Nguyễn Thị Hương Giang
Bệnh viện nhi Trung ương
Tóm tắt
Mục tiêu: Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng của trẻ tự kỷ từ 18 tháng đến 36 tháng tuổi tại bệnh viện Nhi trung ương trong giai đoạn từ tháng 12/2008 đến tháng 07/2010. Phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 251 trẻ tự kỷ từ 18 tháng đến 36 tháng tuổi; Kết quả: Đặc điểm lâm sàng: Nam gặp nhiều hơn nữ với tỷ lệ Nam/ Nữ = 6,4/1. Tỷ lệ trẻ tự kỷ ở mức độ nặng cao (85,7%). Trẻ tự kỷ thường có: Khiếm khuyết về chất lượng quan hệ xã hội như: Không giao tiếp bằng mắt (86,9%); Không biết gật đầu hoặc lắc đầu khi đồng ý hoặc phản đối (97,6%); Thích chơi một mình (94,8%); Không biết khoe khi được đồ vật (97,6%); Không đáp ứng khi được gọi tên (96,8%). Khiếm khuyết về chất lượng giao tiếp: Phát ra một chuỗi âm thanh khác thường (82,1%); Không biết chơi giả vờ (98,4%)). Có các mẫu hành vi bất thường:Thích quay bánh xe (70.1%); Thích đi nhón chân (61%). Các bất thường cận lâm sàng gồm:Nồng độ can xi trong máu giảm (56,8%); Điện não đồ có sóng bất thường (55,7%). Kết luận: Dấu hiệu hay gặp của trẻ tự kỷ từ 18 đến 36 tháng gồm: Chậm nói, phát âm từ vô nghĩa, không đáp ứng gọi tên, không giao tiếp mắt, thích chơi một mình, thích quay bánh xe, thích đi nhón chân; Giảm nồng độ can xi trong máu, điện não đồ có sóng bất thường.
Từ khóa: Tự kỷ, lâm sàng, cận lâm sàng
I. Đặt vấn đề
Tự kỷ là một trong những rối loạn phát triển hay gặp ở trẻ em. Trẻ bị mắc tự kỷ không những phát triển chậm về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến gia đình và xã hội.
Trong vài thập kỷ gần đây các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc tự kỷ tăng nhanh chóng. Tỷ lệ mắc tự kỷ theo Baird và cộng sự (1999) là 3‰ [7]; theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) năm 2009 tại Mỹ là 1/110 trẻ sơ sinh sống (6,6‰) [9]. Nghiên cứu của Kim và cộng sự tại Hàn Quốc cho tỷ lệ hiện mắc tự kỷ là 1/38 trẻ (2,6%) [10].
Nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007 cho thấy: số trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; số trẻ tự kỷ đến điều trị năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000. Tỷ lệ trẻ tự kỷ đến khám và được chẩn đoán bệnh muộn tại Bệnh viện Nhi Trung ương còn cao (43,86% trên 36 tháng tuổi) [2].
Cho đến nay ở Việt nam các nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng của trẻ tự kỷ còn hạn chế, chưa có những nghiên cứu mô tả lâm sàng một cách toàn diện ở lứa tuổi nhỏ trước 3 tuổi. Do đó nhiều trẻ tự kỷ còn được phát hiện muộn.Chẩn đoán sớm tự kỷ trước 3 tuổi giúp trẻ có nhiều cơ hội được hội nhập xã hội. Vì vậy, để đưa ra được một số khuyến cáo về việc phát hiện sớm tự kỷ, chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm mục tiêu:
Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng của trẻ tự kỷ từ 18 tháng đến 36 tháng tuổi.
II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
*Đối tượng nghiên cứu: 251 trẻ tự kỷ tuổi từ 18 tháng đến 36 tháng.
*Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
*Cách chọn mẫu: Số trẻ lấy vào mẫu nghiên cứu được lấy dần trong thời gian nghiên cứu từ tháng 12/2008 đến tháng 07/2010. Mẫu nghiên cứu là quần thể trẻ em đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ nhiều địa phương khác nhau.
