuổi. Âm nhạc đóng vai trò giảm nhẹ sự xuất hiện các cơn giật ở trẻ. Nó vừa tạo cho các em cảm giác thư thái trong tâm hồn, được sống lại chính cuộc sống vui tươi vốn có…
Phương Nhi và Uyên là 2 trong số rất nhiều các bệnh nhi đang được điều trị theo phương pháp “tâm bệnh” này. Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện, mỗi năm đơn vị tiếp nhận, điều trị nội trú gần 52.000 bệnh nhân nhi với nhiều loại bệnh nan y. Việc cho trẻ xem ca nhạc trong quá trình điều trị có tác dụng trị liệu rất lớn. Kết quả thực hiện chương trình sau 1 năm đã có 18 chương trình âm nhạc chăm sóc tâm lý trẻ nằm viện được tổ chức với tần suất 2 tuần/lần. Hơn 7.200 lượt bệnh nhi đến xem và tham gia chương trình.
Ý tưởng nhân văn

Sau một vài lần đi thăm và làm việc tại nước ngoài, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm đã chia sẻ với các đồng nghiệp: Tại các bệnh viện nhi khoa nước ngoài, trước khi bác sĩ khám bệnh cho trẻ em thường dành ra khoảng 20-30 phút để chơi các trò chơi. Ví như trò chơi đóng giả làm bác sĩ, nghĩa là các em sẽ vào vai bác sĩ khám bệnh cho người khác (búp bê đóng). Bác sĩ sẽ hướng dẫn trẻ, khi búp bê ốm thì cần phải tiêm như thế nào, truyền thuốc ra sao… Những trò chơi đó cuốn hút sự đam mê của trẻ và trẻ sẽ nhanh chóng chấp nhận việc khám chữa bệnh của các thầy thuốc. Một số bệnh viện tại Australia và Thụy Điển đã triển khai nhiều hình thức chăm sóc tâm lý bệnh nhân nằm viện dưới dạng “chơi trị liệu” từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa có cơ hội thực hiện như vậy.
Ý tưởng ra đời từ đó. Chương trình đầu tiên với sự tham gia của hơn 400 bệnh nhi cùng cha mẹ các em và hơn 60 học sinh của Trường tiểu học Thành Công A (Hà Nội).
Những em bé đang điều trị ở các khoa, dù đau đớn vì bệnh tật cũng cố đòi bố mẹ cho đi xem. Những mái đầu trọc vì truyền hoá chất quá nhiều, những nụ cười không tròn môi, ngơ ngác do trẻ bị thiểu năng trí tuệ… ánh mắt các bé vẫn bừng sáng lên mỗi khi có tiết mục hay. Những bài hát kết hợp với múa đã khiến cả hội trường đứng dậy nhún nhảy theo. Hay như trường hợp một em nhỏ vừa trải qua một ca phẫu thuật phức tạp, không chịu hợp tác với các bác sĩ trong việc khám chữa bệnh. Nhưng khi có chương trình ca múa nhạc của các bạn thiếu nhi đến trình diễn ở hội trường, bác sĩ đã phải mang cả thuốc xuống truyền dịch cho em…
Theo Th.S Đỗ Mạnh Hùng (BV Nhi Trung ương) vì các bệnh nhi nhỏ tuổi, nên các chuyên gia tâm lý khuyên là thời gian biểu diễn không nên kéo dài quá 60 phút, vì sẽ dễ gây cảm giác kích thích (âm thanh) và căng thẳng (tâm lý). Hiện nay, BV Nhi Trung ương đã có sẵn máy chiếu và âm thanh (mức độ vừa phải) để có thể sẵn sàng chiếu phim phục vụ các em. “Hy vọng trong thời gian tới, nếu có thể, chúng tôi sẽ triển khai hình thức chiếu phim vào tối thứ Bảy hàng tuần. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào nguồn lực và kết quả thăm dò ý kiến trước khi triển khai”, ông Hùng cho hay.
Nguồn: báo Giadinh.net

 



Chuyên mục: Báo chí viết về chúng tôi, Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em