NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ VÀ PHÂN ĐỘ ÁC TÍNH
U NÃO Ở TRẺ EM
Hoàng Ngọc Thạch, Phó Hồng Điệp, Nguyễn Trung Thùy
Bệnh viện Nhi Trung ương
Mục tiêu: Xác định đặc điểm phân bố và phân độ ác tính u não ở trẻ em. Vật liệu nghiên cứu: Tiêu bản, khối nến từ các trường hợp sinh thiết u não tại Bệnh viên nhi Trung ương từ 1/2005-7/2010. Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang. Chẩn đoán, phân loại và phân độ u não dựa theo hệ thống phân loại của tổ chức y tế thế giới 2007. Phân tích đặc điểm phân bố bệnh về giới, tuổi, vị trí. Đặc điểm ác tính của u não đánh giá theo thang độ ác tính. Kết quả: Có 93 bệnh nhân từ 0-15 tuổi, nhóm 0-6 tuổi chiếm 64,5%, nam/nữ ≈ 1,5:1. U não chủ yếu thuộc 3 nhóm chính: u nguyên tủy bào 38,7%, u sao bào 30,8%, u màng não thất 15,1%. U hố sau chiếm 58,1%, hố trước 41,9%. Phần lớn u hố sau là u nguyên tủy bào chiếm 66,7%. U độ thấp (độ I, II) chiếm 38,7%, u độ cao (độ III, IV) 61,3%. U độ cao ở hố sau chiếm 74,1% trong khi tỷ lệ này ở hố trước là 43,6%. Kết luận: U não gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả 2 giới, tỷ lệ nam mắc bệnh cao hơn hơn nữ. Ba nhóm u não chính thường gặp là : u nguyên tủy bào, u sao bào, u màng não thất. Tỷ lệ u não độ cao lớn, tỷ lệ này ở hố sau cao hơn hố trước. Không thấy liên quan giữa độ ác tính và tuổi mắc u.
Từ khóa: u não trẻ em; u nguyên tủy bào; u sao bào
U hệ thần kinh trung ương là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đứng thứ 2 sau bệnh bạch cầu. Không giống như ở người lớn, ở trẻ em, bên cạnh các u phát triển nhanh, các u não phát triển chậm và kéo dài thường có tiên lượng tốt. Mặc dù chẩn đoán hình ảnh những năm gần đây đã phát triển rất nhanh, nhưng chẩn đoán xác định vẫn dựa vào hình ảnh mô học của các khối u.
Phân loại u não trước đây dựa hoàn toàn vào đặc điểm mô học của u. Gần đây, những thành tựu của Hoá Mô Miễn Dịch và Sinh Học Phân Tử đã làm thay đổi quan điểm cũ cả về phân loại lẫn khái niệm về một số loại u não. Hội thảo của tổ chức y tế thế giới 2007 tại Lyon về u não đã đưa ra được phân loại chi tiết, sát hơn với bản chất của u [8].
Các nghiên cứu về u não trên thế giới cho thấy có sự khác nhau khá rõ ràng về đặc điểm bệnh và độ ác tính của u não giữa người lớn và trẻ em [8], [6]. Ở trẻ em, đặc điểm bệnh cũng có những khác nhau về giới, vị trí, độ ác tính và tiên lượng. Mặc dù các đặc điểm của u não khá đa dạng nhưng khoảng 80% các trường hợp u não thuộc một trong 4 nhóm: U sao bào (Astrocytoma); U màng não tuỷ (Ependymoma), u sọ hầu (craniopharingioma) và u nhóm ngoại bì thần kinh nguyên thuỷ (primitive neuroectodymal tumour) gồm u nguyên bào tuỷ (medulloblastoma) và u phôi (embrynal tumour).
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về u não chủ yếu tập trung ở người lớn, nghiên cứu về u não ở trẻ em chưa nhiều. Vì các lý do trên, chúng tôi tiên hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu:
Xác định đặc điểm phân bố và phân độ ác tính u não ở trẻ em.