– Tiêu chuẩn chọn:
+ Là các trẻ tự kỷ được chẩn đoán xác định bằng DSM IV
+ Tuổi từ 18 đến 36 tháng
+ Khám tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương.
+ Trẻ có cha mẹ chấp nhận tham gia nghiên cứu.
– Tiêu chuẩn loại trừ:
+ Trẻ tự kỷ dưới 18 tháng hoặc trên 36 tháng tuổi
+ Trẻ không thuộc địa điểm nghiên cứu
+ Trẻ có cha mẹ không chấp nhận tham gia nghiên cứu
III. Kết quả
1. Đặc điểm chung
1.1 Giới: Nam: 217 trẻ; Nữ: 34 trẻ; Tỷ lệ Nam/Nữ = 6,4/1
1.2. Mức độ tự kỷ: Tỷ lệ trẻ tự kỷ mức độ nặng cao 215/251 = 85,7% ( Điểm CARS từ 37 đến 60 điểm)
2. Đặc điểm lâm sàng
2.1. Đánh giá chất lượng quan hệ xã hội của trẻ tự kỷ
100% trẻ tự kỷ trong nghiên cứu có bất thường về các lĩnh vực quan hệ xã hội (Giao tiếp không lời; Quan hệ bạn hữu; Chia sẻ niềm vui; Thể hiện tình cảm)
Bảng 1: Các dấu hiệu bất thường về chất lượng quan hệ xã hội của trẻ tự kỷ
Các kỹ năng |
Các dấu hiệu bất thường (n=251) |
Số trẻ |
Tỷ lệ % |
Giao tiếp không lời |
Không giao tiếp bằng mắt khi được gọi hỏi |
218 |
86,9 |
Không xòe tay ra xin đồ vật |
244 |
97,2 |
|
Không lắc đầu khi phản đối |
245 |
97,6 |
|
Không biểu hiện nét mặt khi đồng ý |
240 |
95,6 |
|
Không chào hỏi bằng điệu bộ |
239 |
95,2 |
|
Quan hệ bạn hữu |
Không chơi khi có trẻ khác rủ |
238 |
94,8 |
Không chủ động rủ trẻ khác chơi |
243 |
96,8 |
|
Không chơi cùng nhóm trẻ |
214 |
85,3 |
|
Chia sẻ niềm vui, mối quan tâm, thích thú |
Không khoe khi được cho đồ vật |
244 |
97,2 |
Không khoe đồ vật mình thích |
245 |
97,6 |
|
Quan hệ xã hội, thể hiện tình cảm |
Không nhận biết sự có mặt của người khác |
233 |
92,8 |
Không quay đầu lại khi được gọi tên |
243 |
96,8 |
|
Không thể hiện vui buồn |
244 |
87,2 |
2.2. Đánh giá chất lượng giao tiếp và lời nói của trẻ tự kỷ
Trên 93% các trẻ tự kỷ đều bị khiếm khuyết về chất lượng giao tiếp và lời nói (Kỹ năng nói; Khởi xướng hội thoại; Ngôn ngữ trùng lặp; Kỹ năng bắt chước )
100% số trẻ trong nghiên cứu có biểu hiện chậm nói; không nói từ nào (79,7%).
Bảng 2: Các bất thường về chất lượng giao tiếp và lời nói của trẻ tự kỷ
Các kỹ năng |
Các dấu hiệu bất thường (n=251) |
Số trẻ |
Tỷ lệ % |
Sử dụng ngôn ngữ |
Phát ra một chuỗi âm thanh khác thường |
206 |
82,1 |
Kỹ năng chơi |
Không biết chơi giả vờ |
247 |
98,4 |
Không biết bắt chước hành động |
246 |
98 |
|
Không biết bắt chước âm thanh |
245 |
97,6 |
2.3. Đánh giá hành vi của trẻ tự kỷ
Hai mẫu hành vi bất thường hay gặp nhất ở trẻ tự kỷ là:
– Cuốn hút không khoan nhượng với các hoạt động, nghi thức (98,2%).
