Trang chủ » Y học thường thức » Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4): Can thiệp dựa trên vui chơi giúp trẻ tự kỷ phát triển và hòa nhập tốt

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4): Can thiệp dựa trên vui chơi giúp trẻ tự kỷ phát triển và hòa nhập tốt

Tự kỷ là rối loạn về phát triển hành vi có thể làm ảnh hưởng đến các kỹ năng cơ bản của trẻ như giao tiếp và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng học tập, sinh hoạt. Vì vậy, trong can thiệp trẻ tự kỷ, phương pháp can thiệp dựa trên vui chơi có tác động rất hiệu quả để hỗ trợ cải thiện giao tiếp, tương tác hành vi ở trẻ, giúp trẻ phát triển các giác quan, trí tuệ và hòa nhập tốt hơn với thế giới xung quanh.

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4

Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 62 thông qua một Nghị quyết đặc biệt lấy ngày 2/4 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này, từ đó thúc đẩy các nghiên cứu để tìm ra phương pháp mới nâng cao sức khỏe và khả năng hòa nhập của những người mắc tự kỷ. Đồng thời, giúp người tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ cũng như gia đình.

Ý nghĩa của vui chơi đối với trẻ em

Đối với trẻ em nói chung, vui chơi là nhu cầu thiết yếu, là hoạt động chủ đạo góp phần vào quá trình phát triển của trẻ. Vui chơi là cách trẻ em tìm hiểu về thế giới, về bản thân và các bạn khác. Không có cách chơi đúng hay cách chơi sai. Chơi có thể là bất cứ điều gì khiến cho trẻ cảm thấy vui thích và học hỏi được. Cách vui chơi của trẻ em rất khác nhau, tùy thuộc vào sự phát triển, tâm trạng và môi trường xung quanh. Vui chơi ở trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng:

  • Giúp xây dựng trí tưởng tượng và sự sáng tạo.
  • Thúc đẩy sự phát triển nhận thức, giải quyết vấn đề, gia tăng tự tin và xây dựng hình ảnh bản thân.
  • Giúp giải tỏa cảm xúc và học các hành vi hữu ích trong điều hòa các mối quan hệ xã hội.
  • Giúp phát triển lời nói và giao tiếp.
  • Khuyến khích tính độc lập, tự chủ.
  • Thúc đẩy phát triển thể chất: các kỹ năng vận động, phát triển cơ bắp, kiểm soát chuyển động cơ thể,…

Đối với trẻ tự kỷ, việc vui chơi thường gặp khó khăn. Trẻ thường chơi một mình, khó hòa nhập với nhóm bạn, ít chủ động tương tác hoặc khởi xướng một hoạt động chơi với người khác. Vì ngôn ngữ hạn chế, nên mọi người xung quanh khó nhận biết nhu cầu của trẻ, trẻ khó diễn đạt cảm xúc hoặc mong muốn của bản thân. Trẻ tự kỷ cũng có xu hướng quá bận tâm vào một vài hoạt động, thao tác đồ vật có tính rập khuôn, lặp lại, mà thiếu vắng sự sáng tạo hoặc khám phá các hoạt động chơi đa dạng; khó chịu với những thay đổi nhỏ, kém linh hoạt khi chơi. Do những thiếu sót về giao tiếp và ngôn ngữ, trẻ thường không biết cách chơi tưởng tượng hoặc đóng vai giống như trẻ cùng tuổi.

Phát triển các kỹ năng chơi theo các mức độ khác nhau ở trẻ tự kỷ

Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống dù nhiều khó khăn, gian nan nhưng bằng tình yêu thương và  kiên trì áp dụng đúng phương pháp, cha mẹ vẫn có thể giúp trẻ tiến bộ mỗi ngày. Dưới đây là một số hướng dẫn phát triển kỹ năng chơi ở trẻ tự kỷ mà các bác sĩ khuyên cha mẹ thực hiện:

  • Chơi tạo cảm giác: khuyến khích trẻ cầm và quan sát đồ chơi, khám phá bề mặt/kết cấu của đồ chơi, thực hiện một số thao tác đơn giản với đồ vật bằng bàn tay, ngón tay.
  • Chơi thiết lập mối quan hệ: khuyến khích trẻ chơi nối kết hai vật hoặc những phần khác nhau của một đồ vật. Ví dụ: đập các đồ vật với nhau; xếp hàng, cặp đôi hoặc tập hợp những đồ vật cùng loại.
  • Chơi chức năng đơn giản: dạy trẻ dùng một đồ chơi hoặc đồ vật đúng theo chức năng của chúng. Ví dụ: đẩy xe tải quanh phòng, chạm cốc để lên miệng như để uống “khà”, cho búp bê ăn…
  • Chơi chức năng phức tạp: dạy trẻ thực hiện tối thiểu hai hành động để tạo một tác động. Ví dụ: đẩy hộp đồ chơi, nhắm mắt và nhấn nút…
  • Chơi tưởng tượng/đóng vai: dùng một đồ vật tượng trưng cho một vật khác, như dùng khối tượng trưng cho xe lửa, ghế tượng trưng cho ngựa, cho búp bê uống sữa, đóng vai người bán hàng,…