II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Vật liệu nghiên cứu
· Tiêu bản, khối nến, phiếu sinh thiết từ các trường hợp sinh thiết u não tại Bệnh viên nhi Trung ương từ 1/2005-7/2010.
· Tiêu chuẩn lựa chọn
– Bệnh nhân dưới 16 tuổi, sinh thiết u não tại bệnh viện Nhi trung ương.
– Hồ sơ có đầy đủ thông tin hành chính và có chẩn đoán mô bệnh học.
– Còn tiêu bản và khối nến lưu giữ mẫu bệnh.
2. Phương pháp nghiên cứu
· Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.
· Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu tiện ích.
· Cỡ mẫu: n = 93
· Phương pháp thu thập số liệu:
– Hồi cứu phiếu xét nghiệm sinh thiết u não từ tháng 1/2005 – tháng 7/2010. Ghi nhận thông tin về tuổi, giới, vị trí, đặc điểm u.
– Mẫu sinh thiết được cắt nhuộm lại Hematoxylin-Eosin (HE) theo quy trình thường quy. Chẩn đoán thực hiện tại khoa Giải Phẫu Bệnh, bệnh viện Nhi Trung ương dưới kính hiện vi quang học.
– Nhuộm Hoá Mô Miễn Dịch (HMMD) áp dụng cho các trường hợp cần chẩn đoán phân biệt. Các dấu ấn miễn dịch chính: GFAP, NSE, Synaptophysin, EMA, CK AE1/3, αFP, INI1.
Quy trình kỹ thuật HMMD: Mẫu sinh thiết cắt dày 3-4 µm, loại nến, bộc lộ kháng nguyên bằng nhiệt trong Citric acid 0,01 M. Khử kháng nguyên nội sinh bằng H2O2 3%, ủ kháng thể 1 và phức hợp kháng thể 2 Dako envision mỗi loại trong 30 phút. Rửa mẫu trong TBS pH 7,5 5 phút/lần x 3 lần giữa các bước. Gắn màu DAB 5 phút, rửa nước chảy 10 phút, nhuộm nhân Hematoxilin 3-5 phút, loại nước, phủ lamen.
– Trường hợp phức tạp được hội chẩn với chuyên gia (Australia).
· Phương pháp phân loại u não: Áp dụng phân loại u hệ thần kinh trung ương của tổ chức y tế thế giới 2007 [1].
· Phân độ ác tính: Áp dụng phân độ u hệ thần kinh trung ương của tổ chức y tế thế giới 2007 [1</span>] gồm 4 độ: Độ I, II: độ thấp (low grade) Độ III, IV: độ cao (high grade).
· Xử lý số liệu
– Nhập và xử lý số liệu bằng phần mềm y học thống kê EPI INFO 6.04.
– Kết quả so sánh có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
A. Phân bố bệnh
1. Tuổi và giới
· Tuổi:
– Tuổi nhỏ nhất: 32 ngày; Tuổi lớn nhất: 15 tuổi; Tuổi trung bình: 5,6 ± 4,0
– Phân bố theo nhóm tuổi: 0 – 6 tuổi: 60 (64,5%); 7-15 tuổi: 33 (35,5%)
· Giới: Nam: 56 (60,2%); Nữ: 37 (39,8%); Nam/Nữ ≈ 1,5:1
· Tương quan bệnh theo tuổi và giới (biểu đồ 1):
Biểu đồ 1. Tỷ lệ phân bố u não theo tuổi và giới
2. Phân bố bệnh theo phân loại
Bảng 1. Tỷ lệ phân bố chung
Phân loại |
Số lượng |
% |
U nguyên tủy bào |
36 |
38,7 |
U sao bào độ thấp |
17 |
18,4 |
U sao bào độ cao |
12 |
12,4 |
U màng não thất |
14 |
15,1 |
U đám rối mạch mạc |
5 |
5,5 |
U hạch thần kinh đệm |
3 |
3,3 |
U dạng quái/cơ vân |
2 |
2,2 |
U khác |
4 |
4,4 |
Tổng |
93 |
100 |
P < 0,01
· U hố trước: 39 (41,9%); Hố sau: 54 (58,1%).