– Cử động tay chân lặp lại hoặc rập khuôn (97,2%).
Bảng 3: Các dấu hiệu bất thường về hành vi của trẻ tự kỷ
Các hành vi |
Các dấu hiệu bất thường (n=251) |
Số trẻ |
Tỷ lệ % |
Bất thường hoạt động, nghi thức |
Thích hoạt động với đồ dùng trong nhà quá mức |
113 |
45 |
Hay thích quay bánh xe |
176 |
70,1 |
|
Bất thường về cử động tay chân |
Thích đu đưa thân mình, chân tay quá mức |
158 |
62,9 |
Hay thích đi trên đầu ngón chân |
153 |
61 |
3. Đặc điểm cận lâm sàng
Bảng 4: Đánh giá kết quả cận lâm sàng của trẻ tự kỷ
Các kết quả |
Các phương pháp |
Tổng số trẻ xét nghiệm |
Xét nghiệm bất thường |
|
Số trẻ |
Tỷ lệ % |
|||
Chẩn đoán hình ảnh |
Điện não đồ |
176 |
|
|
Số trẻ có sóng bất thường |
|
98 |
55,7 |
|
Chụp cắt lớp vi tính sọ não |
125 |
2 |
1,6 |
|
Chụp cộng hưởng từ sọ não |
20 |
3 |
15,0 |
|
Xét nghiệm máu, phân |
Xét nghiệm can xi máu |
125 |
71 |
56,8 |
Xét nghiệm T4, TSH |
113 |
7 |
6,2 |
|
Xét nghiệm nhiễm sắc thể |
123 |
1 |
0,8 |
|
Xét nghiệm phân |
125 |
1 |
0,8 |
Nhận xét: Tỷ lệ trẻ tự kỷ có sóng điện não đồ bất thường chiếm 55,7%.Tỷ lệ trẻ tự kỷ có can xi máu thấp chiếm 56,8%.
IV. Bàn luận
Trẻ tự kỷ nếu được phát hiện sớm và can thiệp sớm sẽ có nhiều cơ hội hội nhập xã hội. Vì vậy nghiên cứu đặc điểm lâm sàng của tự kỷ từ 18 tháng đến 36 tháng là một vấn đề cấp thiết và thực tiễn giúp cho việc phát hiện sớm tự kỷ.
Chúng tôi muốn bàn luận về kết quả nghiên cứu trên theo 3 nội dung:
1. Đặc điểm chung</span>
1.1. Giới
Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ trai mắc tự kỷ nhiều hơn trẻ gái, với tỷ lệ Nam/Nữ là 6,4/1. Kết quả của chúng tôi tương tự nghiên cứu của P.N. Thanh (2007) tại bệnh viện Nhi đồng 1 với số liệu là 324 trẻ tự kỷ cho kết quả là 5/1; H.Q. Trang là 5,3/1, [8],[13]. Kết quả của chúng tôi nghiên cứu cao hơn một số tác giả nước ngoài (Nam/Nữ = 4-5/1) [15]; Giarelli và cộng sự (2010) là 4/1. Điều này có thể được giải thích do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là trẻ từ 18 tháng đến 36 tháng tuổi và ở Việt Nam vẫn còn quan niệm trọng nam hơn nữ nên trẻ trai thường được quan tâm và được đưa đi khám sớm hơn.