Một số chú ý dành cho cha mẹ khi chơi với trẻ tự kỷ

  • Bắt đầu từ đồ chơi hoặc hoạt động chơi trẻ ưa thích.
  • Luôn đưa đồ chơi ngang tầm mắt, cố gắng tạo ra sự chú ý của trẻ vào cha mẹ, đồng thời cha mẹ cũng chú ý vào hành động trẻ đang làm.
  • Dùng những từ ngữ thật đơn giản, nhấn mạnh để hướng tới vật trẻ đang nhìn hoặc hành động trẻ đang làm. Ví dụ trẻ nhìn thổi bóng thì nói “bóng”, chọc ngón tay vào bóng nổ thì nói “bùm”,…
  • Chơi hồn nhiên, bắt chước hành động chơi của trẻ, tạo không khí vui nhộn, hào hứng sẽ thúc đẩy được trẻ tương tác với cha mẹ. Hỗ trợ trẻ nếu trẻ không biết chơi theo cách “cầm tay chỉ việc” và giảm dần sự giúp đỡ.

Cha mẹ nên chơi hồn nhiên, bắt chước hành động của trẻ

  • Có thể lặp đi lặp lại một số từ lệnh, giúp trẻ dự đoán được hành động tiếp theo, ví dụ: một, hai…ba “mở”, giơ tay chờ đợi hành động đập tay “yeah” (hay zee) ở trẻ.
  • Có phần thưởng với bất cứ sự nỗ lực tham gia vui chơi của trẻ. Thưởng có thể là lời khen ngợi, reo vui, cử chỉ âu yếm, cũng có thể là đồ ăn hoặc một thứ trẻ thích. Phần thưởng vật chất nên giảm dần và chuyển thành phần thưởng quy đổi.
  • Trong khi chơi nếu trẻ có hành vi sai phải dứt khoát và cản hành vi sai bằng thái độ và cử chỉ, không nên đánh mắng trẻ.
  • Với trẻ chưa biết chơi hoặc mức độ nặng thì ban đầu khi chơi cần 2 người: một người là đối tác chơi, một người hỗ trợ trở chơi, sau đó đổi lại vai.
  • Các trò chơi nhóm nên tạo cho trẻ sự chờ đợi và biết lượt chơi, biết qui tắc, luật lệ cuộc chơi, biết phối hợp và cạnh tranh khi chơi.
  • Các đồ chơi nên xếp riêng từng loại vào từng hộp nhựa có nắp và dán nhãn bên ngoài là ảnh hoặc biểu tượng về đồ chơi đó, trẻ chơi từng thứ một, chơi xong dạy trẻ cất phải cất gọn gàng ngăn nắp.

Có thể thấy, việc nắm được những kiến thức liên quan đến can thiệp trẻ tự kỷ sẽ giúp cha mẹ áp dụng một cách đúng đắn, mang lại hiệu quả phát triển nhận thức, hành vi và hòa nhập tốt hơn cho trẻ. Hy vọng cha mẹ sẽ luôn kiên trì, là cầu nối, là điểm dựa vững chắc để cùng trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hàng năm, Khoa Tâm thần, tiếp nhận và điều trị ngoại trú khoảng 30.000 lượt bệnh nhân và can thiệp cho 500 lượt trẻ mắc chứng tự kỷ

Quý phụ huynh có nhu cầu thăm khám cho trẻ, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây:

Thời gian khám:

Các ngày thứ Hai đến thứ Sáu trong tuần (cả khám tự nguyện và khám Bảo hiểm y tế)

  • Sáng: 07h-12h
  • Chiều: 13h30-16h30

Từ 01/07/2023: Triển khai khám Thứ Bảy tại khoa Tâm thần – Nhà V (khám tự nguyện). Thời gian khám như sau:

  • Sáng: 07h-12h
  • Chiều: 13h30-16h30

ThS.BS Nguyễn Thị Mai Hương – Phó Trưởng khoa Tâm thần
Biên tập và ảnh: Phòng Thông tin điện tử

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em