Trang chủ » Y học thường thức - SK&BL Trẻ em » Y học thường thức » Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em – Những lưu ý quan trọng cha mẹ cần biết

Ngộ độc thực phẩm ở trẻ em – Những lưu ý quan trọng cha mẹ cần biết

Ngày 28/3, Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 2 trẻ là học sinh trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm của Trường Tiểu học Kim Giang, Hà Nội. Các bệnh nhi nhập viện trong tình nôn, mất nước, mệt, sốt nhẹ và đi ngoài phân lỏng nhiều lần.

Ngay sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhi, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Chống độc đã nhanh chóng cho trẻ truyền dịch, uống Oresol, men vi sinh và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Đến chiều ngày 29/3, tình trạng của 2 đã trẻ ổn định, không còn sốt, nôn, đi ngoài và lần lượt được xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà, đồng thời chờ kết quả cấy phân để tìm ra căn nguyên gây bệnh.

Với mong muốn giúp cha mẹ có thêm kiến thức trong việc nhận biết, xử trí và chăm sóc đúng cách khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm để tránh các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt trong mùa hè sắp tới khi thời tiết nắng nóng, là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển mạnh, mời cha mẹ cùng đọc những tư vấn dưới đây của TS.BS Lê Ngọc Duy – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương để hiểu thêm về vấn đề này:

1. Triệu chứng khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

  • Về tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy.
  • Về hô hấp: ho, thở nhanh, khó thở, tím tái
  • Về thần kinh: co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê.
  • Dấu hiệu tăng tiết: đờm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.

Đau bụng, tiêu chảy và nôn là những triệu chứng thường gặp khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm (Nguồn: Internet)

Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải chú ý kỹ xung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây độc và liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, phải đem theo những vật nghi ngờ gây ngộ độc” – TS.BS Lê Ngọc Duy khuyến cáo.

2. Cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm

– Nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

– Trong khi chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế nên:

  • Để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước (khát, li bì, niêm mạc miệng mũi khô, tiểu ít,…) của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ.
  • Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải. 
  • Nếu trẻ sốt cao có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol 10-15 mg/ kg/ lần x 4-6h/ lần (tối đa 0,5g/ lần và 2g/ngày).
  • Tạm ngừng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.

3. Chăm sóc trẻ phục hồi sau ngộ độc thực phẩm

Chế độ ăn của trẻ

  • Cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm như súp, cháo, canh để đảm bảo dinh dưỡng và giúp trẻ dễ ăn hơn.
  • Không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong 1 bữa, có thể chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày.
  • Cho trẻ ăn thêm sữa chua, rau xanh, hoa quả như chuối, táo để hỗ trợ tiêu hoá và tăng cường vitamin.
  • Khi nhận thấy trẻ bình thường trở lại, cha mẹ có thể cho trẻ ăn cơm, bánh và một số đồ ăn khác.
  • Tránh các thực phẩm gây khó tiêu và dễ kích thích gây buồn nôn như: đồ chiên rán, thức ăn quá nhiều dầu mỡ. Không nên ăn các thực phẩm từ sữa động vật như: bơ, phô mai, sữa…trong vài ngày do lúc này cơ thể trẻ khó dung nạp được lactose gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu.

Cho trẻ ăn các món ăn loãng, mềm để đảm bảo dinh dưỡng và giúp trẻ dễ ăn hơn (Nguồn: Internet)

Uống nhiều nước

  • Cho trẻ uống nước bù điện giải đúng cách.
  • Có thể cho trẻ uống nước ép hoa quả để dễ uống hơn.
  • Không cho trẻ uống nước đá, các loại nước ngọt hoặc nước có ga.

Chế độ nghỉ ngơi 

  • Trẻ bị ngộ độc thức ăn cần được nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các vận động mạnh.
  • Cha mẹ tốt nhất nên cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ giấc.
  • Hạn chế tiếng ồn gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ.

4. Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

  • Rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống.
  • Bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến.
  • Nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch.
  • Không để trẻ ăn uống mà không có sự giám sát của người lớn.
  • Không sử dụng lại đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng. Kiểm tra kĩ thời hạn sử dụng của các thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng.

TS. BS Lê Ngọc Duy – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc
 Thu Hương – Phòng Thông tin điện tử
Ảnh: Phạm Thao – Lê Hiếu

Chuyên mục: Y học thường thức

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24

BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG
ĐI ĐẦU & DẪN ĐẦU

  • Đội ngũ giáo sư, chuyên gia số 1 trong ngành nhi khoa Việt Nam
  • Cơ sở vật chất, thiết bị y tế hiện đại bậc nhất
  • Các công trình nghiên cứu y khoa dẫn đầu ngành
  • Áp dụng Bảo hiểm y tế, bảo hiểm bảo lãnh đầy đủ
  • Chi phí khám chữa bệnh hợp lý nhất
  • Chăm sóc chu đáo, toàn diện cho trẻ em