1.2. Phân loại mức độ tự kỷ
Thang cho điểm mức độ tự kỷ ở trẻ em (CARS) chia tự kỷ làm 2 mức độ: (1) Nhẹ- trung bình và (2) Nặng. Kết quả của chúng tôi cho thấy 85,7% số trẻ tự kỷ trong nhóm nghiên cứu được chẩn đoán tự kỷ ở mức độ nặng.Tỷ lệ mức độ nặng ở 2 nhóm nam và nữ là như nhau. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với Q.T. Minh và cộng sự: Tỷ lệ tự kỷ nặng là 80% [9].Khác với chúng tôi, nghiên cứu của H.Q. Trang cho tỷ lệ tự kỷ nhẹ và vừa là 83%. Sự khác biệt này có thể do đối tượng nghiên cứu của tác giả là các trẻ từ 0 đến 15 tuổi, số trẻ dưới 3 tuổi chỉ chiếm 53% [13].
2. Đặc điếm lâm sàng
2.1. Khiếm khuyết về chất lượng giao tiếp
* Khiếm khuyết về giao tiếp không lời: Năm dấu hiệu hay gặp nhất là: không giao tiếp bằng mắt khi được gọi hỏi (86,9%); Không xòe tay ra xin đồ vật (97,2%); Không biết lắc đầu khi phản đối (97,6%); Không biểu hiện nét mặt khi đồng ý (95,6%); Không chào hỏi bằng điệu bộ (95,2%).
Kết quả của chúng tôi cũng tương tự Q.T. Minh và cộng sự (2007): 100% trẻ ít giao tiếp bằng mắt, 84,4% không biết gật, lắc đầu [4]. Tương tự, N.X. Điệp nghiên cứu 90 trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thấy hai dấu hiệu này là 83% và 84% [1]; H.Q. Trang (2007): 84% không giao tiếp mắt [6]; Đ.T. Hoa (2010): 100% không giao tiếp mắt, 92,3% không xòe tay ra xin đồ vật, 93,8% không biết lắc đầu khi phản đối, 89,2% không biểu hiện nét mặt khi đồng ý, 90,8% không chào hỏi bằng điệu bộ [3].
Như vậy dấu hiệu trẻ không giao tiếp mắt, không biết gật đầu khi đồng ý và lắc đầu khi phản đối là những dấu hiệu cần lưu ý khi đánh giá trẻ.
* Kém phát triển mối quan hệ bạn hữu tương ứng với tuổi: Ba dấu hiệu hay gặp nhất là: không chơi khi có trẻ khác rủ (94,8%); Không chủ động rủ trẻ khác chơi (96,8%); Không chơi cùng nhóm trẻ (85,3%).
Tương tự, Q.T. Minh (2007) trẻ thường chơi một mình 91,1% [4]; N.X. Điệp 83% [1]; H.Q. Trang 76%[6]; Đ.T. Hoa 87,7 [3].
Tóm lại, dấu hiệu trẻ thích chơi một mình là biểu hiện nổi trội của lĩnh vực này.
* Thiếu chia sẻ, quan tâm, thích thú: 68,9% trẻ thiếu chia sẻ mối quan tâm thích thú ở mức độ nặng. Hai dấu hiệu hay gặp nhất là không biết khoe khi được cho đồ vật (97,2%); Không biết khoe đồ vật trẻ thích (97,6%). Kết quả của chúng tôi cao hơn H.Q. Trang (71%) Đ.T. Hoa 64,62% trẻ tự kỷ không biết khoe đồ vật [6]. Do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi nhỏ hơn các tác giả khác. Như vậy, không biết khoe đồ vật là dấu hiệu đáng lưu ý để phát hiện sớm tự kỷ.
* Thiếu quan hệ xã hội hoặc thể hiện tình cảm: Ba dấu hiệu hay gặp nhất là: Không nhận biết sự có mặt của người khác (92,8%); Không quay đầu lại khi được gọi tên (96,8%); Không thể hiện vui buồn (87,2%).
Kết quả của Q.T. Minh về dấu hiệu không quay đầu lại khi được gọi tên là 77,7% [4], thấp hơn so với chúng tôi; N.X. Điệp (83%) [1].
