I. Đặt vấn đề
Hen phế quản nói chung và hen phế quản trẻ em nói riêng đã trở thành một bệnh lý xã hội, mang tính toàn cầu. Tần xuất mắc hen phế quản đang có xu hướng tăng cao trên toàn thế giới. Hiện nay nhiều nơi tỷ lệ hen phế quản đã ở con số đáng lo sợ như ở úc là13 – 15%, Pháp 8 – 10% ; Mỹ 5 – 7%.
ở nước ta chưa có số liệu điều tra thống kê chính thức cho toàn quốc về tỷ lệ mắc hen phế quản. Tuy nhiên hiện nay, ở một số nơi, một số trung tâm nghiên cứu và theo dõi về hen phế quản cũng có những số liệu sơ bộ về tần xuất hen phế quản như của khoa Miễn dịch dị ứng lâm sàng Bạch Mai là 6 – 7%, theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội tổng kết hen phế quản (năm 2001), tần xuất hen phế quản nói chung ở Hà Nội là khoảng 7%.
Hen phế quản trẻ em được dự báo là có tỷ lệ mắc cũng rất cao. Hơn nữa hậu quả của hen phế quản và tình trạng lâm sàng ngày càng nặng là vấn đề rất cấp thiết hiện nay.
Khoa Hô hấp Viện Nhi hàng năm tiếp nhận rất nhiều trẻ bị hen phế quản vào điều trị. Trong vài năm gần đây số lượng bệnh nhi hen phế quản tăng lên rõ rệt.
Nghiên cứu tình hình hen phế quản trẻ em vào điều trị tại khoa Hô hấp Viện Nhi trong năm 2002 nhằm mục đích :
1. Nhận xét về tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản so với các bệnh lý hô hấp chung phải vào viện điều trị.
2. Tìm hiểu những đặc điểm lâm sàng của các bệnh nhi hen phế quản vào điều trị tại khoa.
3. Đánh giá hiệu quả của điều trị và đề xuất một số vấn đề về quản lý dự phòng hen phế quản.
II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu :
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Bao gồm các bệnh nhân vào điều trị tại khoa Hô hấp (A16) Viện Nhi trong năm 2002 được chẩn đoán xác định là hen phế quản dựa vào các tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức y tế thế giới.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
– Áp dụng phương pháp hồi cứu.
– Tiêu chuẩn chẩn đoán hen phế quản : Theo TCYTTG, một bệnh nhân được chẩn đoán hen phế quản dựa vào các triệu chứng lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng (X-quang – chức năng hô hấp), khai thác tiền sử bản thân và gia đình.
– Triệu chứng lâm sàng : thể điển hình trẻ ngứa họng, mũi, ho từng cơn, xuất hiện các cơn khó thở kiểu co thắt, tắc nghẽn, khó thở ra là chính, phổi có ran rít ran ngáy, thông khí phổi giảm. Nhiều khi có biểu hiện suy hô hấp, rút lõm lồng ngực rõ rệt. Cuối con ho khó thở trẻ có thể ho khạc ra đờm trắng dính, sau đó thuyên giảm.
Cơn khó thở thường xuất hiện nửa đêm về sáng, đột ngột hay có tiền triệu nóng ngực, khó chịu trước đó. Cơn khó thở thuyên giảm hay đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản.
– Khai thác tiền sử bản thân : trẻ thường có những cơn khó thở như trên tái phát nhiều lần, thường có liên quan đến yếu tố khởi phát như thay đổi thời tiết, tiếp xúc dị nguyên, gắng sức, nhiễm trùng v.v…
– Tiền sử gia đình : thường có liên quan đến các bệnh dị ứng như chàm, nổi mề đay, viêm mũi xoang dị ứng v.v…
– Xét nghiệm cận lâm sàng :
+ Công thức máu.
+ X-quang phổi : tình trạng ứ khí trong phổi giai đoạn khó thở.
+ Đo chức năng hô hấp : suy giảm rõ rệt các thông số FEV1, FVC, sức cản tăng, trong cơn khó thở.
Các test dị nguyên giúp chẩn đoán tìm nguyên nhân.
* Phân loại mức độ hen phế quản (dựa vào TCYTTG)
– Đánh giá mức độ nặng của cơn hen phế quản cấp theo 4 độ : từ nhẹ ® nặng (độ 1 ® độ 4).
– Đánh giá mức độ nặng của bệnh hen phế quản dựa vào phân bậc hen : 4 bậc (từ nhẹ ® nặng) (bậc 1 ® bậc 4).