Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Ngã xe đạp, bé trai 7 tuổi bị vỡ tụy

Ngã xe đạp, bé trai 7 tuổi bị vỡ tụy

Ngày 3/12, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật cứu sống bé Nguyễn Văn Dũng (7 tuổi, ở Nam Định), bị vỡ tụy do ngã xe đạp. Trước đó,siêu âm tại phòng khám tư nhân không phát hiện điều gì bất thường.

Theo gia đình, cháu Dũng mới biết đi xe khoảng một tháng nay. Khi đạp xe sang nhà bạn chơi, cháu bị ngã xe, bụng va đập mạnh vào ghi-đông. Lúc này trẻ vẫn tỉnh táo, đau bụng lâm râm. Gia đình đưa con đến khám và siêu âm tại phòng khám tư nhân nhưng không phát hiện bất thường.

5 tiếng sau siêu âm, cháu Dũng đột nhiên đau bụng tăng dần, sốt, nôn ra máu. Quá lo lắng, gia đình lập tức đưa cháu đến bệnh viện Tỉnh. Do tiên lượng tình trạng bệnh nhân nặng, Bệnh viện Tỉnh đã chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu.

Tại đây, khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có tình trạng nhiễm trùng rõ: sốt 38,50C, bạch cầu cao, CRP máu cao. Bụng trẻ chướng nhẹ, ấn đau, có vết xây xát hình tròn vùng thượng vị, có phản ứng khắp bụng. Siêu âm và chụp cắt lớp cho kết quả: ổ bụng có nhiều dịch đục, nghi tổn thương vùng đầu và thân tụy.

                              

 Hình ảnh trước phẫu thuật: Vùng thượng vị của trẻ có vết xây xát hình tròn do đập vào ghi đông xe đạp

Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị chấn thương bụng kín cần phẫu thuật khẩn cấp. Kết quả trong mổ cho thấy tụy bị vỡ làm đôi vùng cổ tụy.

TS.BS Phạm Duy Hiền – phó trưởng khoa Ngoại, đồng thời là người trực tiếp phẫu thuật cho cháu bé cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng phương pháp khâu kín đầu gần và đưa một quai ruột lên nối với đầu xa của tụy theo kiểu Roux-En-Y. Sau mổ, hiện trẻ đã có thể tự thở, sức khỏe dần hồi phục, tuy nhiên vẫn cần được theo dõi thêm”.

Theo Ts Hiền, đây là trường hợp có chấn thương nặng và khá hiếm gặp. Tụy là một tạng dài và thon nằm ở vùng bụng trên, vắt ngang phía trước cột sống và phía sau phần dưới của dạ dày. Thành bụng của các bé thường mỏng, các tạng trong ổ bụng rất dễ bị tổn thương khi có chấn thương. Do đó, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng, nếu thấy trẻ có tai nạn té ngã và đau bụng, nôn, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Khánh Chi

 

*Tên bệnh nhi đã được thay đổi

 

.

 



Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em