Do đó, không quay đầu khi được gọi tên (kể cả khi dùng cử chỉ như đập hoặc vỗ vào người trẻ) là một dấu hiệu nhận biết sớm tự kỷ ở trẻ nhỏ.
2.2.Trẻ tự kỷ có bất thường về chất lượng giao tiếp
* Chậm/ không phát triển kỹ năng nói so với tuổi: 100% số trẻ trong nghiên cứu của chúng tôi có dấu hiệu chậm nói. Tương tự, Đ.T. Hoa (2010) là 100%; Q.T. Minh (2007) là 88,9%; H.Q. Trang (2007) 94%. Đây cũng là dấu hiệu mà cha mẹ hay đưa trẻ đi khám vì dấu hiệu này dễ nhận thấy, dễ đo lường khi so sánh với những trẻ cùng tuổi. Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi cao hơn N.X Điệp (2007), chỉ có 74% chậm phát triển ngôn ngữ [1]. Sự khác biệt này có thể do tác giả chọn đối tượng nghiên cứu là trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Wray và cộng sự (2005) cũng nhận thấy phần lớn cha mẹ đều đưa trẻ đi khám vì lý do chậm nói vào lúc 30 tháng mặc dù sự lo lắng về trẻ có từ 18 tháng tuổi [15].
Nghiên cứu của Pickles (2009) cũng nhận thấy chậm nói là dấu hiệu điển hình của tự kỷ [13].
Như vậy, khi các thầy thuốc Nhi khoa thấy trẻ có dấu hiệu chậm nói, cần tư vấn cha mẹ đưa trẻ đi khám các thầy thuốc chuyên khoa phục hồi chức năng, chuyên khoa tâm thần hoặc các chuyên gia tâm lý sớm.
* Sử dụng ngôn ngữ trùng lặp, rập khuôn hoặc ngôn ngữ lập dị: Dấu hiệu hay gặp nhất là: Phát ra một chuỗi âm thanh khác thường (82,1%). Tương tự, N.X. Điệp dấu hiệu này là 84%, Đ.T. Hoa là 78,46% [1], [3].
Như vậy khi trẻ thường xuyên có biểu hiện phát ra một chuỗi âm thanh khác thường kết hợp với chậm nói thì gia đình nên đưa trẻ đi khám và đánh giá sự phát triển.
* Thiếu kỹ năng chơi đa dạng, giả vờ, bắt chước mang tính xã hội phù hợp với tuổi: Ba dấu hiệu hay gặp nhất là: Không biết chơi giả vờ (98,4%); Không biết bắt chước hành động (98%); Không biết bắt chước âm thanh (97,6%). Tương tự, H.Q. Trang cho kết quả 97% trẻ không biết chơi giả vờ. Nghiên cứu của N.X. Điệp cho kết quả thấp hơn chúng tôi, 83% trẻ tự kỷ không biết chơi giả vờ; Đ.T. Hoa (87,7%) [1], [3].
Do đó, không biết chơi giả vờ là dấu hiệu đáng chú ý khi đánh giá trẻ tự kỷ.
2.3.Trẻ tự kỷ có bất thường về hành vi
* Cuốn hút không khoan nhượng với các hoạt động, nghi thức:Dấu hiệu hay gặp nhất là: Hay thích quay bánh xe (70,1%). Tương tự, H.Q. Trang dấu hiệu này là 71% [6].
Trong quá trình thăm khám trẻ chúng tôi quan sát trẻ và nghe cha mẹ nhận xét là trẻ có thể ngồi quay bánh xe ô tô đồ chơi, quay bánh xe đạp hoặc những đồ vật/ đồ chơi mà có thể quay tròn được trong nhiều giờ đồng hồ mà không chán.
* Cử động tay chân lặp lại hoặc rập khuôn: Hai dấu hiệu hay gặp nhất là: Thích đu đưa thân mình, chân tay quá mức (62,9%); Hay thích đi nhón chân (61%). Kết quả của chúng tôi thấp hơn so với H.Q. Trang (91%) [6]; Đ.T. Hoa 80% thích đi nhón chân [3].