· Phân bố u hố sau: U nguyên tủy bào: 36 (66,7%); U sao bào lông: 8 (14,8%); U màng não thất: 6 (11,1%); U khác: 4 (7,6%).
Bảng 2. Tỷ lệ phân bố các u thuộc nhóm sao bào
Phân loại |
Số lượng |
% |
U sao bào lông |
13 |
46,4% |
U sao bào lông dạng nhầy |
2 |
7,1% |
U sao bào lan tỏa |
2 |
7,1% |
U sao bào bất thục sản |
2 |
7,1% |
U nguyên bào thần kinh đệm |
6 |
21,4% |
Sarcoma thần kinh đệm |
3 |
10,7% |
Tổng |
28 |
100% |
P < 0,01
B. Phân độ ác tính
1. Tỷ lệ chung
· Độ thấp: 36 (38,7%); Độ cao: 57 (61,3%)
Bảng 3. Tỷ lệ phân độ ác tính u não theo vị trí
<td width=”81″ valign=”top” style=”width:60.9pt;border-top:none;border-left:none; border-bottom:solid windowtext 1.0pt;border-right:solid windowtext 1.0pt; mso-border-top-alt:solid windowtext .5pt;mso-border-left-alt:solid windowtext .5pt; mso-border-alt:solid windowtext .5pt;padding:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt”>25,6%
Phân độ |
Hố trước |
Hố sau |
Tổng |
|||
Số lượng |
(%) |
Số lượng |
(%) |
Số lượng |
(%) |
|
I |
12 |
30,8% |
8 |
14,8% |
20 |
21,5% |
II |
10 |
6 |
11,1% |
16 |
17,2% |
|
III |
4 |
10,3% |
2 |
3,7% |
6 |
6,5% |
IV |
13 |
33,3% |
38 |
70,4% |
51 |
54,8% |
Tổng |
39 |
100% |
54 |
100% |
93 |
100% |
P < 0,01
2. Độ ác tính và tuổi
Bảng 4. Liên quan giữa độ ác tính và tuổi
Tuổi |
Độ ác tính |
Tổng |
|
Thấp (độ I, II) |
Cao (độ III, IV) |
||
0 – 6 |
27 |
33 |
60 (64,5%) |
7 – 15 |
9 |
24 |
33 (35,5%) |
Tổng |
36 (38,7%) |
57 (61,3%) |
93 (100%) |
OR = 2,18 95% CI: 0,79 < OR < 6,14 P > 0,05
IV. BÀN LUẬN
1. Phân bố bệnh
· Tuổi: U gặp ở hầu hết các độ tuổi từ 0-15 tuổi. Tuổi nhỏ nhất là 32 ngày, đây là một trường hợp u tiểu não, u nguyên bào thần kinh đệm độ IV. Phân bố tuổi không đồng đều, tỷ lệ mắc bệnh cao ở nhóm 0-6 tuổi chiếm tới 64,5%.
– Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy u não gặp ở hầu hết các lứa tuổi từ 0-16 tuổi [4] [5]. Nhóm 0-4 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn các nhóm khác [4].
· Giới: Tỷ lệ mắc bệnh ở nam cao hơn nữ, tỷ lệ nam/nữ ≈ 1,5:1. Lannering B nghiên cứu trên 198 trường hợp, tỷ lệ nam/nữ là 1,08: 1, thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên ở nhóm u nguyên tủy bào tỷ lệ này là 1,8:1 [4].