Như vậy, đi nhón chân là dấu hiệu đặc trưng của lĩnh vực này.
3. Đặc điểm cận lâm sàng
3.1. Điện não đồ
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy 55,7% trẻ tự kỷ có sóng bất thường trên bản ghi điện não đồ. Đó là các gai nhọn hoặc sóng theta biên độ cao. Tuy nhiên chưa có trẻ nào có sóng động kinh điển hình và dấu hiệu co giật trên lâm sàng. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với Spence (2009): tỷ lệ trẻ tự kỷ có điện não đồ bất thường là 60% [14].
Nghiên cứu của Berg (2011) cho kết quả 5% trẻ tự kỷ có động kinh West [8]; Mesibov và cộng sự (1997) cho thấy 30% trẻ tự kỷ phát triển thành động kinh khi trưởng thành [12]. Có thể do nghiên cứu của chúng tôi chỉ dừng lại ở trẻ 3 tuổi nên chưa tìm thấy tỷ lệ động kinh.
3.2. Canxi máu
Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả 56,8% trẻ tự kỷ có nồng độ Canxi toàn phần và Canxi ion trong máu thấp hơn giá trị bình thường. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu bệnh chứng của Meguid và cộng sự (2010) tại Ai Cập cho thấy trẻ tự kỷ có nồng độ can xi trong máu thấp hơn so với nhóm chứng. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,0001 [11].
Như vậy, cần khuyến cáo việc bổ xung can xi cho trẻ tự kỷ trong quá trình can thiệp.
V. Kết luận: Đặc điểm lâm sàng của trẻ tự kỷ từ 18 tháng đến 36 tháng tuổi
– Nam gặp nhiều hơn nữ với tỷ lệ Nam/ Nữ = 6,4/1
– Tỷ lệ trẻ tự kỷ ở mức độ nặng cao (85,7%).
– Khiếm khuyết về chất lượng quan hệ xã hội như: Không giao tiếp bằng mắt; Không biết gật đầu hoặc lắc đầu khi đồng ý hoặc phản đối; Thích chơi một mình; Không biết khoe khi được đồ vật; Không đáp ứng khi được gọi tên.
– Khiếm khuyết về chất lượng giao tiếp: Phát ra một chuỗi âm thanh khác thường; Không biết chơi giả vờ.
– Có các mẫu hành vi bất thường: Thích một loại đồ chơi hoặc đồ vật nào đó; Thích quay bánh xe; Thích đi nhón chân.
– Các bất thường cận lâm sàng
+ Nồng độ can xi trong máu giảm (56,8%).
+ Điện não đồ có sóng bất thường (55,7%).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Xuân Điệp (2008), “Một số hoạt động khám và trị liệu trẻ tự kỷ tại khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2”, Bệnh tự kỷ ở trẻ em, Tài liệu hội thảo, tr. 42-47.
2. Nguyễn Thị Hương Giang, Trần Thị Thu Hà (2008), “Nghiên cứu xu thế mắc và một số đặc điểm dịch tễ học của trẻ tự kỷ điều trị tại bệnh viện nhi Trung ương giai đoạn 2000 đến 2007”, Y học thực hành, 4, tr. 104-107.
3. Đinh Thị Hoa (2010), Mô tả đặc điểm lâm sàng ở trẻ tự kỷ trên 36 tháng tuổi và bước đầu nhận xét kết quả phục hồi chức năng ngôn ngữ. Luận án Thạc sĩ Y học, Đại học Y Hà nội
4. Quách Thúy Minh và cộng sự (2008), “Tìm hiểu một số yếu tố gia đình và hành vi của trẻ tự kỷ tại Khoa Tâm thần Bệnh viện Nhi Trung ương” Chẩn đoán và can thiệp sớm hội chứng tự kỷ ở trẻ em, Tài liệu hội thảo, tr. 27 – 33.
5. Phạm Ngọc Thanh (2008), “Cách tiếp cận trẻ có rối loạn phổ tự kỷ dựa trên cộng đồng tại Bệnh viện Nhi đồng 1”, Bệnh tự kỷ ở trẻ em, Tài liệu hội thảo, tr. 1-11.
6. Hoàng Quỳnh Trang (2008), “Nhận xét về các dấu hiệu lâm sàng của rối loạn tự kỷ ở trẻ em”, Tài liệu hội thảo khoa học, tr. 70 – 81.
7. Baird G., Charman T. et al. (2000), “A Screening instrument for autism at 18 months of age: A 6-years follow-up study”, Journal of the American Academy of Child and Adolescent Psychiatry, 39, pp. 694 – 702.
8. Berg A.T., Plioplys S., Tuchman R. (2011), “Risk and correlates of autism spectrum disorders in children with epilepsy: a community-based study”, Journal of Child Neurology, 26(5), pp. 540-547.
9. Centers for Disease Control and Prevention (2010), “Prevalence of the Autism Spectrum Disorders – Autism and Developmental Disabilities Monitoring Network, 2006”, Surveillance Summaries, 59(30); pp. 956.
10. Kim Y. S., Leventhal B. et al. (2011), “Prevalence of Autism Spectrum Disorder in a total population sample”, The American Journal of Psychiatry, 168, pp. 904 – 912.
11. Meguid N. A., Hashish A. F., Anwar M. et al. (2010), “Reduced serum levels of 25-hydroxy and 1,25-dihydroxy vitamin D in Egyptian children with autism”, Journal Altem Complement Medicine, 16(6), pp. 641-645.
12. Mesibov G. B., Shea V. (2010), “The TEACCH program in era of evidence-based practice”, Journal of Autism and Developmental Disorders, 40(5), pp. 570-579.
13. Pickles A., Simonoff E. et al. (2009), “Loss of language in early development of autism and specific language impairment”, Journal of Child Psychology and Psychiatry, 50(7), pp. 843–852.
14. Spence S. J., Schneider M. T. (2009), “The Role of Epilepsy and Epileptiform EEGs in Autism Spectrum Disorders”, Pediatric Research, 65(6), pp. 599-606.
15. Wray J., Silove N. et al. (2005), “Language disorders and autism”, Medical Journal of Australia Practice Essentials – Paediatrics, 182(7), pp. 354-360.
STUDY ON CLINICAL CHARACTERISTÍCS
OF AUTISTIC CHILD AT THE AGE FROM 18 TO 36 MONTHS OLD
Abstract
Objective: To study clinical characteristics of autistic child at the age from 18 to 36 months old. Methods: Cross-sectionl study with 251 children suffered from autism. Results: Clinical characteristics: Number of boy suffered from autism is higher than that of girl with the rate of boy/girl is 6.4/1; Ratio of severe autistic child is high (85.7%). Autistic child has got: Qualitative impairment in social interaction: no eye contact (86,9%); don’t nod or shake its head when agree or disagree (97,6%); prefer play with it-self (94,8%); don’t show once provide thing (97,6%); no response when its name was called (96,8%); Qualitative impairment in communication: to pronounce the words without meaning (82,1%); don’t know how to play pretended game (98,4%); Abnormal pattenrns of behavior, interests an activities: interest in one particular toy or thing like to spin the wheels (70,1%); like to walk on tiptoe (61%). Para-clinical characteristics: calcium concentration in blood reduced (56.8%); Electroencephalogram comprises abnormal waveforms (55.7%). Conclusion: Some signs were seen in autistic child at the age from 18 to 36 months: Speak delay, to pronounce the words without meaning, no response when its name was called, no eye contact, prefer play with it-self, like to spin the wheels, like to walk on tiptoe. Calcium concentration in blood reduced, Electroencephalogram comprises abnormal waveforms.
Key words: Autism, clinical, para-clinical.