· Đặc điểm bệnh theo phân loại: U nguyên tủy bào có tỷ lệ cao nhất chiếm 38,7%, tiếp theo là u sao bào 30,8%, u màng não thất 15,1%. Các u khác có tỷ lệ thấp hơn (bảng 1).
– Theo Laurence, tỷ lệ phân bố bệnh có một số khác biệt, u sao bào có tỷ lệ cao nhất chiếm 45%, tiếp theo là u nguyên tủy bào 20%, u màng não thất 10-13%, các u khác có tỷ lệ 2-3% [3]. Ở người lớn, u nguyên tủy bào chỉ chiếm 2-3% thấp hơn hẳn so với ở trẻ em, u sao bào chiếm 33-42%, u màng nào thất có tỷ lệ rất thấp 2-3% [3].
· Đặc điểm phân loại nhóm u sao bào: Các u sao bào đa dạng trong phân nhóm (bảng 2), trong phân độ và trong tiên lượng bệnh. Mặc dù vậy u sao bào lông (pylocytic astrocytoma) (độ I) là nhóm có tỷ lệ cao nhất chiếm 46,4%. Theo Đỗ HM. [2], ở người lớn u sao bào lông ít gặp hơn, tỷ lệ là 8,3%, nhóm có tỷ lệ cao nhất là u sao bào bất thục sản (anaplastic astrocytoma) chiếm 35,9%.
· Phân bố bệnh theo vị trí: U não hố sau có tỷ lệ cao hơn so với hố trước, tỷ lệ lần lượt là 58,1% và 41,9%. Đặc biệt, phần lớn u hố sau là u nguyên tủy bào chiếm 66,7% (đây là u có độ ác tính cao, độ IV) trong khi các u khác chỉ chiếm 32,3%. Theo Paul và cộng sự, tỷ lệ u não hố trước và hố sau ít có sự khác biệt so với nghiên cứu này: u hố sau 66% và hố trước 33% [6].
2. U não và phân độ ác tính
· Độ ác tính: Bảng 3 cho thấy u có từ độ I đến độ IV. U độ IV có tỷ lệ cao nhất chiếm 54,8%. Ở hố sau, u não độ cao chiếm tới 74,1% (độ III 3,7%, độ IV 70,4%) trong khi ở hố trước tỷ lệ này thấp hơn: 43,6% (độ III 10,3%, độ IV 33,3%).
Theo tổ chức y tế thế giới, bên cạnh định hướng điều trị, phân độ u não còn chỉ ra khả năng đáp ứng trị liệu và tiên lượng bệnh [1]. Độ I: u phát triển chậm, trị liệu bằng phẫu thuật, tiên lượng tốt. Độ II: u phát triển lan tỏa, tỷ lệ tái phát cao, thời gian sống thường trên 5 năm. Một số u sao bào độ II có thể chuyển dạng thành u sao bào bất thục sản (độ III) hoặc u nguyên bào thần kinh đệm (độ IV). Độ III: tế bào ác tính, nhiều nhân chia, điều trị phẫu thuật kết hợp xạ trị và/hoặc hóa trị liệu, thời gian sống thêm 2-3 năm. Độ IV: tế bào u ác tính, nhiều nhân chia, có hoại tử, u phát triển mạnh cả trước và sau phẫu thuật. Tùy thuộc phân loại mà u độ IV có tiên lượng rất khác nhau: phần lớn các u nguyên bào thần kinh đệm, thời gian sống thêm trong vòng 1 năm; các u độ IV khác bao gồm u nguyên tủy bào, u phôi, với phác đồ điều trị phù hợp tỷ lệ sống 5 năm là 60%-80%.
· Liên quan giữa tuổi và độ ác tính: Bảng 4 cho thấy các u não độ cao và độ thấp xuất hiện cả ở nhóm 0-6 tuổi và nhóm 7-15 tuổi, u độ cao nhiều hơn u độ thấp. Không thấy có mối liên quan giữa tuổi với độ ác tính của u (OR = 2,18; 95% CI: 0,79 < OR < 6,14; P > 0,05).
V. KẾT LUẬN
1. Phân bố bệnh
· U não trẻ em thấy ở hầu hết các độ tuổi từ 0-15 tuổi, nhóm 0-6 tuổi có tỷ lệ cao (64,5%). Nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ nam/nữ ≈ 1,5:1.
· Phần lớn u não thuộc 3 nhóm chính: u nguyên tủy bào (38,7%), u sao bào (30,8%), u màng não thất (15,1%). Trong nhóm u sao bào, u sao bào lông (độ I) có tỷ lệ lớn (46,4%).
· U não hố trước (41,9%) ít gặp hơn so với hố sau (58,1%). Phần lớn u hố sau là u nguyên tủy bào (66,7%).
2. Phân độ ác tính
· U não độ cao (61,3%) gặp nhiều hơn u độ thấp (38,7%). Ở hố sau, tỷ lệ u độ cao nhiều hơn hẳn so với hố trước (74,1% và 33,6%).
· U não độ thấp và độ cao xuất hiện ở hầu hết các lứa tuổi. Không thấy có mối liên quan giữa độ ác tính và tuổi mắc u.
1. David NL, Hiroko O, Otmar DW, et all. (2007). Who classification of tumours of the central Nervous System. International Agency for research on Cancer:7-9.
2. Đỗ HM. (2009). Nghiên cứu chẩn đoán và thái độ điều trị u não thể glioma ở bán cầu đại não. Luận án tiến sĩ y học, chuyên ngành thần kinh và sọ não, mã số 62720720:67.
3. Laurence EB. (2001). Pediatric Pathology. Volum 1, second edition. Lippincot Williams & Wilkins:361 – 409.
4. Lannering B, Marky I, Nordborg. (1990). Brain tumour in childhood and adolescence in Sweden 1970-1984. Epidemiology and survival. Cancer; Aug 1; 66(3):604-9.
5. Kaatsch P, Rickert CH, Kuhl J, et all. (2001). Population-based epidemiologic data on brain tumour in German children. Cancer; Dec 15; 92(12):3155-64.
6. Paul EM, Philip JB. (2004). Diagnostic Surgical Pathology. Volum 1, fourt edition. Lippincot Williams & Wilkins:400 – 551.
Summary
STUDY OF DISTRIBUTIVE CHARACTERISTICS AND GRADING OF BRAIN TUMOUR IN CHILDREN
Objective: To determine distributive characterisics and grading of brain tumour in children. Materials: Biopsy slides and paraffin blocks from brain tumour cases from January 2005 – July 2010. Methods: Cross sectional study. Diagnosis, classification and grading of brain tumours according to WHO classification in 2007. Distributive characters in term of gender, age, side and type of tumour were defined, grading of tumours were analyzed base on grading scale. Results: Of 93 cases from 0-15 years old, the 0-6 age group accounted for 64.5%, and male/female ≈ 1.5:1. Tumours mainly drop in 3 categories: medulloblastoma 38.7%, astrocytic tumours 30.8%, ependymoma 15.1%. Tumour rate in posterior fossa was 58.1%, in anterior fossa was 41.9%. The largest proportion of tumour in posterior fossa was medulloblastoma, accounted for 66,7%. Low grade (grade I, II) and high grade (grade III, IV) carried out with 38.7% and 61.3%. High grade tumour was prominent in posterior fossa with 74.1% while this ratio in anterior fossa was lower at 43,6%. Conclusions: Brain tumour presents in all age group and gender, tumour ratio in male is higher than in female. Three main tumours categories are: medulloblastoma, astrocytic tumour, ependymoma. Proportion of high grade tumour are usually high, this is specially higher in posterior fossa compare with anterior fossa.
Keywords: Brain tumour in children, medulloblastoma, astrocytic tumour.